Trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cử tri một số địa phương có ý kiến gửi Bộ Y tế kiến nghị có chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế.
Đề nghị tăng mức lương khởi điểm của bác sĩ
Cử tri tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị xem xét chế độ chính sách đãi ngộ đối với bác sĩ nói riêng và cán bộ y tế nói chung. Bởi, chế độ hiện nay ở tuyến y tế cơ sở là chưa phù hợp, dẫn đến việc tuyển dụng bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, da liễu, răng - hàm - mặt, mắt… về công tác tại cơ sở gặp khó khăn.
Tương tự, cử tri tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị Bộ Y tế xem xét tham mưu ban hành chế độ tiền lương và phụ cấp, phụ cấp thâm niên nghề đối với nhân viên y tế sao cho phù hợp với thực tế, kéo giảm khoảng cách về thu nhập giữa khu vực y tế công lập và tư nhân.
Trong khi đó, cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học vì bác sĩ có thời gian đào tạo 6 năm; ngoài ra, sau khi ra trường, phải học thêm 12 tháng tại bệnh viện mới được cấp giấy phép hành nghề.
Cũng liên quan đến vấn đề này, cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cho cán bộ y tế; xem xét có chính sách thu hút, hỗ trợ bác sĩ đến làm việc, gắn bó lâu dài tại các cơ sở thuộc cấp khám chữa bệnh ban đầu.
Cử tri cũng kiến nghị có chính sách đưa bác sĩ sau khi tốt nghiệp về xã thực hiện nghĩa vụ khám chữa bệnh, phòng bệnh tại cấp khám chữa bệnh ban đầu ít nhất 2 năm, trước khi được nhận nhiệm vụ ở các cơ sở khác.
Cử tri kiến nghị có chính sách đưa bác sĩ sau tốt nghiệp về xã ít nhất 2 năm để thực hiện nghĩa vụ khám chữa bệnh, phòng bệnh. Ảnh: TT
Đề xuất xếp lương bậc 2 cho bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ
Trả lời các nội dung nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện nay, ngoài chế độ tiền lương theo Nghị định 204/2004 của Chính phủ, nhân viên ngành y tế được hưởng các phụ cấp như: Phụ cấp ưu đãi theo nghề; chế độ phụ cấp đặc thù (thường trực 24/24 giờ, chống dịch, phẫu thuật/thủ thuật).
Ngoài ra, nhân viên ngành y tế cũng được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phụ cấp đặc thù tại một số bệnh viện hoặc cho nhân viên y tế thôn bản.
Để khuyến khích cán bộ y tế làm việc tại y tế cơ sở và y tế dự phòng, Nghị định 05/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011 quy định mức phụ cấp ưu đãi theo nghề 100% cho viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở từ ngày 1-1-2022 đến 31-12-2023.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số nội dung chi, mức chi đặc thù cho cán bộ y tế trên địa bàn như: Nghệ An, Phú Thọ, Bình Dương, Huế, An Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình, nhằm thu hút nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.
Về cải cách chính sách, Bộ Y tế đang đề xuất xếp lương bậc 2 cho các chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ khi tuyển dụng.
Đồng thời, Bộ đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 56/2011 về phụ cấp ưu đãi theo nghề (dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2025) và Nghị định quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp chống dịch, hỗ trợ nhân viên y tế thôn bản (dự kiến hoàn thành trong tháng 9-2025).
Riêng phụ cấp thâm niên nghề, theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương, chế độ này đã bãi bỏ đối với ngành y tế để đảm bảo tương quan tiền lương.
Về kiến nghị đưa bác sĩ sau tốt nghiệp về xã thực hiện nghĩa vụ khám chữa bệnh ít nhất 2 năm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế ghi nhận và sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp.
"Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách nhằm bảo đảm thu nhập và điều kiện làm việc cho nhân viên y tế, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa y tế công lập và tư nhân" - văn bản trả lời cử tri của Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ.
THANH THANH