Ảnh minh họa: M.N
Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh chóng, đặc biệt ở nhóm trẻ em gái. Bằng rất nhiều nỗ lực, công sức và kinh phí của nhiều cấp, nhiều ngành và UBND các cấp, tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường đã giảm đáng kể. Tuy nhiên sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã dẫn đến tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này ở trẻ em.
Các sản phẩm này thu hút giới trẻ bởi thiết kế hiện đại, kiểu dáng đa dạng và giá thành rẻ, dễ dàng tiếp cận qua các kênh mạng xã hội, địa điểm bán lẻ hoặc thậm chí gần khu vực trường học. Ngoài ra, chiến lược quảng cáo của các công ty thuốc lá, bao gồm việc sử dụng hình ảnh thần tượng giới trẻ, đã gây hiểu lầm rằng các sản phẩm này có thể giúp cai nghiện hoặc giảm thiểu tác hại.
Đặc biệt, vấn đề nghiêm trọng hơn là tình trạng thuốc lá điện tử bị "núp bóng" để trộn ma túy, tạo ra mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe và tương lai của thanh thiếu niên.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Đồng thời, Chính phủ được giao nhiệm vụ cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, với mục tiêu ngăn chặn sự lan rộng của các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha.
Theo Bộ Y tế, hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo hàng cấm đã có các chế tài xử phạt tại Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 33 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo và Điều 90, 91 Bộ Luật Hình sự.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn lỗ hổng trong chế tài xử lý hành chính đối với hành vi "chứa chấp" và "sử dụng" thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Để khắc phục, Bộ Y tế đã đề xuất mức xử phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng cho các hành vi này trong dự thảo Nghị định sửa đổi. Đối với trường hợp tái phạm, mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Các vi phạm cũng sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm tịch thu các sản phẩm vi phạm.
Dự thảo này không chỉ nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế mà còn là bước đi quyết liệt để bảo vệ thế hệ trẻ trước những tác hại nguy hiểm từ các sản phẩm thuốc lá mới. Việc triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên, về nguy cơ của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng sẽ góp phần xây dựng một môi trường sống lành mạnh và an toàn hơn.
Minh Nhật