Đảm bảo tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có ý kiến phản hồi đề xuất của cử tri nhiều địa phương liên quan điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ để các cơ sở y tế đủ nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động.
Theo đó, trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai về việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện giá dịch vụ mới chỉ tính hai thành phần gồm chi phí trực tiếp và tiền lương. Hai yếu tố còn lại là chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định chưa được đưa vào, dù đây là quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Bộ Y tế đang đánh giá tác động, đề xuất thời điểm đưa chi phí quản lý vào giá khám, chữa bệnh. Ảnh minh họa
Theo Bộ trưởng, từ ngày 1/6/2017, yếu tố tiền lương đã được tính vào giá dịch vụ. Tuy nhiên, việc bổ sung thêm hai yếu tố còn lại cần được tiến hành một cách thận trọng, có lộ trình cụ thể, dựa trên đánh giá chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Điều này nhằm đảm bảo cân bằng giữa việc điều chỉnh giá, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của người dân và cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế đang phối hợp các cơ quan liên quan để đánh giá tác động, đề xuất thời điểm thích hợp đưa chi phí quản lý vào giá dịch vụ, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Về thẩm quyền định giá, Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm rõ, giá dịch vụ khám chữa bệnh được quyết định dựa trên phương án do các đơn vị xây dựng. Bộ Y tế phê duyệt giá của các bệnh viện trực thuộc trung ương như: Bạch Mai, Việt Đức, K, Phụ sản Trung ương..., trong khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt giá đối với các cơ sở y tế tại địa phương. Do đó, Bộ Y tế không quy định một mức giá áp dụng cho toàn hệ thống y tế cả nước.
Sắp ban hành hướng dẫn chỉ định nhập viện cấp cứu
Liên quan đến kiến nghị của cử tri Lâm Đồng về việc ban hành hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn nhập viện nội trú tương ứng với mỗi loại bệnh lý, Bộ trưởng Y tế cho biết, để chuẩn hóa quy định chuyên môn và nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành và cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, làm cơ sở cho các cơ sở khám chữa bệnh và nhân viên y tế thực hiện.
Đến nay, Bộ Y tế đã ban hành trên 1.300 hướng dẫn, bao phủ các bệnh phổ biến và hầu hết chuyên ngành như hồi sức tích cực, chống độc, hô hấp, nhi, tim mạch, nội tiết, ung thư, cơ xương khớp, truyền nhiễm, lao, răng, hàm, mặt, tai, mũi, họng, da liễu, thận tiết niệu, sản phụ khoa, y học hạt nhân.
Các hướng dẫn dành cho trạm y tế xã, phường được xây dựng phù hợp với năng lực và nhu cầu khám chữa bệnh tại cơ sở.
Về tiêu chuẩn nhập viện nội trú, một số hướng dẫn đã quy định cụ thể, như viêm phổi ở người lớn, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ em, hội chứng mạch vành cấp, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết Dengue... Các bệnh viện cần căn cứ hướng dẫn này, kết hợp năng lực và thực trạng để xây dựng tiêu chuẩn nhập viện nội trú riêng.
"Hiện nay, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng Hướng dẫn chỉ định nhập viện cấp cứu, dự thảo cuối cùng đang trong quá trình hoàn thiện để ban hành", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn chỉ định nhập viện cấp cứu để ban hành trong thời gian tới.
Nguyên Thảo