Bộ Y tế thông tin về trách nhiệm với sữa giả, thực phẩm giả

Bộ Y tế thông tin về trách nhiệm với sữa giả, thực phẩm giả
7 giờ trướcBài gốc
Lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm
Chiều 6/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, báo chí đặt câu hỏi tới Bộ Y tế liên quan đến vấn đề sữa giả, thuốc giả. Đồng thời, đề nghị làm rõ những lỗ hổng trong chính sách, pháp luật khiến cho những sản phẩm ngang nhiên tồn tại trên thị trường trong thời gian dài mà không được kiểm soát, phát hiện.
Trả lời về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, vụ việc sữa giả xảy ra thời gian qua thực sự rất nghiêm trọng, đặc biệt vì các sản phẩm bị làm giả liên quan trực tiếp tới trẻ nhỏ và người bệnh, đó là những đối tượng cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin về vụ sữa giả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá vụ việc xảy ra là vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh, khi nhiều tổ chức, cá nhân vì mục tiêu lợi nhuận đã cấu kết với nhau, thiết lập đường dây có tổ chức để trục lợi trong thời gian dài.
Theo ông Thuấn, các đối tượng liên quan hoạt động tinh vi, thành lập nhiều công ty trong cùng hệ sinh thái nhằm phân tán sự chú ý của người tiêu dùng, đồng thời tự tạo dựng danh tiếng cho sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng.
"Họ đã bất chấp quy định pháp luật, coi thường sức khỏe người dân để thu lợi. Đây là hành vi rất đáng lên án và cần xử lý nghiêm minh, để trở thành bài học cảnh tỉnh cho các tổ chức, cá nhân đang và sẽ tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng nói riêng và thực phẩm nói chung", ông Thuấn cho hay.
Sẽ siết hậu kiểm
Về khía cạnh pháp lý, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, thực phẩm bổ sung được phép tự công bố, còn thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ em phải đăng ký bản công bố sản phẩm.
"Chủ trương tự công bố được ban hành nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tiếp cận theo hướng quản lý tiên tiến như ở nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng cơ chế này để sản xuất, kinh doanh sản phẩm kém chất lượng", ông Thuấn nhấn mạnh.
Sau vụ việc, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 832 ngày 23/4/2025, chỉ đạo các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tiến hành thu hồi 2 sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng nghi ngờ là hàng giả. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an xử lý theo quy định pháp luật.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm sữa đang trong quá trình điều tra cho đến khi có kết luận chính thức của cơ quan công an.
Tuy nhiên, phần trả lời của Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lưu ý cần tập trung hơn vào trọng tâm câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc có hay không lỗ hổng trong quản lý sữa, thuốc và thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định "ngành Y tế đã làm hết trách nhiệm" khi đã ban hành đầy đủ quy định liên quan.
Trong quản lý, Bộ Y tế chủ yếu phân cấp và ủy quyền cho các địa phương; Bộ chỉ đưa ra quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn. Tuy nhiên, một số vụ việc vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ ý thức và đạo đức của người kinh doanh, lợi dụng sức khỏe người dân để trục lợi.
Ngoài ra, việc triển khai cơ chế tự công bố sản phẩm trong bối cảnh nguồn lực giám sát còn hạn chế cũng phát sinh nhiều bất cập.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tăng cường công tác hậu kiểm.
Đồng thời, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Luật Dược sửa đổi; sẽ tiếp tục trình Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
"Trong quá trình xây dựng luật và văn bản dưới luật, Bộ Y tế sẽ lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, chuyên gia và các doanh nghiệp chân chính nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sức khỏe nhân dân", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay.
Trong tháng 4/2025, Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, trị giá hơn 500 tỷ đồng.
Công an tỉnh Thanh Hóa cũng triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc và bắt giữ 14 người.
Nguyên Thảo
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-y-te-thong-tin-ve-trach-nhiem-voi-sua-gia-thuc-pham-gia-386310.html