Cần cơ chế quản lý đồng bộ để kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Chiều 6/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Phát biểu thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi luật. Theo đại biểu So, sau 17 năm thi hành, luật đã phát huy vai trò trong quản lý chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều quy định đã lỗi thời, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế hội nhập và thương mại điện tử, nhất là về truy xuất nguồn gốc, quản lý trong thương mại điện tử, trách nhiệm nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng…, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Đi vào góp ý các nội dung cụ thể, đại biểu đoàn Bắc Ninh bày tỏ quan tâm đến quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước. Đại biểu dẫn chứng vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa giả được sản xuất và lưu hành công khai trong suốt 4 năm qua là một hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng trong hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay.
Theo ông, đây không chỉ là vụ việc mang tính cá biệt mà còn phản ánh những bất cập có tính hệ thống trong thiết kế chính sách và tổ chức thực thi, phơi bày rõ nét sự buông lỏng và thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Đại biểu phân tích, cơ chế hậu kiểm vốn là định hướng đúng đắn phù hợp với thông lệ quốc tế và chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nâng cao tính chủ động trách nhiệm của doanh nghiệp, thế nhưng khi thiếu năng lực hậu kiểm, thiếu cơ chế phối hợp, thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước thì cơ chế này trở thành kẽ hở để lợi dụng, né tránh trách nhiệm pháp lý và kiểm soát chất lượng.
“Trong vụ việc trên, sự chồng chéo, phân tán và thiếu thống nhất trong phân công trách nhiệm giữa Bộ Y tế, Bộ Công thương, chính quyền địa phương... khiến cho không có một cơ quan nào thực sự chịu trách nhiệm toàn diện. Khi hậu quả xảy ra việc quy trách nhiệm trở nên mơ hồ vì tất cả đều liên quan nhưng không ai là đầu mối chịu trách nhiệm cuối cùng, dẫn đến tình trạng đùn đẩy, đá bóng trách nhiệm”, đại biểu So nêu ý kiến.
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ 13. (Ảnh: DUY LINH)
Do đó, theo ông, việc sửa đổi luật cần giải quyết tận gốc vấn đề này bằng cách thiết lập rõ mô hình quản lý rõ ràng trong đó quy định cụ thể cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp liên ngành, trách nhiệm hậu kiểm gắn với chế tài thực thi đủ mạnh.
Đại biểu kiến nghị cần rà soát, điều chỉnh theo hướng tăng tính minh bạch, phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành theo lĩnh vực được phân công, tránh chồng chéo, buông lỏng quản lý hoặc bỏ trống trách nhiệm.
Đồng thời, cần thiết lập rõ vai trò chủ trì và cơ chế phối hợp liên ngành một cách hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
“Chỉ khi xây dựng được cơ chế quản lý đồng bộ, rõ ràng và có tính ràng buộc cao thì chất lượng sản phẩm hàng hóa mới thực sự được kiểm soát và quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo đảm”, đại biểu So nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 14. (Ảnh: BÙI GIANG)
Cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi luật lần này, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng, việc sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong giai đoạn phát triển mới.
Theo đại biểu, luật được ban hành từ năm 2007, sau 17 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là khi Việt Nam đang ngày càng mở rộng quan hệ quốc tế và tham gia sâu vào các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do. Những thay đổi mạnh mẽ của thị trường trong nước và quốc tế đòi hỏi hệ thống pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần được cập nhật, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Đại biểu đặc biệt nhấn mạnh vai trò của truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng. Ông cho rằng cần thiết kế chính sách theo hướng khuyến khích và định hướng thay vì áp đặt cứng nhắc.
Cụ thể, nên phân loại sản phẩm theo hai nhóm: Nhóm bắt buộc và nhóm khuyến khích tự nguyện trong việc dán nhãn, ghi hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Việc này vừa bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Không nên phân biệt đối xử giữa phòng thử nghiệm Nhà nước và tư nhân
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) đề nghị sửa đổi một loạt quy định nhằm bảo đảm khách quan, minh bạch và phù hợp thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, với quy định về thử nghiệm kiểm chứng (Điều 25a, khoản 8), đại biểu bày tỏ không đồng tình với quy định chỉ tổ chức nhà nước mới được làm nhiệm vụ này. Theo bà, quy định như vậy là thiếu cơ sở khoa học, phân biệt đối xử với khu vực tư nhân và đi ngược tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Đại biểu cũng kiến nghị sử dụng thuật ngữ “mẫu thử nghiệm thành thạo” theo chuẩn quốc tế ISO 17034, thay vì “thử nghiệm trọng tài” hay “thử nghiệm kiểm chứng” để giải quyết tranh chấp nếu có phù hợp thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị bỏ quy định ưu tiên tổ chức thử nghiệm kiểm chứng thực hiện khảo sát chất lượng sản phẩm, vì điều này làm giảm cơ hội của các phòng thử nghiệm tư nhân, vốn đang tham gia tích cực vào hoạt động kiểm tra phục vụ quản lý Nhà nước.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 14. (Ảnh: BÙI GIANG)
Về điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa nhập khẩu (Điều 34), đại biểu đoàn Bắc Ninh đề nghị bỏ yêu cầu công bố hợp quy đối với hàng hóa có rủi ro trung bình. Theo bà, cần chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, vừa giảm thủ tục cho doanh nghiệp, vừa tránh nguy cơ tạo rào cản kỹ thuật ảnh hưởng đàm phán mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam.
Liên quan chi phí đánh giá sự phù hợp phục vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Điều 51b), nữ đại biểu chỉ rõ sự bất hợp lý khi hàng nhập khẩu thì doanh nghiệp phải tự chi trả chi phí, còn hàng sản xuất trong nước lại do cơ quan kiểm tra chịu chi phí.
Bà cảnh báo điều này có thể ảnh hưởng tính khách quan của kết quả kiểm tra vì nếu kết quả không đạt thì có thể người nhập khẩu sẽ không lựa chọn đơn vị này trong những lần sau.
Đại biểu Kim Anh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo để bảo đảm đồng bộ với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (cũng được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này) và phù hợp với chủ trương tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.
TRUNG HƯNG