CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã công bố KQKD kém khả quan trong năm tài chính 2023-2024 với doanh thu thuần đạt 39,3 nghìn tỷ đồng (nhích nhẹ 2% so cùng kỳ) và lãi ròng đạt 510 tỷ đồng (tăng 17 lần so cùng kỳ).
Riêng trong quý 4, HSG đã công bố mức doanh thu thuần đạt 10,1 nghìn tỷ đồng (giảm 7% so quý trước nhưng tăng 25% so cùng kỳ) nhưng lỗ ròng 186 tỷ đồng (trái với mức lãi là 273 tỷ đồng trong quý 3 năm tài chính 2024 và mức lãi 438 tỷ đồng trong quý 4 năm tài chính 2023). Cần lưu ý rằng năm tài chính của HSG kết thúc vào ngày 30/09 hàng năm.
Theo Chứng khoán Vietcap (VCSC), doanh thu quý 4 năm tài chính 2024 tăng so cùng kỳ do sản lượng bán tăng, nhưng bị ảnh hưởng một phần bởi việc giá bán trung bình giảm. Cụ thể, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng sản lượng bán ống thép và tôn mạ của HSG trong quý 4 năm tài chính 2024 là 499.200 tấn (giảm 3% so quý trước và tăng 28% so cùng kỳ).
VCSC cho rằng việc sản lượng bán giảm so với quý trước là do áp lực cạnh tranh đến từ thép Trung Quốc giá rẻ tại cả thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng bán đã ghi nhận mức tăng do nhu cầu phục hồi từ mức cơ sở thấp của năm ngoái. Sản lượng bán trong quý 4 đã ghi nhận mức tăng trưởng khá tương đồng so với mức tăng trưởng của doanh thu thuần (tăng 28% so cùng kỳ so với tăng 25% so cùng kỳ), đồng nghĩa giá bán trung bình gần như đi ngang so cùng kỳ.
Trong cả năm tài chính 2024, tổng sản lượng bán ống thép và tôn mạ đã đạt 1,9 triệu tấn, tăng 37% so cùng kỳ, nhanh hơn so với mức tăng trưởng doanh thu thuần là 24% so cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa giá bán trung bình cả năm giảm so cùng kỳ do áp lực từ thép giá rẻ của Trung Quốc.
Biên lợi nhuận gộp quý 4 giảm so với quý trước đúng như dự kiến, nhưng mức giảm lại lớn hơn so với kỳ vọng: Biên lợi nhuận gộp quý 4 năm tài chính 2024 là 8,4%, thấp hơn so với biên lợi nhuận gộp quý 3 là 12,3% và dự báo biên lợi nhuận gộp quý 4 năm tài chính 2024 của VCSC là 11,4%.
VCSC cho rằng nguyên nhân biên lợi nhuận gộp quý 4 giảm so quý trước là do giá thép cuộn cán nóng (HRC) giảm so quý trước do áp lực từ thép Trung Quốc.
VCSC lưu ý rằng trong môi trường giá HRC giảm, biên lợi nhuận của các công ty sản xuất tôn mạ thường sẽ giảm do mức lợi nhuận đến từ chênh lệch giá bán đầu vào – giá nguyên vật liệu đầu ra bị thu hẹp. Điều này là do giá bán đầu ra thấp (vì mức giá này thường được điều chỉnh theo giá giao ngay), trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào lại cao (do số hàng tồn kho đã được mua với giá cao hơn trước đó). Trong năm tài chính 2024, biên lợi nhuận gộp đã không hoàn thành dự báo của VCSC, chỉ đạt mức 10,8% so với mức dự báo là 11,6%.
Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý (SG&A)/doanh thu quý 4 đã tăng 69% so cùng kỳ, chủ yếu do (1) chi phí lương (lần lượt chiếm 22%/26% tổng chi phí SG&A quý 4 năm tài chính 2023/24) đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và (2) chi phí xuất khẩu (lần lượt chiếm 30%/37% tổng chi phí SG&A quý 4 năm tài chính 2023/24) tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước vì chi phí vận chuyển trung bình tăng so với cùng kỳ năm trước do cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ. Chi phí SG&A năm tài chính 2024 đã tăng 34% so cùng kỳ.
Cần lưu ý rằng trong quý 3/2024 (tức là quý 4 trong năm tài chính 2024 của HSG), giá cước thuê tàu đã giảm từ mức đỉnh vào tháng 7/2024 khi áp lực từ khủng hoảng Biển Đỏ và hạn hán tại kênh đào Panama đã giảm bớt, nhưng mức giá bán trung bình vẫn ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
KQKD quý 4 năm tài chính 2024 của HSG đã ghi nhận mức lãi tỷ giá ròng 72 tỷ đồng. Tính cả mức lãi tỷ giá ròng bất thường ghi nhận trong quý 2 năm tài chính 2024 là 124 tỷ đồng, tổng lãi tỷ giá ròng trong cả năm tài chính 2024 đạt mức 219 tỷ đồng, cao hơn 94% so với mức lãi 133 tỷ đồng ghi nhận trong năm tài chính 2023.
Minh An