Ảnh minh họa: Coteccons
Theo báo cáo tài chính quý 3/2024, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 975 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn nên lãi gộp của doanh nghiệp tăng 52% lên hơn 60 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính của công ty trong kỳ âm hơn 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái thu về 31 tỷ đồng. Chi phí tài chính được tiết giảm 50%, về mức 72 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng giảm nhẹ. Chi phí quản lý âm 52 tỷ đồng do công ty hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Với các biến động trên, Xây dựng Hòa Bình lãi sau thuế gần 13 tỷ đồng trong quý 3/2024, so với cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 170 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, HBC ghi nhận 4.787 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 842 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 884 tỷ đồng - vượt kế hoạch lợi nhuận năm (433 tỷ đồng).
Kết quả tích cực của HBC trong 9 tháng đầu năm phần lớn là nhờ vào quý 2, khi công ty thu về hơn 500 tỷ đồng từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh so với cùng kỳ, nhưng là nhờ tăng trưởng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận.
Cụ thể, trong quý 1 niên độ tài chính 2024 - 2025 (từ 1/7 - 30/9), Coteccons ghi nhận 4.759 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ tiết giảm đáng kể giá vốn nên lãi gộp tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt hơn 205 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp theo đó cải thiện từ 2,4% lên 4,3%.
Mặc dù doanh thu tài chính giảm và các chi phí đều tăng nhưng Coteccons vẫn ghi nhận lãi sau thuế tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, đạt 93 tỷ đồng.
Năm tài chính 2025 (1/7/2024-30/6/2025), Coteccons đặt mục tiêu doanh thu 25.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm tài chính 2024 và là mức cao nhất kể từ năm 2019; lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng, tăng 39%. Như vậy sau quý đầu tiên, công ty đã hoàn thành 19% mục tiêu doanh thu và 22% mục tiêu lợi nhuận.
Năm tài chính 2024, tình hình kinh doanh của CTD hồi phục mạnh mẽ, với doanh thu 21.045 tỷ đồng, tăng 31% so với năm tài chính 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 310 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần.
Khoản phải thu, trích lập dự phòng lớn vẫn là thách thức với cả hai doanh nghiệp xây dựng. Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản của HBC vẫn là các khoản phải thu ngắn hạn với gần 11.000 tỷ đồng (chiếm 71% tổng tài sản), tăng nhẹ so với đầu năm nhưng giảm so với cuối quý 2. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 6.306 tỷ đồng.
Với các khoản phải thu ngắn hạn, HBC phải dự phòng nợ khó đòi gần 2.000 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng chiếm hơn 50% tổng tài sản của Coteccons, ở mức hơn 12.000 tỷ đồng và hầu hết là phải thu của khách hàng. Công ty phải dự phòng hơn 1.400 tỷ đồng cho các khoản khó đòi.
Các khoản nợ xấu mà CTD phải trích lập dự phòng 100% là từ Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt (484 tỷ đồng), Công ty TNHH Saigon Glory (143 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Minh Việt (122 tỷ đồng)...
Phạm Ngọc