Hòa Phát (HPG): Dẫn đầu dù đà tăng chậm lại
Trong quý 3/2024, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) báo cáo doanh thu đạt 34.300 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn cũng đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51% so với quý 3/2023, nhưng giảm 9% so với quý trước.
HPG giải thích rằng doanh thu và lợi nhuận sụt giảm một phần do sự suy yếu trong sản lượng và giá bán các sản phẩm thép xây dựng cũng như thép cuộn cán nóng (HRC). Tuy vậy, sự giảm giá nguyên vật liệu đã giúp công ty giữ vững biên lợi nhuận.
Lũy kế từ đầu năm 2024, Hòa Phát đạt 105.329 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 75% mục tiêu doanh thu cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% và hoàn thành 92% kế hoạch năm.
Thép Nam Kim (NKG): Lãi vượt kế hoạch dù quý 3 khó khăn
Công ty Thép Nam Kim (NKG) cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu quý 3 đạt 5.188 tỷ đồng, tăng 22% so với năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh lên 8,7%, đưa lợi nhuận sau thuế lên mức 65 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với hai quý trước, lợi nhuận quý này giảm đáng kể. Tính đến hết 9 tháng, NKG đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm với con số 543 tỷ đồng.
Hoa Sen (HSG): Khép lại năm tài chính lợi nhuận sau thuế gấp 17 lần
Ngược lại, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) báo lỗ 186 tỷ đồng trong quý cuối niên độ tài chính 2023 - 2024. Doanh thu đạt 10.109 tỷ đồng, tăng 25%, nhưng biên lợi nhuận gộp giảm còn 8,4% do giá vốn tăng, khiến công ty không thể tránh lỗ. Dù vậy, nhờ kết quả khả quan từ các quý trước, Hoa Sen vẫn khép lại năm tài chính với tổng doanh thu 39.272 tỷ đồng, tăng 24%, và lợi nhuận sau thuế 510 tỷ đồng, gấp 17 lần so với năm trước.
Tổng Công Ty Thép Việt Nam (TVN): Khó khăn bao phủ
Báo cáo tài chính quý 3 của Tổng Công ty Thép Việt Nam (TVN) cho thấy công ty mẹ lỗ 3,6 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí quản lý tăng cao. Dù doanh thu bán hàng đạt 190,65 tỷ đồng, lợi nhuận vẫn chịu áp lực từ giá vốn tăng và lợi nhuận tài chính giảm. Báo cáo hợp nhất cho thấy TVN lỗ 123,5 tỷ đồng, dù doanh thu tăng 9,4%.
Các doanh nghiệp theo khác: Vẫn nhiều khó khăn
Nhiều công ty ngành thép như SMC, TDS, TLH và TIS đều báo lỗ từ 6,6 tỷ đến hơn 122 tỷ đồng trong quý 3/2024.
Đại Thiên Lộc (DTL) cũng báo cáo doanh thu tăng đáng kể 265% lên 316,3 tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm gần 29% do giá vốn và áp lực thị trường. Dù vậy, công ty đã đưa ra kế hoạch khắc phục với việc tái cấu trúc bộ máy nhân sự, cắt giảm chi phí quản lý và tối ưu hóa sản xuất.
Theo Chứng khoán MB (MBS), áp lực từ thép Trung Quốc giảm khi nước này áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế, dự báo giá thép nội địa có thể phục hồi nhờ nhu cầu trong nước gia tăng. Đồng thời, giải ngân đầu tư công và nguồn cung nhà ở cải thiện sẽ góp phần hỗ trợ giá thép trong nước.
Dù giá thép có dấu hiệu cải thiện trong tháng 10, đà tăng này chưa ổn định, nhưng các yếu tố vĩ mô và nội địa hứa hẹn một triển vọng khả quan cho ngành thép Việt Nam trong quý cuối cùng của năm 2024.
An Vũ