Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì hội nghị trực tuyến đến điểm cầu cấp huyện, xã tập huấn nghiệp vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh trước khi ra mắt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Trước thời điểm triển khai mô hình mới, hàng loạt hội nghị, lớp bồi dưỡng, tập huấn thực hành đã được cơ quan chức năng tổ chức đồng bộ trên toàn tỉnh. Các nội dung hướng đến chuẩn hóa năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cũng như các quy trình điều hành mới phù hợp với mô hình không còn trung gian cấp huyện.
Sở Khoa học và Công nghệ với chức năng nhiệm vụ được giao vừa qua đã tổ chức thành công hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đến điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn (trước khi giải thể cấp huyện). Tại đây, hàng trăm cán bộ được hướng dẫn thực hành từng bước trên hệ thống số từ tiếp nhận, xử lý hồ sơ đến liên thông kết quả với các sở, ngành. Không chỉ giúp thao tác thành thục, quá trình tập huấn còn giúp cán bộ hiểu rõ nguyên lý vận hành của chính quyền địa phương trong mô hình mới, trong đó cấp xã không còn phụ thuộc vào sự điều phối hành chính từ cấp huyện mà trực tiếp chịu trách nhiệm trước tỉnh và người dân.
Ông Trần Quốc Quân, Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công xã Nà Tấu chia sẻ: Trước đây, nhiều thủ tục phải thông qua huyện mới xử lý được, nhưng giờ cấp xã tiếp nhận và xử lý trực tiếp trên hệ thống. Áp lực là có, nhưng qua các nội dung được tập huấn đã giúp cán bộ hiểu rõ quy trình, làm quen với phần mềm, nắm chắc cách liên thông kết quả với cấp trên. Và điều quan trọng nhất là cán bộ đã nhận thức rõ vai trò mới của mình không chỉ dừng lại ở khâu tiếp nhận hồ sơ mà còn phải chủ động giải quyết và chịu trách nhiệm đến cùng đối với từng thủ tục hành chính của người dân.
Cùng với chuyên môn, kỹ năng giao tiếp hành chính cũng được xem là một trong những yếu tố then chốt đối với đội ngũ cán bộ cấp xã trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, khi trực tiếp làm việc với người dân, việc ứng xử chuẩn mực, thái độ cầu thị và tinh thần phục vụ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công vụ, tạo dựng niềm tin vào bộ máy chính quyền cơ sở. Chính vì vậy, trước thời điểm vận hành mô hình không còn cấp huyện, các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng mềm cho cán bộ, công chức cấp xã. Nội dung tập trung vào rèn luyện kỹ năng tiếp dân, giải quyết tình huống hành chính, thái độ giao tiếp chuẩn mực và tinh thần trách nhiệm trong thi hành công vụ.
Ông Đào Duy Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn, nguyên Trưởng phòng Nội vụ huyện Mường Ảng cho biết: Đây là bước chuẩn bị cần thiết, giúp cán bộ cơ sở không chỉ vững về chuyên môn mà còn đủ bản lĩnh và linh hoạt trong xử lý công việc thực tiễn, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi khoảng cách giữa chính sách và nhận thức của người dân vẫn còn khá lớn.
Thực tiễn cho thấy, khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ xã không những phải làm đúng chức năng hành chính mà còn phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giải thích, hướng dẫn, thậm chí là giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm quen với cơ chế mới. Vì thế, việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định: Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn đặt ra yêu cầu cao đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Khi khối lượng công việc tăng lên, trong đó nhiều nhiệm vụ trước đây thuộc cấp huyện, cán bộ xã phải có năng lực điều hành tổng hợp, tư duy hệ thống và khả năng quản lý đa lĩnh vực. Bởi vậy, bộ máy mới cần xác định rõ lộ trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp mình. Nội dung, chương trình đào tạo phải sát thực tiễn, trong đó lưu ý kỹ năng chuyển đổi số, sử dụng công nghệ, đây là yếu tố then chốt để bộ máy mới vận hành hiệu quả và giảm áp lực hành chính.
“Nếu không được chuẩn bị kỹ, đội ngũ cán bộ rất dễ rơi vào tình trạng lúng túng, chồng chéo hoặc quá tải trong quá trình vận hành mô hình chính quyền mới. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cần được triển khai một cách bài bản, đồng bộ. Chỉ khi được trang bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng và tư duy điều hành phù hợp, đội ngũ cán bộ cấp xã mới sẽ đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao...” .
Bài, ảnh: Quang Long