Bốn thách thức với đảng mới của Elon Musk

Bốn thách thức với đảng mới của Elon Musk
7 giờ trướcBài gốc
Tuyên bố thành lập “đảng nước Mỹ” của tỷ phú Elon Musk hôm 5/7 không gây nhiều bất ngờ vì ông chủ Tesla đã đề cập đến khả năng này từ nhiều ngày trước đó. Động thái của Musk đánh dấu mâu thuẫn giữa ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump - vốn là đồng minh thân cận - bước sang giai đoạn mới.
Giới chuyên gia đánh giá đảng mới của Musk phải đối mặt hàng loạt thách thức, từ các nhân tố bên ngoài như hệ thống chính trị hai đảng tới tính cách của vị tỷ phú. Cương lĩnh và chiến lược của đảng vẫn chưa rõ ràng, trong khi đảng cũng sẽ gặp khó trong tìm kiếm các cử tri nhiệt thành và các đồng minh chính trị.
“Chỉ có người giàu nhất thế giới mới có thể nỗ lực nghiêm túc thành lập một đảng phái mới tại Mỹ”, ông Brett Kappel, chuyên gia về luật bầu cử, nói với CBS News.
Thể chế chính trị và quy định bầu cử
Các cuộc bầu cử tại Mỹ thường được tổ chức theo phong cách “người thắng giành được tất cả”. Điều này có nghĩa chỉ đảng phái và ứng viên có số phiếu cao nhất giành được ghế, trong khi các ứng viên và đảng phái về sau đều “trắng tay”. Theo giáo sư Hans Noel tại Đại học Georgetown (Mỹ), thể chế này không tạo thuận lợi cho các đảng phái thứ ba.
“Họ sẽ phải thắng lợi hoàn toàn nếu muốn có được thứ gì đó”, ông Noel nói với Washington Post. “Điều này khác với các nước khác, nơi họ có thể thành lập một đảng nhỏ, có 20-30% số phía bầu, giành ghế trong nghị viện và phát triển từ đó”.
Bên cạnh đó, việc đưa tên của đảng lên lá phiếu cũng là thách thức. Theo quy định của Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ (FEC) và các bang, một đảng phải tuân thủ hàng loạt yêu cầu - thường là về hoạt động, số tiền quyên góp, số chữ ký của cử tri hay yêu cầu về nơi cư trú.
Ông Kappel đánh giá quy định của các bang dao động “từ mức khó tới rất khó”. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, quy định kể trên khiến cho không ứng viên nào - ngoài ông Trump và bà Harris - có tên trên lá phiếu ở cả 50 bang.
"Muốn có tên trên lá phiếu, số lượng chữ ký cần thiết sẽ không hề nhỏ. Tuy vậy, với tiềm lực tài chính của Musk, điều đó có lẽ không phải rào cản lớn", giáo sư Mac McCorkle tại Đại học Duke nhận định.
Hệ thống bầu cử tại Mỹ khiến các đảng thứ ba khó có thể "chen chân". Ảnh: Reuters.
Trên thực tế, ảnh hưởng của các đảng phái thứ ba với nước Mỹ vẫn tương đối nhỏ. Lần cuối một ứng viên tổng thống ngoài đảng Dân chủ và Cộng hòa giành được phiếu đại cử tri đã từ năm 1968.
Cương lĩnh và chiến lược chưa rõ ràng
Dù đã tuyên bố thành lập đảng mới, Elon Musk vẫn chưa công bố rõ ràng cương lĩnh hay đường hướng chính sách, ngoại trừ việc phản đối “đạo luật to đẹp” do ông Trump thúc đẩy.
Theo giáo sư Mac McCorkle, chỉ dựa vào sự phản đối một dự luật sẽ không đủ để tạo nên một chiến lược dài hơi. Dựa trên loạt phát ngôn gần đây thể hiện quan điểm chống lại sự can thiệp quá sâu của chính phủ, nhiều khả năng Musk sẽ định hình đảng mới theo khuynh hướng tự do cá nhân (libertarianism).
Tuy nhiên, điều mâu thuẫn là các công ty của Musk lại đang hưởng lợi lớn từ những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với chính phủ Mỹ, yếu tố có thể làm suy yếu thông điệp mà ông đang theo đuổi.
Hôm 4/7, Musk tỏ ra đồng ý với một người dùng mạng xã hội X khi người này đề xuất cương lĩnh sơ bộ của đảng gồm giảm thuế, chi tiêu có trách nhiệm, ủng hộ phát triển công nghệ, giảm quy định của chính phủ, tăng tỷ lệ sinh và “các chính sách trung dung trong mọi vấn đề khác”.
Bên cạnh đó, chiến lược của đảng vẫn đang bị đặt dấu hỏi. Viết trên mạng xã hội X, Musk cho biết muốn nhằm vào 2-3 ghế thượng nghị sĩ và 8-10 ghế hạ nghị sĩ.
“Xét đến kết quả bỏ phiếu sít sao tại cơ quan lập pháp, từng đó là đủ để tung ra các lá phiếu quyết định với các đạo luật gây tranh cãi, đảm bảo rằng chúng thực sự phục vụ ý chí của người dân”.
Dù vậy, giáo sư McCorkle cho rằng các ứng viên của Musk khó có thể giành chiến thắng mà chỉ có thể gây khó khăn cho các ứng viên Cộng hòa, nhất là có thể thay đổi cán cân tại các bang chiến địa như North Carolina.
Khó thu hút người ủng hộ
Musk tuyên bố đối tượng của “đảng nước Mỹ” là “80% cử tri trung dung”. Dù vậy, giáo sư Noel cho rằng quan điểm của 80% cử tri này không gắn kết đủ để thành lập một đảng mới.
Việc Elon Musk thành lập đảng mới đánh dấu mâu thuẫn giữa ông và Tổng thống Donald Trump bước sang trang mới. Trong ảnh, ông Trump tặng Musk chìa khóa Nhà Trắng trong buổi lễ chia tay hôm 30/5. Ảnh: Reuters.
“Ông ấy muốn thu hút ai? 80% đó còn chưa được định nghĩa rõ ràng”, giáo sư Noel nói.
Dù khối tài sản khổng lồ có thể giúp ích cho Musk, các đảng phái truyền thống có thể thu hút nguồn lực khổng lồ từ mạng lưới cử tri - không chỉ về tài chính mà còn cả sức lao động.
Theo giáo sư Noel, một đảng mới sẽ cần những cử tri sẵn sàng bỏ ra thời gian và công sức để vận động, kể cả sau những thất bại đầu tiên. “Đây là điều mà chỉ có tiền sẽ không thể mua được”, ông Noel nói.
Một thách thức khác đối với Musk là thu hút các đồng minh chính trị. Sau cuộc “chia ly” với Tổng thống Trump, đặc biệt là sau nỗ lực phản đối “đạo luật to đẹp” vừa qua, ảnh hưởng của Musk trong đảng Cộng hòa đã suy giảm.
Ông James Fishback, đồng minh của Tổng thống Trump, thậm chí tuyên bố đang thành lập một ủy ban vận động chính trị (PAC) để chống lại ảnh hưởng chính trị của Musk.
Vẫn còn ít nhất một nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội mà Musk có thể tiếp tục ủng hộ: Hạ nghị sĩ Thomas Massie, người mạnh mẽ chống “đạo luật to đẹp” của ông Trump. Ủy ban Quốc gia đảng Tự do Mỹ và nhóm chính trị trung dung No Labels cũng cho biết muốn hợp tác với Musk.
Musk có đủ kiên nhẫn?
Thách thức cuối cùng không đến từ bên ngoài mà xuất phát từ chính tính cách của Musk - người thường xuyên đặt các mục tiêu tham vọng và sẵn sàng bất chấp quy định để đạt được các mục tiêu đó. Liệu ông có đủ kiên nhẫn để vượt qua các thủ tục để đưa tên ứng viên của đảng lên lá phiếu, chỉ để chứng kiến các ứng viên đó thất bại hay không?
Ông Kappel đánh giá việc thành lập đảng mới sẽ kéo dài nhiều năm và có thể đảng sẽ không kịp thành hình trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026. Trong khi đó, theo giáo sư Noel và giáo sư McCorkle, Musk sẽ phải quen với các thất bại trước khi đạt được thành công. “Tôi không chắc ông ấy đủ kiên nhẫn”, giáo sư McCorkle nói.
Việc một doanh nhân coi trọng kết quả như Elon Musk có đủ kiên nhẫn để đầu tư lâu dài vào chính trị hay không vẫn là dấu hỏi. Ảnh: Reuters.
Bản thân Musk cũng không xa lạ với thất bại chính trị bất chấp sức mạnh tài chính. Hồi tháng 4, ứng viên do Musk ủng hộ trong cuộc đua vào Tòa án Tối cao bang Wisconsin thất bại dù ông chủ Tesla đã chi hơn 20 triệu USD vào chiến dịch bầu cử. Sau thất bại này, Musk tuyên bố sẽ chi “ít tiền hơn” cho chính trị, trừ khi “có lý do”.
Giáo sư McCorkle nhận định Musk sẽ không “dành ra cả quãng đời của mình để cố gắng thành lập một đảng mới”.
“Tôi nghĩ hành động này chỉ đến từ tranh cãi với ông Trump và (Musk) đang cố gắng đánh đổ di sản của ông Trump”, giáo sư McCorkle nói.
Hà Thủy
Nguồn Znews : https://znews.vn/bon-thach-thuc-voi-dang-moi-cua-elon-musk-post1566469.html