'Lập đảng mới', ông Musk có thể tranh cử tổng thống Mỹ năm 2028?

'Lập đảng mới', ông Musk có thể tranh cử tổng thống Mỹ năm 2028?
4 giờ trướcBài gốc
Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: AFP
Ngày 5/7, tỷ phú Elon Musk tuyên bố thành lập một chính đảng mới mang tên “đảng nước Mỹ”, chỉ vài ngày sau khi dự luật chi tiêu “to và đẹp” do Tổng thống Donald Trump hậu thuẫn được quốc hội thông qua.
Từng công khai phản đối đạo luật này, ông Musk từ lâu đã úp mở về việc lập một "đảng thứ 3" nhằm đối trọng với cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Trên nền tảng mạng xã hội X, vị tỷ phú Mỹ thậm chí đã tổ chức khảo sát xem người theo dõi có muốn lập đảng mới hay không.
“Tỷ lệ 2:1 chọn có – các bạn sẽ có một đảng chính trị mới”, ông Musk viết trên mạng xã hội X hôm 5/7.
“Hôm nay, đảng nước Mỹ chính thức được thành lập để giành lại tự do cho các bạn”, ông Musk nói thêm.
Dù chưa công bố bất kỳ thông tin chi tiết nào về cơ cấu hay định hướng cụ thể của đảng mới, nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu tỷ phú Musk có tranh cử tổng thống năm 2028? Ai tài trợ cho đảng này? Có ai khác ngoài ông Musk sẽ tham gia?
Ông Musk có thể tranh cử tổng thống Mỹ năm 2028?
Theo Hindustan Times, câu trả lời là: Không. Dù là một trong những người nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất nước Mỹ, ông Musk không đủ điều kiện theo hiến pháp Mỹ để tranh cử tổng thống. Khoản 1, Điều II của hiến pháp Mỹ quy định ứng viên tổng thống phải là công dân Mỹ “ngay từ khi sinh ra”.
Ông Musk sinh ra ở Nam Phi và chỉ trở thành công dân Mỹ vào năm 2002. Ông từng thừa nhận điều này vào năm 2024: “Tôi không thể làm tổng thống Mỹ vì tôi sinh ra ở châu Phi”.
“Đảng nước Mỹ” sẽ là đảng như thế nào?
Theo NDTV, dù không có nhiều thông tin chi tiết về đảng chính trị mới, ông Musk cho biết rằng đảng này phải trung dung (không nghiêng về cánh tả hay cánh hữu), hướng tới mục tiêu giảm nợ, hiện đại hóa quân đội và ủng hộ công nghệ đưa Mỹ đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
The Guardian ngày 5/7 đưa tin, ông Musk đã tính toán chiến lược rất cụ thể: “Không tranh cử toàn quốc, chỉ tập trung toàn lực vào chỉ 2–3 ghế Thượng viện và 8–10 ghế Hạ viện. Với sự chênh lệch sít sao hiện nay tại quốc hội, chỉ cần từng đó ghế cũng đủ để giữ vai trò then chốt trong việc thông qua các dự luật gây tranh cãi, đảm bảo chúng phản ánh đúng ý chí thực sự của người dân".
Lợi thế và thách thức với ông Musk khi lập đảng mới
Ông Musk có cơ sở nhưng cũng đối mặt không ít bất lợi khi lập đảng mới. Ảnh: AFP
Có nhiều cơ sở để ông Musk có thể thành lập "đảng nước Mỹ". Thứ nhất là "ảnh hưởng cá nhân vượt trội". Với hàng trăm triệu người theo dõi trên mạng xã hội X, ông Musk đủ sức định hình dư luận và tác động đến hành vi cử tri.
Thứ hai là năng lực tài chính dồi dào. Là người giàu nhất hành tinh với tài sản 405,2 tỷ USD, ông Musk không cần phụ thuộc vào các nhà tài trợ truyền thống mà có thể tự tài trợ hoặc huy động từ mạng lưới người ủng hộ.
Thứ ba, ông Musk ở hữu hạ tầng truyền thông riêng - mạng xã hội X. Từ đó, tỷ phú Mỹ có thể truyền đi thông điệp trực tiếp đến hàng trăm triệu người, không cần qua các kênh báo chí chính thống.
Tệp cử tri tiềm năng lớn: Theo truyền thông Mỹ, gần 30% người Mỹ hiện không xác định mình ủng hộ đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa. Đây được xem là một khoảng trống chính trị mà một đảng trung dung như "đảng nước Mỹ" có thể khai thác.
Tuy nhiên, ông Musk cũng gặp không ít rào cản lớn.
Thứ nhất là hệ thống bầu cử bất lợi cho đảng thứ 3: Cơ chế "người thắng giành tất" theo bang khiến ngay cả ứng viên có tỷ lệ phiếu phổ thông cao cũng khó giành được phiếu đại cử tri.
Thứ hai là "yêu cầu pháp lý phức tạp và tốn kém". Mỗi bang có quy định riêng về điều kiện tranh cử và ghi danh ứng viên, đòi hỏi bộ máy pháp lý, vận động và tài chính quy mô lớn.
Thứ ba là "thiếu sự công nhận từ truyền thông dòng chính ở Mỹ". Các đảng thứ 3 thường bị xem là yếu tố phá rối hệ thống 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Ai tài trợ cho “đảng nước Mỹ”?
Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của Musk hiện vượt mốc 405,2 tỷ USD, biến ông trở thành người giàu nhất hành tinh. Nhiều khả năng ông là nhà tài trợ chính cho “đảng nước Mỹ”.
Theo Hindustan Times, năm 2024, America PAC – một ủy ban hành động chính trị (PAC) do ông Musk sáng lập – đã chi khoảng 40,5 triệu USD hỗ trợ chiến dịch của ông Trump. Giới quan sát cho rằng ông Musk có thể chuyển hướng sử dụng PAC để hỗ trợ chính đảng mới, dù hiện chưa có con số tài trợ chính thức nào cho năm 2025.
Dù vậy, luật tài chính bầu cử liên bang Mỹ – cụ thể là đạo luật McCain-Feingold – giới hạn mức tài trợ cá nhân cho một đảng ở mức 450.000 USD/năm (bao gồm các tài khoản chính và phụ). Điều này buộc ông Musk phải huy động thêm các nhà tài trợ khác, hoặc sử dụng “super PAC” – vốn không bị giới hạn mức chi nhưng bắt buộc phải hoạt động độc lập với chính đảng.
Ngoài ông Musk, có ai khác lãnh đạo “đảng nước Mỹ”?
Cho đến nay, chưa có lãnh đạo chính thức nào khác ngoài ông Musk được xác nhận là thành viên hoặc người dẫn dắt đảng mới.
Tuy nhiên, theo Hindustan Times, một số suy đoán về những người sẽ gia nhập đảng mới của ông Musk đã xuất hiện trên mạng xã hội:
Dân biểu Thomas Massie, người từng bỏ phiếu chống lại đạo luật “to và đẹp” của ông Trump dù là thành viên đảng Cộng hòa, được một số người dự đoán sẽ “hợp tác” với tỷ phú Musk.
Một người dùng mạng xã hội còn đề xuất ông Ron DeSantis - thống đốc bang Florida và là thành viên đảng Cộng hòa - có thể là đồng minh của ông Musk, nhưng chưa có bằng chứng nào xác nhận điều này.
Về phần mình, Andrew Yang – đồng sáng lập đảng Tiến lên – bày tỏ sự quan tâm tới việc hợp tác với ông Musk, viện dẫn sự đồng thuận trong quan điểm bất mãn với hệ thống 2 đảng lớn truyền thống.
Nguyễn Thái - Hindustan Times
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/lap-dang-moi-ong-musk-co-the-tranh-cu-tong-thong-my-nam-2028-204250607185202455.htm