'Đảng nước Mỹ' của Musk sẽ thu hút những ai?

'Đảng nước Mỹ' của Musk sẽ thu hút những ai?
11 giờ trướcBài gốc
Nhiều cử tri Mỹ vẫn trung thành với đảng phái mà họ lựa chọn, trong khi đường ranh giữa các đảng chính trị ngày càng có xu hướng dịch chuyển và biến đổi, phản ánh sự thay đổi trong quan điểm và ưu tiên của từng lực lượng trong bối cảnh mới.
Hai lựa chọn là không đủ
Trong một bài phân tích của CNN, vì nhiều lý do mang tính cấu trúc, phần lớn người Mỹ chỉ có hai lựa chọn chính trị, mặc dù hàng loạt cuộc thăm dò cho thấy ít ai hài lòng với cả hai đảng.
Trong bối cảnh đó, việc Elon Musk tuyên bố sẽ thành lập một “đảng Nước Mỹ” (America Party) thu hút sự chú ý của công chúng. Theo Musk, “đảng Nước Mỹ” sẽ là lựa chọn thay thế cho đảng Cộng hòa và Dân chủ khi dự luật khổng lồ của Tổng thống Donald Trump được thông qua.
“Nước Mỹ cần một lựa chọn thay thế cho liên minh Dân chủ - Cộng hòa, để người dân thực sự có tiếng nói”, vị tỷ phú viết trên mạng xã hội của mình.
Elon Musk tuyên bố thành lập "Đảng nước Mỹ" với tham vọng chi phối Thượng viện và Hạ viện. Ảnh: Reuters.
Musk cho hay mối quan tâm chính của ông là dự luật này sẽ làm tăng nợ công chứ không phải như Tổng thống Trump cáo buộc, là vì ông bực bội với việc chấm dứt các khoản tín dụng thuế khuyến khích người Mỹ mua xe điện.
Lời hứa về một đảng thứ ba được đưa ra sau khi Musk hồi tháng trước bày tỏ rằng nước Mỹ cần một đảng “thực sự đại diện cho 80% người dân ở giữa”.
CNN nêu một giả định thú vị là liệu tầng lớp “ở giữa” mà Musk nhắc tới sẽ trông như thế nào qua lăng kính của một nhà công nghệ, một người đam mê không gian như Musk.
Musk quan tâm sâu sắc đến biến đổi khí hậu và mong muốn mãnh liệt loài người sẽ sống trên sao Hỏa. Nhưng ông lại phản đối dự luật vì cho rằng chi tiêu chính phủ quá nhiều.
Ông có những suy nghĩ mạnh mẽ về việc khuyến khích phụ nữ Mỹ sinh con, nhưng cũng cho rằng làn sóng nhập cư bất hợp pháp là mối đe dọa sống còn đối với nước Mỹ.
Bà Karine Jean-Pierre, thư ký báo chí Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Joe Biden, tuyên bố sẽ rời khỏi Đảng Dân chủ. Ảnh: Reuters.
Tháng trước, Karine Jean-Pierre, thư ký báo chí Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Joe Biden, tuyên bố sẽ rời khỏi đảng Dân chủ, ngay trước khi phát hành hồi ký của bà.
“Chúng ta cần tỉnh táo và đặt câu hỏi thay vì trung thành một cách mù quáng và phục tùng như trong quá khứ”, bà Karine Jean-Pierre nói trong một tuyên bố với CNN. Tuy nhiên, có vẻ như khái niệm độc lập của Jean-Pierre không nằm cùng quỹ đạo với Elon Musk.Theo Guardian, để có thể giành được ghế trong Quốc hội, duy trì sự hiện diện chính trị độc lập và đối đầu trực diện với cả hai đảng truyền thống là thử thách cực kỳ khó khăn đối với Musk.
Từ lâu, hệ thống hai đảng đã thống trị nước Mỹ về cấu trúc bầu cử, tài nguyên tổ chức, và quyền lực trong Quốc hội. Ngoài ra, nước Mỹ đã có sẵn một số đảng thứ ba khác.
Nước Mỹ đã có sẵn các đảng thứ ba
Một trong những cuộc đua chính trị đáng chú ý sắp tới ở Mỹ sẽ là cuộc bầu cử thị trưởng thành phố New York. Đây là nơi Zohran Mamdani, một ứng viên Dân chủ mới nổi và theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, sẽ thách thức thị trưởng New York đương nhiệm Eric Adams. Adams vẫn thuộc đảng Dân chủ nhưng sẽ tái tranh cử với tư cách độc lập.
Zohran Mamdani phát biểu trong một hoạt động tranh cử cuộc bầu cử sơ bộ của ông tại New York vào ngày 25/6. Ảnh: Reuters.
Ngoài ra, cựu Thống đốc New York Andrew Cuomo, cũng là một người Dân chủ, sẽ có mặt trên lá phiếu với danh xưng "Độc lập Chiến đấu và Cống hiến" (Fight and Deliver). Mặc dù vẫn chưa rõ ông có vận động tranh cử thực sự từ nay đến tháng 11 hay không.
Đó là rất nhiều “phiên bản Đảng Dân chủ” mà cử tri New York sẽ phải phân định.
Trong khi đó tại Mỹ, hiện đã tồn tại các đảng thứ ba như đảng Xanh (Green Party) và đảng Tự do (Libertarian Party). Họ thường có tên trên hầu hết lá phiếu bầu tổng thống. Tuy nhiên, theo đánh giá của CNN, những đảng này có rất ít khả năng đưa người vào được Hạ viện hay Thượng viện.
Cựu dân biểu Ron Paul (Texas) từng tranh cử tổng thống cả với tư cách ứng viên Đảng Tự do lẫn Cộng hòa, nhưng ông thành công nhất khi giữ hình ảnh một người Cộng hòa thiên về tự do cá nhân.
Con trai ông, Thượng nghị sĩ Rand Paul (Kentucky), hiện là một trong số ít người Cộng hòa dám chống lại Trump và phản đối dự luật khổng lồ. Giống như Musk, ông lo ngại về nợ công.
Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (bang Alaska), một người thuộc nhóm trung dung hiếm hoi, đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật “to lớn, đẹp đẽ” của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra sau khi đạt được những điều khoản riêng có lợi cho bang của bà. Những điều khoản riêng này cũng có thể khiến phần còn lại của nước Mỹ không hài lòng.
Còn Murkowski là một trường hợp đặc biệt, có thể “sống sót về mặt chính trị” mà không cần sự hậu thuẫn của đảng. Bà từng thắng cử bằng hình thức viết tên tay trên lá phiếu (write-in) sau khi thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2010. Chiến thắng của bà được xem như một kỳ tích chính trị cực kỳ hiếm hoi.
Trong một lần phát biểu với CNN, bà Murkowski cho rằng, có nhiều người Mỹ trung dung giữa các đảng hơn mọi người tưởng. Bà thừa nhận rằng, Washington là nơi nguy hiểm nếu bạn là người trung dung. Tuy vậy, bà cho biết mình đang đại diện cho nhóm này.
Những người trung dung ngày càng hiếm
Một Thượng nghị sĩ Cộng hòa khác phản đối “luật to lớn và đẹp đẽ” là ông Thom Tillis (bang North Carolina). Ông cho biết cắt giảm Medicaid sẽ khiến quá nhiều người dân của bang ông mất bảo hiểm y tế. Nhưng rất khó cho ông Thom Tillis để ưu tiên cử tri địa phương thay vì đường lối của đảng.
Phát biểu ngày 5/7, Tillis nói rằng, ở Washington vài năm gần đây ngày càng rõ ràng rằng những nhà lãnh đạo sẵn sàng chấp nhận lưỡng đảng, thỏa hiệp thay vì trung thành với một đảng duy nhất. Cũng theo Tillis, những người có tư duy độc lập đang dần biến mất.
Ông Tillis cũng tuyên bố sẽ không tái tranh cử vào năm tới. Điều này lập tức biến chiếc ghế ở North Carolina thành mục tiêu hàng đầu của đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ hy vọng cựu Thống đốc Roy Cooper, một người trung dung, sẽ tham gia cuộc đua và đi ngược lại hình ảnh đảng cấp tiến ở cấp quốc gia.
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Ảnh: Reuters.
Theo đánh giá của CNN, Cooper đóng vai trò tương tự cựu Thượng nghị sĩ Joe Manchin (West Virginia). Ông Manchin thường bỏ phiếu theo đảng Dân chủ, nhưng việc ông hay bất đồng với ban lãnh đạo đảng khiến ông không được lòng phe cấp tiến.
Trùng hợp thay, khi Manchin rời Thượng viện, Đảng Dân chủ mất luôn thế đa số. Trước khi rút lui, ông từng nói nước Mỹ cần một lựa chọn đảng thứ ba. Tuy vậy, ông đã không ra tranh cử tổng thống.
Khác với Manchin, ông Robert F. Kennedy Jr. ra tranh cử tổng thống sau khi rời Đảng Dân chủ. Việc Kennedy lôi kéo được nhóm cử tri độc lập có thể đã giúp Trump, nhưng có thể không đáng kể bằng khoản gần 300 triệu USD mà Musk đã chi tiêu để ủng hộ Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2024.
Một số chuyên gia cho rằng, các hoạt động chính trị của Musk đã khiến nhóm khách hàng quan tâm đến khí hậu tự nhiên của Tesla quay lưng, nhưng cũng không thỏa mãn được giới MAGA - tức những người ủng hộ khẩu hiệu tranh cử Make America Great Again của Tổng thống Trump, trung thành.
Dẫu vậy, dù có thể đổ bao nhiêu tiền đi nữa, thì câu hỏi căn bản “Đảng Nước Mỹ” của Musk sẽ phù hợp với tầng lớp trung dung nào vẫn còn đó, chưa có câu trả lời.
Khánh Nguyên
Nguồn Znews : https://znews.vn/dang-nuoc-my-cua-musk-se-thu-hut-nhung-ai-post1566442.html