Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Biến động trước thềm mùa giải mới

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Biến động trước thềm mùa giải mới
10 giờ trướcBài gốc
Sau thông tin đội bóng Quảng Nam có thể không tham dự, sáp nhập với đội Đà Nẵng, nhiều khả năng Giải bóng đá vô địch quốc gia 2025 - 2026 (V.League 1) chỉ còn lại 13 đội bóng. Trong khi đó, ở Giải hạng Nhất quốc gia, đội bóng Đồng Nai chính thức giải thể; các đội Khánh Hòa, Long An vẫn chưa biết “số phận” của mình ra sao. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam dự báo sẽ có những biến động trước thềm mùa giải mới.
Đã đến lúc các đội bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải thích nghi với sự thay đổi, tận dụng cơ hội để phát triển sau khi thực hiện sáp nhập các tỉnh, thành phố. Thực tế, ngay trước thềm mùa giải mới, một số câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (thi đấu tại V.League 1) đã đổi tên như đội Becamex Bình Dương đổi thành Becamex TP. Hồ Chí Minh, sau khi tỉnh Bình Dương sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh; đội TP. Hồ Chí Minh đổi tên thành Công an TP. Hồ Chí Minh.
Hay mới đây nhất, trên fanpage đội bóng Quảng Nam (đội đang chơi ở V.League 1) cũng đã có thông tin xác nhận, hiện có 2 khả năng cho sự tồn vong của đội bóng này. Cụ thể, đội bóng Quảng Nam sẽ vẫn ở lại V.League 1 - 2025 - 2026 trong trường hợp đội bóng có nhà tài trợ riêng, đủ nguồn lực muốn duy trì, phát triển bản sắc bóng đá Quảng Nam. Còn nếu không có tài trợ, đội bóng Quảng Nam sẽ được chuyển giao cho đội Đà Nẵng.
Đội bóng Quảng Nam (cầu thủ bên phải) trong một trận đấu với Thép Xanh Nam Định, V.League 1 mùa giải 2024 - 2025. Nguồn: VPF
Trong khi đó, ở Giải hạng Nhất quốc gia (V.League 2), đội bóng Đồng Nai đã giải thể; đội Trường Tươi Bình Phước đổi tên thành Trường Tươi Đồng Nai sau khi tỉnh Bình Phước sáp nhập với tỉnh Đồng Nai. Các đội bóng Khánh Hòa, Long An tuy không chịu tác động bởi sáp nhập các tỉnh, thành phố nhưng lại gặp khó khăn về nguồn lực tài chính và đang đứng trước nguy cơ bỏ giải. Cụ thể, với đội bóng Khánh Hòa, mới đây, nhà tài trợ là Tổng Công ty Khánh Việt đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị có chỉ đạo chấm dứt hoạt động, còn đội Long An chưa biết có tham dự V.League 2 nữa hay không sau khi tỉnh này sáp nhập với tỉnh Tây Ninh.
Như vậy, những ngày tới đây, bóng đá Việt Nam nói chung, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói riêng (V.League 1, V.League 2) sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với tình hình thực tế. Những câu lạc bộ, đội bóng không có sự hậu thuẫn mạnh, thiếu tiềm lực về tài chính, hay chồng chéo về mặt quản lý sẽ bị thay thế, nhường chỗ cho những tập thể mạnh hơn. Công tác đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam tại các trung tâm đào tạo cả nước cũng sẽ có thay đổi đáng kể khi các đội bóng trẻ sẽ được tập trung đầu tư hơn về chất lượng thay vì đầu tư một cách dàn trải, chạy theo thành tích, số lượng như hiện nay...
Những biến động của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vừa là thách thức, vừa là cơ hội để thay đổi, phát triển, phù hợp với xu thế, nhất là trong bối cảnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là mục tiêu bóng đá nam Việt Nam sẽ tham dự World Cup 2034.
AN NHIÊN
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/the-thao/the-thao-trong-nuoc/202507/bong-da-chuyen-nghiep-viet-nambien-dong-truoc-them-mua-giai-moi-b021941/