Ngày 2/7, tại thủ đô Tehran, Iran tổ chức lễ tang cho các lãnh đạo cấp cao và nhà khoa học bị chết trong cuộc tấn công của Israel. Ảnh: VCG.
Mossad bí mật phá hoại phòng không Iran
Theo một đoạn video hiếm hoi được Israel giải mật, trong những ngày đầu cuộc xung đột, nhiều đặc vụ Mossad đã xâm nhập trước vào Tehran, mang theo vũ khí được tuồn lậu qua biên giới, bí mật phá hoại một phần hệ thống phòng không của Iran. Chủ tịch Quốc hội Iran, ông Mohammad Bagher Ghalibaf, thẳng thắn thừa nhận: “Tổn thất ban đầu của chúng ta chủ yếu đến từ kẻ địch ẩn bên trong, không phải từ lực lượng bên ngoài”.
Mossad, một trong “bốn đại cơ quan tình báo” hàng đầu thế giới, từ lâu đã nổi tiếng với chiến thuật táo bạo, quyết liệt, bí mật và tàn nhẫn. Nhiều vụ ám sát tại Iran trong những năm qua đều bị cáo buộc có liên quan đến Mossad. Trong đợt phản kích lần này, một trong những mục tiêu Iran tập trung oanh tạc là trụ sở Mossad tại Tel Aviv.
Các ảnh chụp từ đoạn video 30 giây Israel công bố về hoạt động của điệp viên Mossad cài cắm ở Tehran. Ảnh: Sohu.
“Chiến trường gián điệp”: Truy quét trong nước và đối đầu toàn diện
Từ khi xung đột nổ ra, lực lượng an ninh Iran đã tiến hành điều tra nội bộ, truy lùng các nghi phạm tiếp tay cho Israel. Hơn 700 người đã bị bắt giữ do có liên hệ với “mạng lưới gián điệp” này. Các cáo buộc bao gồm ám sát các nhà khoa học hạt nhân và phá hoại chương trình hạt nhân của Iran.
Nhà báo chuyên về tình báo người Israel Yossi Melman nhận định: “Mossad đã cài cắm sâu vào nội bộ Iran, điều này cho phép Israel nắm thế chủ động trong cuộc chiến lần này. Mossad gửi đi thông điệp rõ ràng: ‘Chúng tôi hiểu rõ các người, có thể đột nhập bất cứ lúc nào, và không gì là không thể’”.
Trong nhiều năm qua, Israel và Iran luôn đối đầu ngấm ngầm thông qua các biện pháp phi truyền thống. Phía Iran cáo buộc Israel thực hiện các hoạt động ám sát xuyên quốc gia, coi đó là hành vi khủng bố quốc tế. Trong khi đó, Israel chỉ trích Iran hỗ trợ các lực lượng vũ trang trong khu vực và theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia Israel.
Câu hỏi đặt ra là: Israel đã xây dựng mạng lưới tình báo ngầm như thế nào suốt hàng chục năm qua? Và bằng cách nào trong cuộc xung đột vừa qua họ có thể phá vỡ lớp phòng tuyến an ninh dày đặc của Iran?
Sau một cuộc chiến nóng bất ngờ và ngắn ngủi, liệu thế cân bằng răn đe giữa hai bên sẽ nghiêng về phía Israel? Hay Iran sẽ tìm cách đáp trả trên mặt trận bí mật? Cuộc chiến công khai tạm ngưng, nhưng cuộc chiến gián điệp ngầm có lẽ chỉ mới bắt đầu leo thang.
Ngày 1/7, phía bắc Tehran — một chiếc ô tô chạy ngang qua tòa nhà văn phòng của nhà tù Evin đã bị phá hủy trong cuộc tấn công của Israel. Ảnh: VCG.
Chiến tranh ngầm: Tấn công từ bên trong
Rạng sáng ngày 13/6, Israel chính thức khởi động chiến dịch quân sự mang mật danh “Sư tử trỗi dậy”. Dư luận chủ yếu chú ý đến các phi đội máy bay ném bom Israel, nhưng ẩn sâu trong bóng tối, một nhiệm vụ táo bạo hơn nhiều đã âm thầm diễn ra.
Chỉ vài giờ sau khi hành động bắt đầu, Israel công bố một đoạn video trắng đen dài khoảng 30 giây, mờ nhòe, rung lắc và đã được làm mờ mặt nhân vật chính. Theo các cơ quan truyền thông Israel dẫn lời quan chức giấu tên, người trong video chính là một điệp viên Mossad đã được họ cài cắm sẵn trong thủ đô Tehran.
Mossad – Cơ quan Tình báo và Hoạt động Đặc biệt của Israel, thành lập được gần 80 năm, là một trong “Tứ đại tình báo thế giới” cùng với CIA (Mỹ), FSB (Nga) và MI6 (Anh). Trong thập niên 1980, hai Thủ tướng Israel là Begin và Shamir đều xuất thân từ lực lượng đặc nhiệm tình báo.
Nguồn tin tiết lộ, các điệp viên Mossad đã đến khu vực ngoại ô Tehran, lắp đặt vũ khí dẫn đường đặt trên xe và UAV cảm tử. Những vũ khí này được đưa lậu vào Iran và cất giấu trong một “căn cứ” bí mật nhằm phá hủy một phần hệ thống phòng không của Iran.
Một tòa nhà tại Bat Yam, thành phố ven biển gần Tel Aviv của Israel bị trúng tên lửa của Iran trong Cuộc chiến 12 ngày. Ảnh: VCG.
Chuyên gia tình báo Yossi Melman nhận định, điệp viên xuất hiện trong video nhiều khả năng là người Iran bản địa, đã được tuyển mộ, huấn luyện, trang bị và triển khai từ trước.
Mạng lưới gián điệp hơn 700 người
Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf ngày 16/6 tuyên bố: “Phần lớn cuộc tấn công không đến từ bên ngoài mà là từ các phần tử xâm nhập bên trong đất nước”. Cùng ngày, cảnh sát Iran thông báo bắt giữ 2 điệp viên Mossad ở phía Bắc và thu giữ các bằng chứng như chất nổ, UAV...Tức là, các tên lửa phá hủy hệ thống phòng không Iran lại xuất phát từ trong chính lãnh thổ Iran.
Trong những ngày sau khi xung đột xảy ra, Iran đặt toàn quốc trong tình trạng cảnh giác cao độ. Trên các tuyến đường lớn, lực lượng an ninh dừng kiểm tra nhiều phương tiện. Ngày 15/6, cảnh sát Iran phát hiện thu giữ một lượng lớn thuốc nổ, 23 UAV và nhiều thiết bị nghi vấn.
Hơn 700 người được cho là thành viên mạng lưới gián điệp của Israel bị Iran bắt giữ. Ảnh: Sohu.
Mossad bị cáo buộc đã đưa lậu vũ khí vào Iran trong nhiều năm qua, và thậm chí lắp ráp tại chỗ. Một tòa nhà 3 tầng ở ngoại ô Tehran bị phát hiện là “xưởng bí mật”, nơi có các cánh UAV, hộp GPS, 200kg thuốc nổ, cùng 30 UAV và các bệ phóng.
Theo ông Melman, để vận hành một mạng lưới như vậy cần vài tháng chuẩn bị, lập công ty bình phong, đưa lậu thiết bị vào Iran, thuê người tiếp nhận – trong đó phải có sự tiếp tay từ nhân viên hải quan, quản lý kho bãi và tài xế xe tải. “Phần lớn những người tham gia có thể không biết họ đang bị Mossad lợi dụng”, ông Melman nói.
Sau chiến sự, Iran mở chiến dịch truy bắt gián điệp và “kẻ tiếp tay cho Israel”. Hàng chục người bị bắt, trong đó có một công dân châu Âu. Hội đồng An ninh Quốc gia Iran còn đưa ra thời hạn ân xá đến ngày 1/7 cho ai tự thú.
Ngày 22/6, cảnh sát tỉnh Qom bắt giữ 22 nghi phạm. Ngày 25/6, Iran tử hình 3 người đàn ông bị cáo buộc làm gián điệp và đưa lậu thiết bị ám sát có liên quan đến một vụ mưu sát trước đó.
Trong 12 ngày, Iran cho biết đã bắt giữ hơn 700 người thuộc mạng lưới tình báo Israel. Một số truyền hình còn phát đoạn phim nghi phạm nhận tội hợp tác với tình báo Israel.
Một số nguồn cho biết Mossad còn dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích big data, phân loại mục tiêu theo ưu tiên như lãnh đạo, cơ sở quân sự, hạ tầng dân sự...Danh sách tướng lĩnh Iran được lập chi tiết về hành tung, sinh hoạt để lên kế hoạch định vị và loại bỏ.
Một điệp viên Israel bị lực lượng an ninh Iran bắt giữ. Ảnh: Sohu.
“Bẻ gãy cán cân răn đe” và chiến lược “chủ động tiêu diệt”
Theo Israel, trong chiến dịch ngày 13/6, họ đã loại bỏ hơn 500 mục tiêu trong lãnh thổ Iran, thu được hơn 12.000 ảnh vệ tinh độ phân giải cao. Trong đó, các quan chức cấp cao Iran như Tổng tư lệnh IRGC Hossein Salami, Tư lệnh lực lượng hàng không vũ trụ Amir Hajizadeh cùng nhiều nhà khoa học hạt nhân và nhân vật an ninh cấp cao bị ám sát.
Một quan chức quốc phòng Israel nói: ưu tiên đầu tiên là phá hủy hệ thống phòng không, tên lửa đất đối đất, hạ tầng chỉ huy và loại bỏ các nhân vật cấp cao Iran. Israel không chỉ chiếm ưu thế công nghệ mà còn biết kết hợp tình báo, tấn công chính xác và không quân, không cần huy động quân mặt đất mà vẫn đạt hiệu quả vượt trội.
Israel luôn thù địch với các chương trình hạt nhân của Iran, do theo đuổi “an ninh tuyệt đối”. Năm 1981, khi Israel không kích lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq. Thủ tướng Begin tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm mọi cách, vào bất kỳ lúc nào, để ngăn kẻ thù chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Học thuyết này – gọi là “Chủ nghĩa Begin”, được duy trì đến nay. Năm 2007, Israel tiếp tục phá hủy lò phản ứng bí mật của Syria. Hiện Israel ngày càng cực đoan, theo đuổi chiến lược “ai không phải bạn thì là kẻ thù”.
Chân dung các nhà khoa học và quan chức cấp cao Iran bị ám sát. Ảnh: Sohu.
Ngày 30/6, Iran công bố số người thiệt mạng trong 12 ngày giao tranh: 935 người, gồm 38 trẻ em và 132 phụ nữ. Israel cho biết có 28 người chết, hơn 3.000 người bị thương do 500 tên lửa đạn đạo và 1.100 UAV Iran tấn công.
Dù không có bên nào chiến thắng tuyệt đối, rõ ràng thiệt hại nghiêng hẳn về phía Iran. Và trong cuộc chiến này, tình báo và chiến tranh mạng đã đóng vai trò quan trọng không kém bom đạn.
Thu Thủy