Dự án 25 tỷ USD sắp trở thành “con voi trắng”
Cảng Lamu nằm trên vịnh Manda phía Đông đất nước được Chính phủ Kenya xem như một phần cực kỳ quan trọng của hành lang giao thông Lamu - Nam Sudan - Ethiopia (LAPSSET), một dự án hạ tầng trị giá khoảng 25 tỷ USD nhằm thúc đẩy kết nối khu vực Đông Phi, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các vùng hẻo lánh của Kenya và giảm phụ thuộc vào cảng Mombasa.
Hành lang này bao gồm cảng biển, đường sắt, đường cao tốc, đường ống dẫn dầu và các sân bay quốc tế, nhằm mở rộng thương mại với các quốc gia láng giềng như Ethiopia và Nam Sudan. Theo đó, sẽ có các bến nước sâu được bố trí dọc theo bờ biển của tỉnh Lamu. Hàng hóa sẽ đi trên các tuyến đường bộ và đường sắt mới đến Moyale (trên biên giới với Ethiopia), và Nakodok (trên biên giới với Nam Sudan). Dầu từ khu vực hồ Turkana biệt lập của Kenya sẽ được vận chuyển đến bờ biển bằng đường ống. 3 sân bay quốc tế sẽ được xây dựng dọc theo hành lang LAPSSET, cùng với các thành phố nghỉ dưỡng.
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta (đội mũ) dự lễ khánh thành bến tàu đầu tiên tại cảng Lamu, năm 2021.
Chi phí đầu tư cho hành lang LAPSSET ước tính lên đến 25 tỷ USD, khiến đây được xem là một trong những dự án cơ sở hạ tầng tham vọng nhất tại châu Phi, với tác động kinh tế khổng lồ. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Phi, chỉ riêng việc phát triển cảng Lamu dự kiến sẽ tăng GDP của Kenya thêm 3% và tạo ra hàng chục nghìn việc làm trực tiếp cũng như gián tiếp.
Tuy nhiên, dự án tham vọng này đang có nguy cơ trở thành một “con voi trắng” (tức một công trình đắt đỏ mà kém hiệu quả, thậm chí vô ích) do những đình trệ nghiêm trọng gần đây.
Vào năm 2019, 3 bến tàu đầu tiên trong tổng số 23 bến tàu của cảng Lamu đã hoàn thành nhưng hoạt động tại cảng Lamu hiện nay vẫn khá hạn chế, chủ yếu là xuất khẩu gia súc. Theo ghi nhận của Wall Street Journal, chỉ có 2 tàu chở hàng nhập cảnh dỡ hàng ở đây trong khoảng thời gian từ khi mở cửa vào năm 2021 đến cuối năm ngoái.
Các dự án kết nối với Lamu cũng trong tình trạng đình trệ tương tự. Chẳng hạn tuyến đường dài khoảng 240 km từ Lamu đến Garissa (một trung tâm kinh tế có nửa triệu dân tại miền Trung Kenya) mới chỉ được trải nhựa khoảng 24 km, chiếm khoảng 10% tổng chiều dài. Tuyến đường sắt từ Lamu đến Isiolo, sau đó chia nhánh đến Moyale và Nakodok đã hoàn thành một số đoạn, nhưng tiến độ chung vẫn chậm. Trong khi đó, kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu từ Lokichar đến Lamu vẫn đang được xem xét mà chưa có tiến triển cụ thể.
Các tay súng Al-Shabaab đã gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố tại Kenya.
Những kẻ khủng bố đang phá hỏng nỗ lực xây dựng
Nguyên nhân của thực trạng kể trên, ngoài yếu tố tài chính, còn có một lý do rất quan trọng, đó là mối đe dọa từ Al-Shabaab, một tổ chức khủng bố có trụ sở ở nước láng giềng Somalia và tuyên thệ trung thành với Al-Qaeda.
Al-Shabaab hình thành vào khoảng năm 2006 tại Somalia, ban đầu như một nhánh quân sự của Liên minh Tòa án Hồi giáo (Islamic Courts Union - ICU). Ngay từ những năm đầu, Al-Shabaab đã thể hiện sự ngưỡng mộ và chịu ảnh hưởng tư tưởng của Al-Qaeda, đặc biệt là các giáo lý cực đoan do Osama bin Laden truyền bá.
Năm 2012, thủ lĩnh Al-Shabaab, khi đó là Ahmed Abdi Godane chính thức tuyên bố trung thành với Al-Qaeda. Điều này được Al-Qaeda xác nhận công khai qua một thông điệp từ Ayman al-Zawahiri (người kế nhiệm Bin Laden). Từ đó, Al-Shabaab được xem như nhánh chính thức của Al-Qaeda ở Đông Phi. Al-Shabaab học theo các chiến thuật của Al-Qaeda, như đánh bom tự sát, nhắm vào mục tiêu phương Tây và chính phủ thân phương Tây ở Đông Phi. Với nơi ẩn náu sâu trong những cánh rừng rậm rạp tại Boni, nằm dọc biên giới giữa Somalia và Kenya, Al-Shabaab đã tiến hành một số cuộc tấn công tàn khốc ở Kenya, bao gồm vụ thảm sát Westgate Mall năm 2013 khiến 67 người thiệt mạng.
Al-Shabaab coi những con đường mới tại hành lang LAPSSET là mối đe dọa vì bề mặt được trải nhựa khiến việc đặt thuốc nổ trở nên khó khăn hơn và cho phép lực lượng an ninh phản ứng an ninh nhanh hơn. Theo ông Patrick Mutahi, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chính sách và nhân quyền (CHRIPS) có trụ sở tại Nairobi, từ năm 2021 đến năm 2023, nỗ lực xây dựng con đường từ Lamu đến Garissa đã vấp phải sự phá hoại dữ dội, với 16 người thiệt mạng và 40 người bị thương trong các cuộc tấn công của phiến quân nhằm vào cả công nhân Kenya và chuyên gia nước ngoài.
Một kỹ sư Pakistan mặc áo giáp và mũ bảo hiểm khi giám sát công nhân Kenya trên công trường tại Hành lang LAPSSET.
Một trong những vụ việc đáng chú ý nhất diễn ra vào năm 2020, khi các tay súng Al-Shabaab tấn công một căn cứ quân sự của Mỹ và Kenya gần cảng Lamu, giết chết 3 người Mỹ. Ông Patrick Mutahi cho biết, các cuộc tấn công của Al-Shabaab đã gây ra 30 cái chết cho dân thường và nhân viên an ninh từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái trên khắp các địa điểm ở hai tỉnh Garissa và Lamu.
Trong khi đó, theo ghi nhận của công ty theo dõi an ninh và khủng hoảng toàn cầu Crisis24, một số vụ tấn công khác nhằm vào những công trình ở đây cũng xảy ra hồi năm 2024. Tháng 8/2024, các tay súng Al-Shabaab đã tấn công một đoàn xe trên đường cao tốc A7 gần Koreni, thuộc hạt Lamu, một khu vực quan trọng của dự án LAPSSET, khiến ít nhất 3 người mất tích. Đây là vụ tấn công thứ hai trên đoạn đường này chỉ trong tháng 8/2024 làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động vận chuyển và xây dựng. Trước đó, hồi tháng 2/2024, Al-Shabaab đã bắt cóc 5 quan chức chính phủ tại huyện Mandera, gần biên giới Somalia, khi họ đang trên đường đi làm qua tuyến đường từ Wargadud đến Elwak, một khu vực thuộc hành lang LAPSSET.
Mới nhất là vụ tấn công xảy ra hôm 22/4 vừa qua, khi Al-Shabaab bắt cóc một kỹ thuật viên của công ty Safaricom tại khu vực Bamba Ola, cách Elwak khoảng 25 km về phía Bắc. Vụ việc xảy ra vào cuối giờ chiều, khi khoảng 10 tay súng của Al-Shabaab phục kích một xe tải vận chuyển vật tư đến cột thông tin liên lạc của Safaricom, công ty viễn thông lớn nhất Kenya và cũng là nhà thầu viễn thông tại dự án LAPSSET.
Mọi nỗ lực đều chưa thực sự hiệu quả
Kenya đã triển khai nhiều chiến lược quân sự để đối phó với mối đe dọa từ Al-Shabaab, trong đó nổi bật là việc quân đội và cảnh sát nước này liên tiếp tiến hành các chiến dịch chống khủng bố ở các tỉnh biên giới. Bên cạnh đó, Chính phủ Kenya còn thành lập các trung tâm chỉ huy quân sự mới tại miền Bắc và Đông Nam để tăng cường khả năng phản ứng nhanh.
Quân đội Kenya cũng phối hợp với quân đội Somalia và lực lượng đặc nhiệm Danab của nước láng giềng trong các chiến dịch chống Al-Shabaab tại các tỉnh biên giới giữa hai nước. Kenya thậm chí bắt triển khai quân tại Somalia qua việc tham gia “Sứ mệnh chuyển tiếp Liên minh châu Phi tại Somalia”, tức ATMIS. Tính đến trước khi rút quân hoàn toàn hồi tháng 12/2024, Kenya đóng góp khoảng 4.000 binh sĩ trong ATMIS, tập trung tại Jubaland và các khu vực phía Nam Somalia. Các chiến dịch do ATMIS tiến hành đã giúp Chính phủ Somalia giành lại một số thành phố lớn, chẳng hạn như Kismayo, nhưng Al-Shabaab vẫn kiểm soát nhiều khu vực nông thôn.
Không chỉ tăng cường các hoạt động tấn công nhằm vào những khu vực trú ẩn của Al-Shabaab, Kenya cũng xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế chặt chẽ - tập trung vào hỗ trợ quân sự, tài chính, tình báo và ngăn chặn tài trợ khủng bố - với sự tham gia của Mỹ, Anh, EU cùng các nước láng giềng như Ethiopia, Somalia nhằm đối phó Al-Shabaab.
Hiện tại, Mỹ là đối tác chính của Kenya trong cuộc chiến chống Al-Shabaab, cung cấp thiết bị, đào tạo và hỗ trợ tình báo. Các căn cứ tại vịnh Manda Bay và Wajir ở Đông Bắc Kenya được sử dụng cho các cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào Al-Shabaab. Một trong những cuộc tấn công như vậy diễn ra tháng 2/2024, khi đặc nhiệm Mỹ thực hiện 3 cuộc không kích nhằm vào địa bàn của nhóm khủng bố này tại Somalia, tiêu diệt 24 tay súng.
Nếu không ngăn được các vụ khủng bố phá hoại, Hành lang LAPSSET của Kenya có thể mãi nằm trên giấy.
Theo ông Patrick Mutahi, Giám đốc Trung tâm CHRIPS, chỉ tính riêng tại khu vực hành lang LAPSSET, ít nhất 23 kẻ khủng bố đã chết trong các hoạt động đáp trả và tấn công trấn áp lực lượng an ninh Kenya. Nhưng, dường như tất cả những điều này không đủ khiến nhóm khủng bố dừng lại. “Al-Shabaab vẫn thường thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ và quay trở lại Somalia”, ông Mutahi nói. “Các hoạt động không ngừng nghỉ của Al-Shabaab cho thấy chúng quyết tâm nhắm đến việc phá hoại hành lang LAPSSET”.
Các cuộc tấn công của Al-Shabaab khiến dư luận hoài nghi về khả năng Kenya hoàn thành được dự án hành lang LAPSSET. Bạo lực liên tục cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu chính phủ có thể bảo vệ được lưu lượng hàng hóa trên các tuyến đường ngay cả khi nó được hoàn thành hay không. "Chúng tôi đơn giản là không có khả năng kiểm soát toàn bộ hành lang đó", ông Mutahi, Giám đốc Trung tâm CHRIPS nói. “Và, viễn cảnh về một sự phát triển kinh tế thần kỳ có lẽ vẫn chỉ là giấc mơ của chúng tôi”.
Nguyễn Khánh