'Bóng ma' suy thoái rình rập: Mỹ có 'gánh' nổi hệ quả chính sách?

'Bóng ma' suy thoái rình rập: Mỹ có 'gánh' nổi hệ quả chính sách?
10 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Bài viết “Will Trump’s trade war cause a global recession?” (Tạm dịch: Cuộc chiên thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ gây suy thoái toàn cầu?) của tờ The Economist nhận định, về quy mô và mức độ nghiêm trọng, tuyên bố về thuế quan mới nhất của Mỹ đã gây bất ngờ cho các thị trường.
Ngày 2/4, Mỹ công bố chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ hầu hết các nước, trong đó đa số các nước bị áp thuế cơ sở 10% và nhiều nền kinh tế bị áp thuế đối ứng lên đến 50%. Mức thuế cơ sở 10% có hiệu lực từ 12 giờ 01 sáng 5/4 và thuế đối ứng sẽ có hiệu lực từ 12 giờ 01 sáng 9/4 theo giờ bờ Đông của Mỹ. Quyết định mới nhất đã khiến thị trường bất ngờ.
Ngày 3/4, một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đưa ra một loạt mức thuế chưa từng có, chỉ số Russell 3000, một trong những thước đo rộng nhất của thị trường chứng khoán Mỹ, đã giảm 5%. Sau đó, chỉ số này giảm thêm 6% vào ngày 4/4, khi Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả bằng mức thuế 34% đối với hàng hóa của Mỹ. Giá thị trường của một loạt các loại tài sản đang cho thấy một câu chuyện đáng lo ngại: Các nhà đầu tư đang dự đoán một sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Giá vàng đã giảm trong những ngày gần đây và đồng USD đã suy yếu - trái ngược với những gì thường xảy ra trong thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên, ở những nơi khác, mọi thứ gần như đều ảm đạm. Dầu đã bị bán tháo, với giá một thùng dầu thô Brent giảm từ 75 USD xuống còn 66 USD, cũng như đồng.
Ở nhiều quốc gia, cổ phiếu ngân hàng đã lao dốc; đây là một dấu hiệu xấu vì các công ty tài chính đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế. Các ngân hàng đầu tư nhỏ, kiếm tiền từ các vụ sáp nhập và mua lại, đã hoạt động đặc biệt kém. Klarna, Medline và Stubhub, ba công ty tư nhân từng hy vọng niêm yết trên sàn giao dịch công khai, đã trì hoãn việc chào bán ra công chúng. VIX, thước đo biến động của thị trường chứng khoán, đã tăng vọt. Các nhà phân tích ngân hàng đang bận rộn nâng ước tính của họ về khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu trong năm nay. JPMorgan Chase hiện đưa ra khả năng là 60%.
Ngoài ra còn có các biện pháp chính xác hơn về kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với tăng trưởng toàn cầu. Một là so sánh cổ phiếu “phòng thủ” và cổ phiếu “chu kỳ”. Cổ phiếu phòng thủ, bao gồm các công ty như hàng tiêu dùng thiết yếu và tiện ích, không bị ảnh hưởng nhiều bởi chu kỳ kinh tế, vì việc mua sắm tại siêu thị hàng tuần là điều cuối cùng mà mọi người cắt giảm. Ngược lại, cổ phiếu chu kỳ, chẳng hạn như các hãng hàng không và nhà sản xuất ô tô, phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý lạc quan. Trong tuần qua, giá trị các cổ phiếu chu kỳ toàn cầu kém hơn các cổ phiếu phòng thủ toàn cầu khoảng 8 điểm phần trăm - khoảng cách lớn nhất kể từ khi bắt đầu lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Phân tích của chúng tôi cho thấy những biến động giá này phù hợp với một cuộc suy thoái toàn cầu nhẹ.
Biến động giá tại thị trường Mỹ là nghiêm trọng nhất, nhưng không nhiều. Trong tháng qua, MSCI World, chiếm khoảng 85% vốn hóa thị trường tại 23 quốc gia giàu có, chỉ giảm ít hơn một chút so với các chỉ số của Mỹ. Mặc dù đợt bán tháo phòng thủ theo chu kỳ tại các thị trường mới nổi và Nhật Bản không nghiêm trọng bằng ở Mỹ, nhưng đợt bán tháo tại châu Âu tệ gần bằng. Các nhà đầu tư đã hạ kỳ vọng của họ đối với thu nhập của các công ty Mỹ trong năm nay - tương tự như thu nhập tại châu Âu. Điều này phù hợp với bằng chứng học thuật được công bố trước khi ông Trump nhậm chức, trong đó kết luận rằng thuế quan của Mỹ sẽ gây ra nhiều đau đớn về kinh tế bên ngoài nước Mỹ hơn là bên trong nước Mỹ.
Tin tốt là nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với đợt tấn công thuế quan của ông Trump từ vị thế tương đối mạnh. Một thước đo tổng hợp về tăng trưởng toàn cầu vào tháng 3, dựa trên các khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), đã tăng so với số liệu của tháng 2 và cho thấy sức mạnh đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, cho đến nay vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Một “chỉ số hoạt động hiện tại” do Goldman Sachs đưa ra cho thấy tăng trưởng toàn cầu chỉ thấp hơn tiềm năng một chút. Tại các nền kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn ở dưới mức 5%.
Điểm khởi đầu của Mỹ thậm chí còn mạnh hơn. Vào ngày 4/4, các nhà thống kê tiết lộ rằng nền kinh tế đã cộng thêm 228.000 việc làm vào tháng trước, cao hơn nhiều so với kỳ vọng. Dữ liệu thời gian thực lại cho thấy một câu chuyện tương tự. Một chỉ số hàng tuần do chi nhánh Dallas của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng hơn 2% mỗi năm. Chỉ số hoạt động của Goldman cho thấy Mỹ đang vượt trội hơn các quốc gia giàu có khác.
Hữu Tiến- Lê Hoàng (TTXVN tại London, New York)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/bong-ma-suy-thoai-rinh-rap-my-co-ganh-noi-he-qua-chinh-sach/369083.html