Bóng tối sau cuộc đua giảm cân cấp tốc

Bóng tối sau cuộc đua giảm cân cấp tốc
6 giờ trướcBài gốc
Mẫu thực phẩm chức năng qua xét nghiệm Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia có chứa chất Sibutramine. Ảnh: NH.
Vóc dáng thon gọn có lẽ là ước mơ của nhiều cô gái trẻ. Nhưng với A., hành trình chạm tới "chuẩn đẹp" ấy lại thành ác mộng.
Ngày 21/2, A. (21 tuổi, ở Hà Nội) bất ngờ rơi vào hôn mê sâu chỉ vài giờ sau khi vẫn khỏe mạnh, trò chuyện bình thường với gia đình. Cô được chuyển cấp cứu đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Hình ảnh MRI cho thấy tổn thương nghiêm trọng ở vùng đồi thị hai bên - khu vực điều khiển ý thức của não. Trước đó, cô được cho là đã sử dụng thuốc giảm cân mua qua mạng xã hội.
Suýt chết vì thuốc giảm cân
Qua điều trị tích cực, bệnh nhân dần tỉnh lại. Cô cho biết đã sử dụng một loại thuốc giảm cân mua trên TikTok, mỗi ngày một viên, liên tục hơn một tháng. Cô giảm được 4-5 kg.
Lọ thuốc cô dùng không có nhãn phụ tiếng Việt và ghi "7 ngày giảm 7 kg" bằng tiếng Anh. Kết quả xét nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia xác nhận sản phẩm chứa sibutramin - chất cấm gây nguy cơ nghiêm trọng đến thần kinh và tim mạch.
Sản phẩm cô gái mua trên TikTok hoàn toàn không có nhãn dán tiếng Việt. Ảnh: BSCC.
Một cô gái khác, 27 tuổi, đến từ Thanh Hóa, cũng rơi vào cảnh "thập tử nhất sinh" sau khi sử dụng một loại thực phẩm giảm cân mua trên mạng. Bệnh nhân nhập Trung tâm Chống độc trong tình trạng suy thận cấp, tổn thương não hai bên, mất thị lực do tắc động mạch mắt.
Không chỉ vậy, cô còn bị mẩn ngứa, phù nề, tinh thần thay đổi, ý thức rối loạn nghiêm trọng. Hình ảnh chụp chiếu cho thấy não tổn thương nặng, thận ngừng hoạt động phải lọc máu thường xuyên.
Sản phẩm cô từng dùng - cũng như trường hợp trên - được phát hiện chứa sibutramin. Đã hơn 3 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân quê Thanh Hóa vẫn không cải thiện.
Từng nặng 70 kg, chị N.T.T. (43 tuổi, ở Quảng Ninh) chỉ mong giảm cân để mặc đẹp, nên đã mua 2 lọ thuốc Baschi màu hồng, được rao bán trên mạng xã hội là "100% thảo dược Thái Lan".
Sau một tháng dùng thuốc theo chỉ dẫn (2 viên mỗi tối với nước chanh ấm), chị giảm được 3 kg, nhưng bắt đầu buồn nôn và nôn ra cả máu tươi lẫn máu đen.
Tại Trung tâm Y tế Móng Cái, chị được chẩn đoán nghi viêm loét nặng dạ dày - thực quản, nhưng điều trị gần một tuần vẫn không cải thiện. Khi chuyển lên Bạch Mai, tình trạng đã trầm trọng, không thể ăn uống bằng miệng, thực quản và dạ dày hẹp hoàn toàn, chỉ sống nhờ dinh dưỡng tĩnh mạch.
Sau hội chẩn liên khoa, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật. Các bác sĩ tiến hành ca mổ kéo dài 5 giờ, cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản ngực, tạo hình lại hệ tiêu hóa bằng đại tràng.
Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, giờ chị chỉ còn 35 kg, gầy trơ xương, suy kiệt nặng. May mắn, sau 3 tháng điều trị tích cực, chị đã hồi phục phần nào, tăng được 5 kg và có thể ăn uống trở lại qua đường miệng
Cơn ác mộng hóa học
Sản phẩm giảm cân chứa chất cấm là vấn nạn nhức nhối, âm ỉ và chưa bao giờ lắng xuống trong xã hội hiện đại, đặc biệt là khi nỗi ám ảnh về hình thể ngày càng ăn sâu vào tâm trí người trẻ.
Chỉ cần vài cú click trên mạng, bạn sẽ bắt gặp vô vàn "giải pháp" mang tên "trà tan mỡ, bột đốt mỡ, viên giảm cân cấp tốc"... kèm theo những lời rao bán đầy mật ngọt như "giảm ngay 3-4 kg chỉ sau 2 tuần, không cần ăn kiêng, không tập luyện, không tác dụng phụ, thảo dược thiên nhiên".
"Nghe có vẻ như phép màu. Nhưng đằng sau những kết quả 'thần tốc' ấy, rất có thể là cái bẫy mang tên chất cấm. Do đó, không có gì lạ khi FDA đã nhắc tên hàng trăm sản phẩm giảm cân chứa chất cấm trong thời suốt gian qua", TS Nguyễn Hồng Vũ, cựu nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ) nói.
Bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Chống độc sau khi uống thuốc giảm cân. Ảnh: BVCC.
Theo TS Vũ, một trong những chất bị phát hiện "lén trộn" phổ biến nhất trong các sản phẩm giảm cân là sibutramin. Đây là một hợp chất được sử dụng để giảm sự thèm ăn, thường được dùng trong điều trị bệnh béo phì. Hợp chất này được quản lý chặt chẽ và bị đưa ra khỏi thị trường vào 10/2010 vì an toàn.
Sản phẩm chứa chất này có thể gây hại cho người tiêu dùng vì có thể gây nên nguy cơ tăng huyết áp, tăng nhịp tim cho người bình thường và có thể gây nguy hiểm cho những người có tiền sử bệnh về động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ. Sản phẩm này cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác mà người dùng đang sử dụng, dẫn đến nguy hiểm chết người.
Ngoài ra, chất cấm thứ 2 cũng thường được sử dụng là phenolphthalein. Chất này đã từng được sử dụng trong điều trị táo bón nhưng do các nghiên cứu cho thấy nó có khả năng là chất gây ung thư (carcinogen) nên đã được hạn chế dùng và FDA đã cấm lưu hành các loại thuốc điều trị táo bón có chứa chất này mà bán không cần toa bác sĩ (over-the-counter drugs) từ năm 1999.
Theo thông tin của FDA, hiện nay phenolphthalein không có trong thành phần hoạt tính (active ingredient) của bất cứ thuốc nào đang được sử dụng ở Mỹ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho hay các thực phẩm chức năng quảng cáo để giảm cân thường chứa rất nhiều chất và chia thành các nhóm.
Nhóm thứ nhất là các chất kích thích như các chất cấm sibutramine, cafein, thậm chí bột từ tuyến giáp động vật… Cơ chế hoạt động bắt các cơ quan nội tạng của cơ thể, đặc biệt là tim mạch, đốt cháy mỡ, tiêu thụ năng lượng mà không phải tăng vận động về thể lực. Điều này là phản khoa học và rất nguy hiểm, gây biến cố với tim mạch, não…
Hai là các chất gây chán ăn, ví dụ phenylpropanolamine (trong số các chất này cũng có nhiều chất có rủi ro và độc tính cao).
Ba là các chất độn để khi uống vào nở ra trong đường tiêu hóa tạo cảm giác no. Hầu hết sản phẩm này đều không công bố hay ghi rõ thành phần các chất này trên nhãn mác, thường quảng cáo với lời lẽ quá mức, không có kiểm soát.
Các chuyên gia khẳng định theo các nghiên cứu khoa học cho tới hiện nay, chưa có loại thực phẩm chức năng, trà thảo dược nào được chứng minh có thể sử dụng với mục đích làm giảm cân "an toàn" mà không cần phối hợp với tập thể dục và ăn kiêng.
"Giảm cân an toàn là quá trình cần thời gian và sự kiên trì, không có con đường tắt nào không tiềm ẩn rủi ro. Hãy chọn cách giảm cân khoa học để bảo vệ sức khỏe lâu dài", TS Vũ nhấn mạnh.
Ngày 21/5, đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra sản phẩm giảm cân do DJ Ngân 98 quảng cáo và kinh doanh. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra gần đây, văn phòng công ty liên quan đã đóng cửa nên chưa thể lấy mẫu. Theo xác minh ban đầu, nơi sản xuất sản phẩm đặt tại Hà Nội và cơ quan chức năng đang xây dựng phương án kiểm tra cụ thể.
Động thái này diễn ra sau khi trên mạng xã hội lan truyền nghi vấn sản phẩm giảm cân của DJ Ngân 98 chứa chất cấm, bắt nguồn từ cuộc "khẩu chiến" với một người bán hàng tên Ngân Collagen. Cả hai liên tục chỉ trích nhau trên livestream, cáo buộc đối phương bán hàng kém chất lượng và cạnh tranh không lành mạnh.
“Họ đối phó lắm. Nhưng Sở sẽ đeo bám", một đại diện Sở nói với Tri Thức - Znews.
Phương Anh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/bong-toi-sau-cuoc-dua-giam-can-cap-toc-post1555068.html