Brazil sẽ tìm cách xây dựng mối quan hệ và không làm trầm trọng thêm bầu không khí toàn cầu vốn đã căng thẳng, Thứ trưởng Ngoại giao Brazil Eduardo Saboia nói với AFP hôm 10/1, bác bỏ những lời đe dọa gần đây từ ông Donald Trump về việc áp thuế 100% đối với các quốc gia BRICS nếu họ phá giá đồng USD.
BRICS không có kế hoạch thay thế đồng USD, nhưng muốn thúc đẩy việc sử dụng các loại tiền tệ địa phương, ông Saboia cho biết.
Ông Eduardo Saboia, nhà ngoại giao Brazil phụ trách tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 ở Rio de Janeiro vào tháng 7/2025. Ảnh: BRICS
"Chúng tôi muốn tăng cường thương mại giữa chúng tôi, tăng đầu tư và giảm chi phí giao dịch. Có một cuộc thảo luận về việc sử dụng các loại tiền tệ địa phương trong các giao dịch, nhưng không phải theo cách áp đặt", nhà ngoại giao Brazil làm rõ.
"Các quốc gia BRICS là những nước nắm giữ dự trữ USD. Nhưng chúng tôi phải đa dạng hóa các lựa chọn để các tác nhân kinh tế có thể quyết định và có khả năng thực hiện nhiều giao dịch hơn".
BRICS – nhóm gồm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới – đang ngày càng nổi lên như một đối trọng với phương Tây, nhưng ông Saboia cho biết các thành viên của khối không muốn mối quan hệ xấu đi.
"Các thành viên BRICS không chống lại điều gì đó, chống lại phương Tây. Ngược lại, sau cuộc khủng hoảng năm 2008, các nền kinh tế phát triển lớn đã tìm kiếm sự hợp tác của các nước BRICS trong nỗ lực tái khởi động nền kinh tế thế giới", Thứ trưởng Ngoại giao Brazil nói.
Nhà ngoại giao chi biết, trong tiếng Anh, BRICS đọc giống "brick" (viên gạch) – biểu thị mong muốn xây dựng một cái gì đó. "Các nước BRICS đến với nhau để xây dựng, không phải để làm mọi thứ tồi tệ hơn", ông nói.
Khi được hỏi về việc ông Trump từ chối loại trừ can thiệp quân sự để đưa Kênh đào Panama và đảo Greenland vào tầm kiểm soát của Mỹ, ông Saboia từ chối đưa ra ý kiến.
"(BRICS) không tập trung vào các quốc gia khác, các nhà lãnh đạo khác. Trọng tâm là sự hợp tác và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", ông nói.
"Chúng tôi có rất nhiều việc phải làm giữa chúng tôi… hợp tác trong khoa học và công nghệ, tài chính, y tế và tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, cung cấp tầm nhìn về Nam Bán cầu".
BRICS được thành lập vào năm 2009 bởi các thành viên sáng lập là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi tham gia vào năm sau, và vào năm 2024, nhóm này mở rộng với Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trở thành thành viên chính thức. Brazil đã công bố việc Indonesia gia nhập BRICS vào tuần trước.
Minh Đức (Theo Digital Journal)