Bù Ðăng những ngày đầu sau giải phóng

Bù Ðăng những ngày đầu sau giải phóng
5 giờ trướcBài gốc
Ông Bùi Kim Dung, đảng viên gần 60 năm tuổi Đảng, người gắn liền cuộc đời mình với sự trưởng thành, phát triển của huyện Bù Đăng - “vùng đất chết” đã hồi sinh và phát triển đầy triển vọng.
Dựa vào dân
Nhắc về sự kiện lịch sử giải phóng Bù Đăng (tháng 12-1974), ông Bùi Kim Dung kể: “Đêm 12 rạng sáng 13-12-1974 tại Bù Đốp, quân ta đã có những đòn tấn công địch và được coi là cơ sở để Bộ Chính trị đi đến kết luận “Mỹ đã không còn đủ năng lực điều quân trở lại hòng cứu chế độ ngụy quyền nữa”. Trong khoảng 9-10 giờ sáng 14-12-1974, các đơn vị chủ lực cùng bộ đội địa phương tiến công giải phóng Chi khu quân sự Đức Phong, điểm cuối cùng là đồi Chi khu Đức Phong, quân ta tiến sâu vào tòa nhà hành chính của chi khu. Những ngày kế tiếp, ta tiếp tục giải phóng đoạn đường 14 từ Đức Phong đến yếu khu Bù Na (xã Nghĩa Trung ngày nay), tiến công uy hiếp Đồng Xoài, giải phóng vùng Đông Nam Phước Long rộng lớn với hàng chục ngàn dân, phá tan tuyến phòng thủ phía Nam. Chỉ trong 2 ngày chiến đấu anh dũng, chúng ta đã làm chủ hoàn toàn, Bù Đăng được giải phóng từ sáng 14-12. Bù Đăng là địa phương đầu tiên được giải phóng ở miền Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.
Ông Bùi Kim Dung, nguyên Bí thư Huyện ủy Bù Đăng tự hào về sự phát triển nhanh, mạnh của huyện và cũng trăn trở trước một số khó khăn hiện nay
Ông Bùi Kim Dung nhớ lại: Chúng tôi ở căn cứ làm công tác tuyên huấn nghe tin Chi khu Đức Phong thất thủ, Bù Đăng giải phóng, ngay đêm 14-12, cả cơ quan Huyện ủy, các phòng, ban, cơ quan công an, quân sự, dân vận… nhận lệnh trở về trung tâm Đức Phong. 9 giờ sáng 15-12, toàn bộ cơ quan thuộc K ủy K29 ra Bù Đăng.
Những ngày kháng chiến quyết liệt, bom đạn vang rền trên bầu trời, chính nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bù Đăng đã bao bọc bộ đội, cán bộ cách mạng. Khi Bù Đăng vừa giải phóng, hầu hết các cơ quan từ công an, quân sự đến Huyện ủy khi trở ra trung tâm đều phải ở nhờ nhà dân. Cơ quan Huyện ủy Bù Đăng bấy giờ đến ở nhờ nhà ông Sáu Bạn (sau chợ Đức Phong ngày nay). Sau đó, Huyện ủy ra nhà hội đồng xã của Đức Phong.
Sau giải phóng, trung tâm Bù Đăng xơ xác lắm! Và một cuộc kiến thiết, xây dựng mới được triển khai quyết liệt với sự đồng lòng, chung sức từ các cơ quan của huyện đến nhân dân.
Kiến thiết, xây dựng đời sống mới
Ông Bùi Kim Dung chia sẻ, khi mới giải phóng, ông cùng với K ủy K29 ra tiếp quản Bù Đăng ngày 14-12-1974. Ngày 15-12-1974, K ủy K29 cùng một số anh em, trong đó có ông kiểm tra còn chừng 500-700kg gạo. Anh em đã bàn bạc, tranh thủ thời gian sớm nhất cấp gạo cho đồng bào để vượt qua khó khăn lúc bấy giờ. Mặc dù Bù Đăng đã giải phóng nhưng tiếng súng phía Phước Long vẫn còn vang rền. Do đó, người dân Bù Đăng vẫn chưa trở về hết. Huyện ủy chưa xây dựng gì, chỉ dựa vào nhà hội đồng xã và một trường tiểu học lợp tôn, tường xây cấp bốn, 1 trường học ở ngay nhà thờ. Sau nửa tháng, người dân lục tục trở về sinh sống trong những căn nhà tranh, vách đất. Huyện ủy bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở. Những cán bộ chủ chốt tiếp tục bám nắm cơ sở cách mạng để xây dựng tổ chức. Anh em bắt đầu bố trí cho dân ăn, ở.
Ông Bùi Kim Dung, nguyên Bí thư Huyện ủy Bù Ðăng giới thiệu về những cán bộ huyện qua các thời kỳ
“Phụ trách công tác giáo dục, kiêm thông tin truyền thông, tôi liên tục soạn những mẩu tin nhỏ bám sát chỉ đạo của Huyện ủy thông báo tin tức hằng ngày cho nhân dân. Từ đó, một cuộc kiến thiết xây dựng đời sống mới được bắt đầu. Mỗi cán bộ và từng người dân đoàn kết, gắn bó với nhau vượt qua mọi khó khăn sau giải phóng” - nguyên Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Bùi Kim Dung nhớ lại.
Sau giải phóng, nhất là những năm đầu sau khi xây dựng huyện mới, công tác cán bộ là “nút thắt” khó gỡ của huyện Bù Đăng. Lúc bấy giờ, nhiều cuộc họp của Huyện ủy được diễn ra, kể cả thường xuyên hay đột xuất. Bên cạnh nhiệm vụ chính trị - xã hội, công tác tuyển chọn cán bộ được xem là cấp thiết. Do đó, từ cán bộ các cơ quan chuyên môn cho đến giáo dục đều được chú trọng.
Bù Đăng khi mới tách ra, cán bộ rất ít, mỗi cơ quan chỉ từ 3-5 người. Một chủ trương mới được chỉ đạo là vận động, kêu gọi, thu hút nguồn cán bộ có trình độ từ các nơi về với Bù Đăng, không phân biệt vùng miền, trường đào tạo, miễn là tự nguyện đóng góp công sức xây dựng Bù Đăng. Nguồn tại chỗ được hỗ trợ đi đào tạo học lên và có chính sách đi kèm khi về phục vụ địa phương. Dần dần, vấn đề đội ngũ cán bộ được giải quyết, kiện toàn và củng cố.
Bù Ðăng hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới, dân cư khắp nơi về lập nghiệp, tạo nên sự sầm uất, đô hội - Ảnh: Phú Quý
Ở những xã rộng lớn, đông đồng bào dân tộc thiểu số, Huyện ủy lựa chọn cán bộ có trình độ, năng lực, am hiểu địa bàn và khả năng tập hợp đồng bào. Theo đó, những đồng chí Huyện ủy viên đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là lựa chọn đầu tiên. Đơn cử, khi xã Đắk Nhau còn kéo dài từ cầu sông Lấp (Minh Hưng ngày nay đến xã Đắk Nhau), ông Điểu Ma Rách, người S’tiêng được lựa chọn làm Bí thư Đảng ủy. Những xã mới tách ra, xã dân tộc thiểu số, Huyện ủy tăng cường cán bộ từ huyện về hỗ trợ, xây dựng cơ sở vững mạnh. Các đồng chí đương chức, đương nhiệm xã nào yếu, thiếu cán bộ thì huyện tăng cường. Đồng thời hiểu hoàn cảnh khó khăn của các đồng chí khi được điều động về xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn, Huyện ủy chủ trương hỗ trợ đất, xây dựng nhà ở và một số chính sách khác để thu hút nhân lực về với địa phương. Tuy nhiên, cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm túc từ chuyên môn đến đạo đức cách mạng người cán bộ, đảng viên.
Nhìn lại hành trình 50 năm sau ngày giải phóng, nguyên Bí thư Huyện ủy Bùi Kim Dung nhấn mạnh: Bù Đăng ngày nay đã đổi thay rõ rệt. Một sự thay đổi cả về lượng và chất từ cơ sở hạ tầng thiết yếu đến ý thức người dân. Nếu ngày mới giải phóng, đời sống người dân còn đói rét, thiếu gạo, nhiều hộ chỉ có bo bo, củ mì, bắp… thay cơm thì hiện nay, nhân dân không lo ăn, không lo mặc, mà số tỷ phú nông nghiệp từ những vườn cây cà phê, cao su, sầu riêng… đã không còn cá biệt. Thành tựu hết sức tự hào nữa là cơ sở hạ tầng từ huyện đến xã đều được nhựa và bê tông hóa, đi lại thuận tiện. Thông tin liên lạc cũng có những đột phá, người dân tiếp cận công nghệ thông minh nhanh chóng… Đó là hiệu quả tích cực từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, trong thời kỳ tiến lên chủ nghĩa xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, mặt trái nền kinh tế thị trường cũng tạo ra những lỗ hổng cần mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân phải “tâm trong, mắt sáng và đầu lạnh”. Công tác xây dựng Đảng thực hiện đồng bộ 5 mặt công tác, trong đó giáo dục đạo đức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên phải được đặt lên hàng đầu. “Trong một xã hội không tránh khỏi người này người kia, sẽ có lúc gặp những cán bộ sa ngã, không đủ chuẩn nên phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; động viên cán bộ, không lấy xử lý, kỷ luật làm trọng tâm, mà lấy giáo dục đạo đức làm gốc, kiểm tra là cơ bản để khi phát hiện nhỏ sẽ ngăn chặn kịp thời không gây ra sai phạm lớn. Đội ngũ cán bộ phải giữ được lòng dạ trong sáng, đầu óc sáng suốt, nhanh nhạy...” - nguyên Bí thư Huyện ủy Bùi Kim Dung chia sẻ.
Cẩm Liên
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/165283/bu-dang-nhung-ngay-dau-sau-giai-phong