Bức tranh Hà Nội qua những công trình, hạ tầng hiện đại

Bức tranh Hà Nội qua những công trình, hạ tầng hiện đại
3 giờ trướcBài gốc
Những năm qua, diện mạo Hà Nội thay đổi nhanh chóng. Hàng loạt công trình giao thông, đô thị hiện đại được xây dựng. Thành phố đang chuyển mình từng ngày để sánh ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Từ một thành phố với dân số và diện tích vừa phải, tới nay Hà Nội đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành Thủ đô lớn thứ 17 thế giới với diện tích hơn 3.300km2, mức dân số lên tới hơn 8,5 triệu người.
Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, luôn là mục tiêu được Trung ương và Thành phố Hà Nội chú trọng. Hà Nội đã khởi công nhiều công trình giao thông quan trọng nhằm phát huy vai trò là đầu mối giao thông, giúp tăng cường kết nối các tỉnh thành, các vùng kinh tế.
Những cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Hồng, sông Đuống, đường vành đai, đường trên cao rộng rãi, những tuyến đường sắt đô thị đang dần hình thành, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và mang đến diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc.
Đại lộ Thăng Long dài 29,264km là một trong những công trình giao thông trọng điểm được Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chọn là công trình hoàn thành chào mừng đại lễ. Công trình có điểm đầu giao cắt đường Vành đai 3 - Hà Nội, điểm cuối là nút giao Hòa Lạc giao cắt với Quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương là 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của Hà Nội là 5.687 tỷ đồng.
Hà Nội đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông hiện đại kết hợp giữa hầm đường bộ và công trình cầu vượt, góp phần giảm ùn tắc ở các "điểm nóng" giao thông.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội, vận hành chính thức từ cuối năm 2021, tới nay đã trở thành phương tiện công cộng được rất nhiều người dân lựa chọn.
Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km, có 8 Ga trên cao và 4 Ga ngầm. Trong đó, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km được vận hành chính thức từ đầu tháng 8 và đoạn đi ngầm tiếp tục thi công. Tuyến đường sắt đô thị ngay khi vận hành đã dành được nhiều thiện cảm từ người dân Thủ đô.
Thành phố cũng đặc biệt quan tâm và đưa xe đạp công cộng vào vận hành trên nhiều quận của Thủ đô, qua đó thúc đẩy giao thông xanh.
Trong thời gian vừa qua, hàng loạt tuyến xe buýt đầu tư mới, xe buýt chạy bằng năng lượng điện... được đưa vào khai thác đã làm thay đổi bộ mặt vận tải hành khách công cộng của thành phố Hà Nội. Mạng lưới khung giao thông kết nối giữa các loại hình đã và đang hoàn thiện dần để hướng đến mục tiêu phát triển đô thị xanh.
Sau 70 năm sau ngày Giải phóng, Hà Nội đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị hàng đầu của cả nước, khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Đinh Luyện
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/buc-tranh-ha-noi-qua-nhung-cong-trinh-ha-tang-hien-dai-178885.html