Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, ngày càng nhiều người Trung Quốc lựa chọn ủng hộ hàng nội địa.
Cô Yu - 32 tuổi, là nhân viên thương mại ở Hàng Châu - đã đổi chiếc xe Porsche 718 để lấy một chiếc xe của Li Auto - nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc. Cô mô tả chiếc xe mới có tính năng "lái xe thông minh" và định vị tốt hơn, mang lại trải nghiệm tổng thể vượt trội.
Theo cô Yu, giá cả và uy tín của các thương hiệu nội địa có thể không sánh bằng các thương hiệu quốc tế, nhưng cô vẫn sẽ lựa chọn tiếp tục chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm nội địa của Trung Quốc, không chỉ dừng lại ở xe hơi.
"Hôm nọ, chồng tôi và tôi đã nói đùa rằng chúng tôi có bao nhiêu thương hiệu Mỹ ở nhà - hóa ra chỉ có MacBook và iPhone và thậm chí những thứ đó cũng được sản xuất tại Trung Quốc" - cô Yu trả lời đài CNA.
Ngày càng nhiều người Trung Quốc lựa chọn ủng hộ hàng nội địa giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang. Ảnh: CHINA DAILY
Anh Zhu - 25 tuổi, sống tại Thượng Hải - cho biết anh nhận thấy xung quanh có xu hướng ngày càng ít các thương hiệu và sản phẩm nhập từ Mỹ. "Tôi thực sự không thể tìm thấy bất cứ thứ gì xung quanh mình được sản xuất tại Mỹ" - anh nói.
Một người tiêu dùng Trung Quốc không nêu tên làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cũng nói với CNA rằng các vật dụng mà người này sử dụng đều do các thương hiệu Trung Quốc sản xuất như Huawei, TCL và nhiều người ở Trung Quốc "sống hoàn toàn tốt mà không cần hàng hóa của Mỹ".
Động lực từ đâu?
Các chuyên gia đánh giá rằng xu hướng này xuất hiện bởi các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển hướng quảng bá và bán các sản phẩm dành cho thị trường nước ngoài sang thị trường tiêu dùng khổng lồ trong nước, nhằm đối phó với tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn đang tiếp diễn.
Việc tăng tiêu dùng hàng nội địa cũng được thúc đẩy nhờ người dân Trung Quốc ưa thích hàng hóa và thương hiệu nội địa hơn là sản phẩm nước ngoài.
“Sự thay thế bằng hàng nội địa này là một chiến lược dài hạn, không chỉ nhắm vào các thương hiệu hoặc sản phẩm của Mỹ. Ý tưởng [đối với người tiêu dùng Trung Quốc] là thay thế càng nhiều càng tốt để đạt khả năng tự cung tự cấp” - ông Dan Wang, Giám đốc bộ phận Trung Quốc tại công ty tư vấn Eurasia Group cho biết.
Các thương hiệu đến từ Mỹ cũng đã mất thị phần ở Trung Quốc trước khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Theo ông Wang, người tiêu dùng Trung Quốc “ưa thích các thương hiệu đến từ châu Âu hoặc Nhật hơn là Mỹ”.
Ngoài ra, ông Lynn Song - nhà kinh tế tại tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) cho rằng hàng hóa sản xuất nội địa Trung Quốc có khả năng "dễ thay thế" cho hàng hóa nhập khẩu nước ngoài.
Ông Wang cũng nhận xét đã có một số sự thay thế đáng kể hàng hóa từ nước ngoài bằng hàng sản xuất trong nước, chẳng hạn trong lĩnh vực mỹ phẩm. Điều này cũng giúp thúc đẩy xu hướng chuyển sang dùng hàng nội địa của người dân Trung Quốc.
Ý nghĩa quan trọng
Với các tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, việc người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng chuyển sang dùng hàng nội địa càng có thêm ý nghĩa.
Ông Wang cho biết áp lực từ thuế quan tăng cao đang đè nặng lên các nhà sản xuất Trung Quốc, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương. “Nguy cơ phá sản của doanh nghiệp vừa và nhỏ là có thật vì cuộc chiến thuế quan này" - ông Wang nói.
Với các tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, xu hướng người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang dùng hàng nội địa càng có thêm ý nghĩa. Ảnh: AFP
Các chuyên gia quan sát rằng chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước thích ứng trước các tác động từ căng thẳng thương mại. Ngày 29-4, Ủy ban Thuế quan của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục miễn thuế bổ sung đối với một số hàng hóa của Mỹ cho đến hết tháng 11-2025, theo hãng thông tấn Xinhua.
Ông Song đánh giá với kịch bản hiện tại, các tác động từ thuế quan đối với người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tương đối nhỏ nhưng chắc chắn sẽ “khiến nhu cầu của [người tiêu dùng] Trung Quốc xa rời những sản phẩm nhập khẩu nước ngoài”.
“Có lẽ chúng ta sẽ thấy một sự chuyển mình từ tốn khỏi tính liên kết cao độ giữa Mỹ và Trung Quốc" - ông Song cho biết. Song đối với những người tiêu dùng như cô Yu, sự thay đổi thị hiếu từ hàng nhập khẩu sang hàng nội địa đã bắt đầu từ lâu.
“Việc chuyển sang hàng nội địa không làm gián đoạn cuộc sống của chúng tôi. Nếu có, nó củng cố sự ủng hộ của chúng tôi đối với các thương hiệu của chính Trung Quốc” - cô Yu chia sẻ với CNA.
TRỌNG TẤN