Huawei bị phát hiện bí mật xây đế chế chip ở Thâm Quyến, giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc nước ngoài

Huawei bị phát hiện bí mật xây đế chế chip ở Thâm Quyến, giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc nước ngoài
6 giờ trướcBài gốc
Theo nhiều nguồn tin am hiểu và các chuyến khảo sát gần địa điểm do phóng viên trang Financial Times (Anh) thực hiện, Huawei là nhân tố chủ chốt đứng sau ba nhà máy sản xuất tại khu vực Quan Lan thuộc thành phố Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở chính của công ty.
Hình ảnh vệ tinh do Financial Times thu thập được cho thấy ba nhà máy tại Quan Lan, được xây dựng theo cùng một kiểu kiến trúc đặc trưng, đã phát triển nhanh chóng kể từ khi khởi công năm 2022.
Các cơ sở này phản ánh tham vọng của Huawei trong việc trở thành hãng đi đầu ngành bán dẫn, đồng thời thúc đẩy nỗ lực của Trung Quốc nhằm thách thức Mỹ trong phát triển các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI).
“Huawei đã bắt đầu một nỗ lực chưa từng có để phát triển toàn bộ chuỗi cung ứng AI trong nước, từ thiết bị chế tạo wafer (đĩa bán dẫn) đến xây dựng mô hình. Chúng tôi chưa từng thấy một công ty nào cố gắng làm mọi thứ như vậy trước đây”, Dylan Patel, nhà sáng lập hãng tư vấn trong lĩnh vực bán dẫn SemiAnalysis (Mỹ), nhận định.
Huawei vận hành một trong ba nhà máy ở Quan Lan, theo nguồn tin thân cận với Financial Times. Tại đây, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sẽ sản xuất chip smartphone 7 nanomet và bộ xử lý AI Ascend. Ascend là nỗ lực đầu tiên của Huawei nhằm tự sản xuất chip AI cao cấp.
Hai nhà máy còn lại, hoàn thành năm ngoái, được điều hành bởi hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip SiCarrier và công ty sản xuất chip nhớ SwaySure. Dù Huawei phủ nhận mối liên hệ với hai công ty khởi nghiệp này, các chuyên gia trong ngành cho biết họ có liên kết thông qua hỗ trợ đầu tư, chia sẻ nhân sự và công nghệ.
Ba cơ sở này cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ chính quyền Thâm Quyến, theo những người có kiến thức về dự án.
Huawei tham gia vào một số dự án nhằm phát triển các công nghệ thay thế sản phẩm từ Nvidia (thiết kế chip), ASML (thiết bị sản xuất chip), SK Hynix (chip nhớ) và TSMC (gia công chip).
Một phần khu tổ hợp của SiCarrier vào tháng 4.2022, 2023 và 2025 - Ảnh: Planet Labs
Nỗ lực sản xuất chip của Huawei đã được đẩy mạnh kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2019, ngăn hãng tiếp cận công nghệ nước ngoài thiết yếu. Hoạt động này nằm trong chiến lược tổng thể của chính phủ Trung Quốc nhằm nội địa hóa các linh kiện then chốt, đối phó với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ nhằm kìm hãm quốc gia châu Á này phát triển công nghệ.
“Tôi từng nghĩ Huawei sẽ sụp đổ khi Mỹ nhắm vào họ. Thế nhưng, tham vọng của Huawei chỉ ngày càng lớn hơn và những bước tiến mà họ đạt được thật đáng kinh ngạc”, một nhà phân tích nói với Financial Times.
Ba địa điểm sản xuất nói trên nằm gần các nhà máy chế tạo bán dẫn của hai công ty sản xuất chip logic là Pengxinwei (PXW) và Shenzhen Pensun (PST), mà chính phủ Mỹ cáo buộc có liên hệ với Huawei.
Huawei cũng đầu tư vào các cơ sở sản xuất bán dẫn tại thành phố Thượng Hải, Ninh Ba và Thanh Đảo, theo nguồn tin có hiểu biết về các dự án này.
Tuy nhiên, một số người trong ngành vẫn hoài nghi về khả năng Huawei có thể hiện thực hóa tham vọng lớn lao của mình, do kinh nghiệm hạn chế trong sản xuất bán dẫn so với các đối thủ trong và ngoài nước.
“Đây là dự án lớn với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền. Song có những công ty khác tại Trung Quốc đã làm điều tương tự suốt hàng chục năm mà vẫn chưa thể sánh được với ASML hay TSMC”, một nhà đầu tư vào ngành chip nhận định.
ASML (Hà Lan) là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới. TSMC (Đài Loan) là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới.
“Thuộc về Huawei”
Người dân ở Quan Lan gọi các cơ sở do SiCarrier và SwaySure vận hành là thuộc về Huawei, dù tập đoàn công nghệ này phủ nhận mối liên hệ, theo Financial Times. Các chuyên gia trong ngành cho biết dù ba công ty này có cấu trúc và cổ đông khác nhau, nhưng giữa họ vẫn có nhiều mối liên kết chặt chẽ.
Huawei cung cấp sự hỗ trợ ban đầu cho SiCarrier và SwaySure bằng cách cử đội ngũ quản lý và kỹ thuật, hỗ trợ gọi vốn và trong một số trường hợp còn chuyển giao công nghệ, theo các nguồn tin của Financial Times quen thuộc với tình hình. Mối liên hệ với Huawei giúp các quỹ đầu tư nhà nước có đủ “niềm tin” để rót vốn vào SiCarrier và SwaySure, một nguồn tin của Financial Times tiết lộ.
Sự sắp xếp này cho phép các quỹ nhà nước đầu tư vào các kế hoạch phát triển chip của Huawei thông qua mạng lưới công ty khởi nghiệp trong ngành chip, mà không cần Huawei trực tiếp nhận đầu tư hay làm loãng tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình.
“Những công ty khởi nghiệp này sẽ tách khỏi Huawei khi đạt đến một giai đoạn phát triển nhất định. Trong suốt quá trình đó, Huawei trao quyền cho họ bằng cách cung cấp nhân lực, công nghệ và hệ thống. Điều này giúp tăng tốc độ đổi mới công nghệ và nâng cao khả năng thành công của họ”, một người am hiểu hoạt động nội bộ Huawei nói với Financial Times.
SiCarrier được tách ra từ một phòng thí nghiệm của Huawei với sự hỗ trợ từ quỹ thuộc chính quyền Thâm Quyến, theo nguồn tin của Financial Times có liên quan. Công ty được đăng ký thành lập vào năm 2021. Trước đó, Bloomberg đã đưa tin về mối liên hệ giữa Huawei và SiCarrier.
SiCarrier giữ kín thông tin cho đến tháng 3 vừa qua, khi hãng công bố khoảng 30 thiết bị tại hội nghị Semicon ở Thượng Hải, gồm cả thiết bị khắc, kiểm tra và lắng đọng.
SiCarrier có một số công ty con, gồm cả Yuliangsheng - chuyên về công nghệ quang khắc và được chính quyền Thượng Hải hậu thuẫn. Yuliangsheng được dẫn dắt bởi các kỹ sư từng làm việc tại Huawei và đang phát triển một máy quang khắc cực tím sâu (DUV), theo Financial Times. Tuy nhiên, SiCarrier vẫn chưa công bố công khai các nỗ lực liên quan đến DUV.
“Mang đặc điểm điển hình của một nhà máy sản xuất chip”
Nhà máy thứ hai được vận hành bởi SwaySure, công ty cung cấp chip nhớ cho Huawei phục vụ trong ô tô và thiết bị điện tử tiêu dùng.
Huawei từ chối trả lời câu hỏi chi tiết liên quan đến các thông tin do Financial Times đăng tải, nhưng phát biểu rằng: “Việc gán ghép tất cả hoạt động liên quan đến bán dẫn ở Thâm Quyến cho Huawei là không đúng sự thật. Hơn nữa, SiCarrier, SwaySure, UEA, PXW và PST không có liên kết với Huawei”.
Cả SiCarrier và SwaySure đều không phản hồi câu hỏi từ Financial Times.
Nhà máy thứ ba là cơ sở do Huawei trực tiếp vận hành, nơi sẽ bao gồm các dây chuyền sản xuất chip cho smartphone và chip AI Ascend, cũng như công nghệ liên quan đến mảng kinh doanh ô tô tự hành của công ty, hai nguồn tin nói với Financial Times.
Cơ sở tự vận hành của Huawei vào tháng 4.2021, 2022 và 2025 - Ảnh: Planet Labs
Hãng phân tích SemiAnalysis cho biết phong cách kiến trúc của nhà máy này giống các xưởng sản xuất chip có liên kết với Huawei khác. Ngoài ra, cầu wafer nối giữa các tòa nhà ở phía bắc địa điểm này và hệ thống tiện ích xung quanh đều mang đặc điểm điển hình của một nhà máy sản xuất chip.
Việc xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành trong vài tháng tới, nhưng phải mất ít nhất một năm để bắt đầu vận hành, do Huawei đang cố gắng sử dụng phần lớn thiết bị sản xuất trong nước (vốn vẫn trong quá trình thử nghiệm), Financial Times cho biết.
Giúp đỡ đối thủ cạnh tranh
Nỗ lực tự sản xuất chip của Huawei bắt nguồn từ sự thất vọng trước sản lượng thấp từ đối tác sản xuất nội địa là SMIC. SMIC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu Trung Quốc.
Nhu cầu tăng công suất chế tạo chip Ascend trở nên cấp thiết hơn sau khi vào năm ngoái, Huawei bị phát hiện sử dụng một công ty bên thứ ba để tránh lệnh trừng phạt và nhờ TSMC sản xuất chip AI.
Nhiều đối tác và đối thủ, gồm cả SMIC và Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE), đã bị lôi kéo vào dự án để cung cấp chuyên môn kỹ thuật quan trọng cho Huawei.
Một người trong ngành cho biết: “Ảnh hưởng chính trị của Huawei khiến các công ty khác được cho sẽ hỗ trợ họ, dù điều đó đồng nghĩa giúp đỡ một đối thủ cạnh tranh”.
SMIC đã cử các đội ngũ kỹ sư hỗ trợ Huawei việc lắp đặt cơ sở vật chất. Trong khi đó, SMEE (nhà cung cấp thiết bị quang khắc hàng đầu Trung Quốc) cũng đang cung cấp sự hỗ trợ, dù trước đó bị Huawei thu hút nhiều nhân sự kỹ thuật, theo hai nguồn tin. Cả SMIC và đều không phản hồi khi Financial Times đề nghị bình luận.
Chính phủ Mỹ đã nhắm mục tiêu vào mạng lưới của Huawei. Tháng 12.2024, Mỹ đưa SiCarrier và SwaySure vào danh sách đen thương mại, cấm các công ty Mỹ bán công nghệ cho họ.
Chính phủ Mỹ cáo buộc rằng hai công ty này đang hỗ trợ Huawei phát triển công nghệ chip tiên tiến phục vụ cho hiện đại hóa quân đội.
Sơn Vân
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/huawei-bi-phat-hien-bi-mat-xay-de-che-chip-o-tham-quyen-giup-trung-quoc-giam-phu-thuoc-nuoc-ngoai-232226.html