Bùi Hữu Hiếu: Vị tướng xứ Thanh dưới thời Tây Sơn

Bùi Hữu Hiếu: Vị tướng xứ Thanh dưới thời Tây Sơn
16 giờ trướcBài gốc
Từ đường dòng họ Bùi Hữu ở Thăng Thọ (Nông Cống).
Vào khoảng nửa cuối thế kỷ 18, đất nước ta rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trước đó, việc tranh giành quyền lực, đấu đá giữa các thế lực phong kiến gây ra nội chiến triền miên, dân tình phiêu tán. Về sau, các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong ngày càng trở nên bạc nhược, ăn chơi, không còn chú trọng đến việc triều chính, để mặc quan lại ra sức vơ vét, xa hoa, khiến đời sống người dân thêm khốn khó. Những phong trào khởi nghĩa nổ ra khắp nơi. Đặc biệt ở Đàng Trong, sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát qua đời thì tình hình chính sự càng trở nên rối ren. Tuy Nguyễn Phúc Thuần nối nghiệp chúa Nguyễn song thực chất quyền lực rơi vào tay quyền thần Trương Phúc Loan.
Là người tham lam, sau khi thâu tóm quyền lực, Trương Phúc Loan ngày càng lộng hành. “Để làm giàu, Phúc Loan mặc sức vơ vét bóc lột của cải của dân chúng, sưu cao thuế nặng, nơi nơi đều oán thán. Người ta nói rằng vàng bạc tiền của Phúc Loan chất cao như núi, trong khi đó thì kho lẫm của chúa (Nguyễn) rỗng không. Trước sự bóc lột tàn bạo của Trương Phúc Loan nên vào năm Quý Tỵ (1773), ba anh em Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ nổi lên khởi nghĩa đưa quân chiếm thành Quy Nhơn” (sách Nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua). Từ đây, phong trào Tây Sơn nổ ra mạnh mẽ, nhanh chóng lan ra khiến cơ nghiệp các chúa Nguyễn dày công xây dựng đã bị sụp đổ.
Năm 1788, mượn danh nghĩa “phù Lê”, quân Thanh tiến vào nước ta mưu đồ xâm lược. Trong tình thế ấy, vua Quang Trung đã kéo đại quân ra Bắc để đại phá quân Thanh.
Quân chủ lực do vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ huy theo đường bộ tiến ra Bắc. Đến đất Nghệ An, Thanh Hóa thì dừng lại tuyển mộ thêm binh sĩ. Những cuộc tuyển quân của vua Quang Trung diễn ra rầm rộ, được nhiều người hưởng ứng. Đến nay, dân gian còn lưu truyền câu ca: “Anh đi theo chúa Tây Sơn/ Em về cày cuốc mà thương mẹ già”.
Sinh ra ở vùng quê nghèo, trong bối cảnh đất nước như vậy, là người có tài, Bùi Hữu Hiếu đã sớm xác định cho mình lập thân theo đường binh nghiệp. Ông cùng em trai là Bùi Hữu Thự nhanh chóng đứng trong hàng ngũ của đội quân áo vải Tây Sơn đánh giặc cứu nước.
Theo sách Danh nhân Thanh Hóa: “Bùi Hữu Hiếu vinh dự được tham chiến trong đạo quân chủ lực của vua Quang Trung và Phó tướng Đại đô đốc Vũ Văn Dũng chỉ huy tham gia công phá hệ thống phòng thủ phía Nam Thăng Long, bắt đầu là đánh chiếm đồn Ngọc Hồi... Vua Quang Trung cưỡi voi ra trận trực tiếp chỉ huy trận đánh. Trong đêm tối, quân Tây Sơn tràn qua đồn Bình Vọng, ào ạt xông tới Ngọc Hồi, đi đầu là 100 voi chiến hùng mạnh công phá”.
Sau khi khiến cho tướng trấn giữ đồn Ngọc Hồi sợ hãi, quân sĩ giẫm đạp lên nhau bỏ chạy vào đồn lũy cố thủ, dùng đại bác và hỏa khí bắn xuống để cản bước quân Tây Sơn. Không nao núng, vua Quang Trung lệnh chỉ huy voi chiến từ hai bên tả - hữu xông lên, theo sau là đội quân xung kích.
Bấy giờ, Bùi Hữu Hiếu dẫn đầu đội quân dũng sĩ cảm tử, mang theo vũ khí xông lên trước làn súng đạn của giặc, nhanh chóng làm chủ tình thế. Đội cảm tử dùng đoản đao và vũ khí phá tan cửa lũy, mở đường cho kỵ binh ào ạt tiến vào. Trận giao tranh ác liệt diễn ra, đồn Ngọc Hồi chìm trong khói lửa, quân Thanh tan tác bỏ chạy. Đà thắng tiến lên, toàn bộ phòng tuyến phía Nam Thăng Long nhanh chóng sụp đổ.
Làng Thượng Văn là quê hương của tướng quân Bùi Hữu Hiếu.
“Bùi Hữu Hiếu đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, đặc biệt là trong chiến trận Hạ Hồi, Ngọc Hồi. Đây là điểm khởi đầu tốt đẹp cho sự nghiệp binh đao của ông trong đội ngũ tướng lĩnh Tây Sơn. Sau trận chiến này, Bùi Hữu Hiếu được vua Quang Trung tin cậy, cất nhắc. Cũng trong các trận đánh này, Bùi Hữu Hiếu còn giành được sự khâm phục của Phó tướng Tây Sơn Vũ Văn Dũng. Từ đây hai ông đã trở thành đôi bạn chiến đấu thân thiết trên con đường phụng sự nhà Tây Sơn” (sách Danh nhân Thanh Hóa).
Theo sử sách và truyền ngôn, sau khi đại phá quân Thanh, vua Quang Trung cử sứ đoàn sang nhà Thanh đặt vấn đề “xin” đất Lưỡng Quảng (được cho là hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây). Trong đoàn sứ, có tướng quân Bùi Hữu Hiếu. Tuy nhiên, khi đoàn sứ thần đang ở đất nhà Thanh thì nhận được hung tin vua Quang Trung đột ngột qua đời, buộc phải nhanh chóng về chịu tang.
Sau khi vua Quang Trung qua đời, Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi (vua Cảnh Thịnh). Tuy nhiên, lợi dụng vua còn nhỏ tuổi, người cậu ruột là Thái sư Bùi Đắc Tuyên mưu đồ chiếm quyền, thẳng tay triệt hạ những người chống đối, ngay cả các đại công thần cũng bị ông ta lập mưu hãm hại. Trước tình thế ấy, Bùi Hữu Hiếu đã cùng với Vũ Văn Dũng và một số tướng hợp lực để tiêu diệt kẻ tham quyền Bùi Đắc Tuyên và phe cánh, góp phần ổn định việc triều chính trong tình thế hỗn loạn. Có tài liệu cho rằng, dưới thời vua Cảnh Thịnh, Bùi Hữu Hiếu đã được phong chức Đại đô đốc?!
Tuy nhiên, sau khi vua Quang Trung qua đời, cuộc chiến với quân Nguyễn Ánh cũng trở nên ác liệt hơn. Sau những trận quyết chiến, quân Nguyễn Ánh nhanh chóng làm chủ tình thế, lần lượt chiếm các thành trì quan trọng. Đỉnh điểm là kinh thành Phú Xuân thất thủ. Tuy vậy, các tướng nhà Tây Sơn bấy giờ như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Vũ Văn Dũng, Bùi Hữu Hiếu... vẫn kiên cường chỉ huy quân chống đỡ. Nhưng sau đó, vua Cảnh Thịnh sợ hãi rút chạy khiến về sau thất bại.
Khi quân Nguyễn chiếm được Thanh Hóa, chặn các đường rút chạy của quân Tây Sơn ra phía Bắc. Hai tướng Vũ Văn Dũng và Bùi Hữu Hiếu phải rút về Nông Cống để ẩn mình. Tuy vậy, vì không muốn liên lụy dân làng, về sau Vũ Văn Dũng đã tự nộp mình cho quân Nguyễn. Từ đây, tướng quân Bùi Hữu Hiếu cũng chấp nhận sống cuộc đời mai danh ẩn tích nơi quê nhà.
“Mười ba năm đi theo phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn và chiến đấu, Bùi Hữu Hiếu đã lập nhiều chiến công, đóng góp đáng kể cho triều đại Tây Sơn. Từ một chàng thanh niên nông thôn bình thường nơi thôn dã, Bùi Hữu Hiếu phấn đấu trở thành một trong số võ quan cao cấp nhất, một trong những trụ cột của vương triều nhà Tây Sơn...” (sách Danh nhân Thanh Hóa).
Về làng Thượng Văn, xã Thăng Thọ, ghé thăm Di tích lịch sử từ đường và lăng mộ họ Bùi Hữu, chúng tôi gặp bác Bùi Hữu Thục, con cháu dòng họ Bùi Hữu. Bác Bùi Hữu Thục cho biết: “Họ Bùi Hữu từ cụ Bùi Hữu Doãn (Bùi Thượng công) đầu thế kỷ 17 đã đến đất Thượng Văn, khai hoang đất đai, lập nên xóm làng. Về sau, nối nghiệp tiền nhân, con cháu dòng họ Bùi đã không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương đất nước, làm rạng danh dòng họ. Trong đó, cụ Bùi Hữu Hiếu là nhân vật lịch sử được sử sách và hậu sinh nhắc nhớ. Theo “bước ngoặt” lịch sử nên cuộc đời cụ nhiều thăng trầm, song không vì thế mà tài năng, công trạng của cụ phai mờ. Con cháu trong dòng họ vẫn nhắc đến cụ và các bậc tiền nhân với niềm tự hào, biết ơn...”.
Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách: Danh nhân Thanh Hóa; Nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua; và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/bui-huu-hieu-vi-tuong-xu-thanh-duoi-thoi-tay-son-34701.htm