Bùng nổ xe điện, lo sạc pin khó đáp ứng

Bùng nổ xe điện, lo sạc pin khó đáp ứng
13 giờ trướcBài gốc
Tài xế xe dịch vụ sử dụng trạm sạc tại phường An Nhơn, TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Nhộn nhịp xe điện
Báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 6 tháng đầu năm nay, doanh số xe điện cộng dồn của các hãng (Ford, Toyota, Honda, Suzuki…) và một số đơn vị nhập khẩu không thuộc VAMA đạt 226.500 chiếc, tăng tới 70,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong khi đó, VinFast đã cho lăn bánh 67.569 chiếc ô tô điện trong 6 tháng qua, chiếm khoảng 30% tỷ trọng thị phần toàn thị trường. Với BYD, hãng xe điện lớn nhất của Trung Quốc, sau gần 1 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, đã phân phối tổng cộng 6 mẫu xe thuần điện. Thị trường ô tô điện Việt Nam đang phát triển mạnh với hàng chục ngàn chiếc xuất xưởng mỗi năm, ở thời điểm hiện tại có khoảng 300.000 chiếc lăn bánh trên đường của các hãng BYD, TMT, Huyndai, Wuling, VinFast…
Với xe máy điện, các hãng đang chiếm lĩnh thị trường là VinFast, Dat Bike, Selex Motors. Chỉ trong thời gian ngắn tham gia thị trường, xe máy điện đã có gần 3,5 triệu chiếc lưu thông trên đường. Các hãng xe máy điện đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu thị trường, chẳng hạn Selex phát triển mạnh hệ thống trạm đổi pin tự động để khách hàng thuận tiện di chuyển mà không cần lo lắng cạn pin dọc đường. Còn Dat Bike chú trọng pin đáp ứng vận tốc đạt 100km/giờ, mỗi lần sạc đầy pin có thể di chuyển gần 300km.
Tại Việt Nam, hạ tầng trạm sạc xe điện đang được phát triển mạnh, với đa dạng cách sử dụng. VinFast đã bố trí hơn 150.000 trụ sạc tại các trạm dừng nghỉ, trung tâm thương mại, khu đô thị và các điểm sạc công cộng ở các đô thị lớn. Nhóm khác là trạm sạc tại đại lý và bán sạc tại nhà cho khách hàng sở hữu xe, như: trạm sạc công cộng EV One, EverCharge; sạc tại nhà có EverEV, GreenCharge, Star Charge, Autel.
Trạm sạc chưa đáp ứng nhu cầu
Qua ghi nhận, hạ tầng sạc cho xe điện chưa đáp ứng đủ nhu cầu tại các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội. Hiện nay, số lượng trạm sạc pin công cộng tại TPHCM chủ yếu tập trung ở các khu đô thị mới, trung tâm thương mại lớn hoặc các điểm dịch vụ của hãng xe. Người sử dụng xe điện, nhất là ô tô điện, thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm điểm sạc thuận tiện.
Một gian hàng trưng bày xe máy điện tại Triển lãm quốc tế Vietbuild 2025, vừa diễn ra tại Công viên phần mềm Quang Trung, TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Có nhiều nguyên nhân khiến việc phát triển trạm sạc còn hạn chế tại Việt Nam. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc điều hành Công ty phát triển trạm sạc Ever EV, cho rằng, các nhà phát triển trạm sạc xe điện gặp một số vấn đề như hạ tầng điện không đáp ứng, đơn vị cung cấp điện chưa tạo thuận lợi. Hiện tại đơn vị phát triển trạm sạc không được nhà nước hỗ trợ tài chính, đều phải tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư khá khó khăn.
Bà Nguyễn Hà Ly, Giám đốc truyền thông BYD Việt Nam, chia sẻ, BYD cũng gặp phải một số trở ngại trong quá trình phát triển hạ tầng sạc. Cụ thể, việc tìm được quỹ đất phù hợp để triển khai các trạm sạc nhanh công cộng tại các thành phố lớn không phải dễ. Quy trình phê duyệt và pháp lý cho đầu tư hệ thống trạm sạc còn phức tạp, đặc biệt là các yêu cầu liên quan đến phòng cháy chữa cháy và đấu nối điện lưới. “Thị trường đang định hình, do đó cần sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp, nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ sạc”, bà Ly nhận xét.
Trong khi đó, về các rủi ro an toàn hệ thống điện, nguy cơ cháy nổ khi sạc xe điện trong chung cư, theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM, mặc dù công suất sạc của một chiếc xe điện như xe đạp, xe máy điện không quá lớn (ngoại trừ ô tô điện có công suất sạc lớn), song nếu có nhiều xe cùng sạc nhưng hệ thống điện không đảm bảo an toàn, hay sử dụng các thiết bị sạc, pin kém chất lượng… cũng tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ, không chỉ trong chung cư mà ngay trong nhà dân.
Nguyên nhân là thị trường hiện nay có nhiều bộ sạc trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ dẫn đến thiết bị hư hỏng, cháy trong quá trình sử dụng. Thêm nữa, do sự phát triển bùng nổ của xe điện, không ít xe cũng đã sử dụng nhiều năm nên phát sinh các vấn đề về chất lượng pin. Đặc biệt là thói quen sạc xe qua đêm dẫn đến các rủi ro cháy nổ khó được phát hiện, xử lý kịp thời.
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM): Sử dụng thiết bị sạc xe điện phải bảo đảm quy chuẩn quốc gia
Điều 24 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 quy định về phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất. Theo đó, trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt phải đảm bảo các điều kiện về phòng cháy. Cụ thể, đơn vị bán lẻ điện khi đấu nối điện sinh hoạt phải tư vấn việc lắp đặt, sử dụng đối với hệ thống, thiết bị điện để bảo đảm an toàn về phòng cháy.
Chỉ được sử dụng thiết bị sạc điện cho xe động cơ điện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà phải có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy; khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà còn phải có giải pháp ngăn cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, theo điểm a, Khoản 4, Điều 12 Nghị định 106/2025/NĐ-CP, hành vi không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.
ĐỨC TRUNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/bung-no-xe-dien-lo-sac-pin-kho-dap-ung-post804647.html