Bước đi lịch sử kiến tạo thể chế phù hợp yêu cầu phát triển

Bước đi lịch sử kiến tạo thể chế phù hợp yêu cầu phát triển
8 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình NGUYỄN THỊ CẨM PHƯƠNG: Dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao
Phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần sâu sát thực tiễn, trí tuệ và tâm huyết, góp phần làm rõ nhiều vấn đề cốt lõi liên quan đến việc sửa đổi một đạo luật gốc, nền tảng của hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước.
Sau hơn 10 năm thực thi, Hiến pháp năm 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm chủ quyền của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều yêu cầu mới, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp là yêu cầu tất yếu nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương mới của Đảng, nhất là sau Đại hội XIII và phù hợp với thực tiễn đời sống chính trị - pháp lý hiện nay.
Tôi đặc biệt quan tâm đến những nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương, cơ chế kiểm soát quyền lực, phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường sự giám sát của Trung ương đối với các hoạt động của địa phương. Những nội dung này được nghiên cứu kỹ lưỡng, điều chỉnh hợp lý sẽ giúp bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện phát triển đồng đều giữa các vùng, miền.
Tôi đồng tình với quan điểm của một số đại biểu về việc giữ nguyên hoạt động chất vấn để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trước Nhân dân.
Tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng tinh thần của dự thảo Nghị quyết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, triển khai, tham gia góp ý nghiêm túc, thực chất vào quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa LÊ TIẾN LAM: Thể hiện tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật
Theo dõi toàn bộ phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), tôi đánh giá rất cao tinh thần, trách nhiệm và các ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm quyết, bám sát thực tiễn của các đại biểu Quốc hội. Tôi cho rằng, các ý kiến của đại biểu Quốc hội là cơ sở quan trọng bổ sung, chỉnh lý để Hiến pháp, pháp luật khi ban hành, áp dụng trong thực tiễn đạt được hiệu quả cao nhất.
Trước tiên, tôi hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Bởi, đây là khởi đầu quan trọng, tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu cải cách thể chế và nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia. Dự thảo Nghị quyết đã thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó tập trung vào các quy định về MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đang được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, được tổ chức quán triệt, triển khai trong cả hệ thống chính trị và lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân. Tôi cho rằng, cách làm này đang tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cử tri và Nhân dân đối với những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung lần này.
Tôi cũng đồng tình với băn khoăn của một số ĐBQH về việc có nên lược bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với “Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân”.
Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố Cần Thơ NGUYỄN XUÂN HẢI: Quyết tâm cao trong đổi mới thể chế
Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV là một kỳ họp lịch sử với khối lượng công việc rất lớn và những quyết sách đột phá, định hướng cho tương lai phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Những ngày qua, Quốc hội đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt, là trong các lĩnh vực lập hiến, lập pháp, giám sát.
Một trong những nội dung nổi bật nhất trong những ngày làm việc vừa qua của kỳ họp này là việc Quốc hội đã chính thức quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là bước đi mang tính chiến lược, nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, tạo nền tảng pháp lý cho các cải cách thể chế sâu rộng. Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với đề xuất sử dụng cả hình thức truyền thống và hiện đại (qua ứng dụng VNeID) thể hiện đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, đảm bảo tính dân chủ và minh bạch, khẩn trương nhưng thận trọng.
Tôi đồng tình với việc Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp tại kỳ họp lần này. Trong bối cảnh phát triển mới của đất nước - trong đó có chuyển đổi số, cải cách hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước - đòi hỏi Hiến pháp cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An HOÀNG THỊ THU TRANG: Nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc trong kỷ nguyên vươn mình
Tôi hoàn toàn đồng thuận với chủ trương và nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, đồng thời đánh giá cao quá trình tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thận trọng, bài bản của Quốc hội, các cơ quan chuyên môn và các địa phương. Việc tổ chức thảo luận cả tại tổ và hội trường, đặc biệt được truyền hình, phát thanh trực tiếp, thể hiện tính công khai, minh bạch, lắng nghe và cầu thị trong quá trình lập hiến - điều rất cần thiết trong bối cảnh toàn dân đang quan tâm theo dõi.
Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội được truyền hình trực tiếp, tôi ấn tượng với tinh thần làm việc của các đại biểu Quốc hội. Không khí thảo luận dân chủ, cởi mở, các ý kiến đưa ra thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng, am hiểu sâu sắc và trách nhiệm cao với cử tri cả nước, đặc biệt đều tập trung vào các nhóm nội dung lớn, như: Khẳng định tính cấp thiết của việc sửa đổi Hiến pháp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; làm rõ vị trí, vai trò, chức năng của các thiết chế trong bộ máy nhà nước, nhất là xác lập rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị; quyền chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh; bộ máy chính quyền địa phương; điều khoản chuyển tiếp để xử lý các vấn đề trong giai đoạn sắp xếp hệ thống chính trị…
Đa số ý kiến cho rằng, các nội dung sửa đổi lần này mang tính kế thừa, phát triển và hoàn thiện. Đặc biệt, dự thảo đã phản ánh rõ yêu cầu đổi mới tư duy lập hiến, hướng tới tinh gọn tổ chức bộ máy nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước… Cùng với đó, nhiều đại biểu tham gia phát biểu tại hội trường cũng đã phân tích sâu về mối quan hệ giữa Hiến pháp - luật - văn bản dưới luật, đề xuất cần có kế hoạch rà soát hệ thống pháp luật đồng bộ với Hiến pháp sửa đổi.
Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành được tổ chức bài bản, chặt chẽ và linh hoạt. Chủ tọa điều phối nhịp nhàng giữa các ý kiến, bảo đảm thời gian, nội dung, không khí dân chủ, đúng định hướng lập hiến… tạo điều kiện cho nhiều đại biểu phát biểu, phản ánh đầy đủ tiếng nói từ trung ương đến địa phương; phân bổ thời gian hợp lý cho các nhóm nội dung lớn.
Từ góc độ người thực thi pháp luật tại địa phương, tôi thấy rằng: Những sửa đổi lần này là bước đi lịch sử mang tính kiến tạo thể chế phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước; là nội dung rất quan trọng trong cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đúng như chủ trương của Đảng, nguyện vọng của Nhân dân… Tin tưởng, với tinh thần đổi mới, quyết liệt và sự đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân, bản Hiến pháp sau sửa đổi sẽ là nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc cho quá trình phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.
TRẦN TÂM - ĐÀO CẢNH - VŨ CHÂU - DIỆP ANH
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/buoc-di-lich-su-kien-tao-the-che-phu-hop-yeu-cau-phat-trien-10372445.html