Bước đột phá trong quan hệ liên minh thực chất Nga - Iran

Bước đột phá trong quan hệ liên minh thực chất Nga - Iran
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 21-5, Quốc hội Iran đã phê chuẩn Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Nga, đánh dấu một bước chuyển mới trong mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Mátxcơva và Tehran.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Mátxcơva (Nga). Ảnh: Getty
Tháng 4 vừa qua, sau khi Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Iran. Hiệp ước này được Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Masoud Pezeshkian ký vào ngày 17-1 tại Mátxcơva, có hiệu lực trong 20 năm.
Theo đó, cùng với hợp tác kinh tế, thương mại, Nga và Iran sẽ tiến hành tập trận quân sự chung. Hai nước cũng nhất trí hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và không tham gia các lệnh trừng phạt mà các nước thứ ba áp đặt...
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, hiệp ước là "một bước đột phá thực sự", tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định, bền vững của Nga, Iran và toàn bộ khu vực.
Về phần mình, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian khẳng định, hiệp ước là “một chương mới” trong quan hệ song phương, tạo "nền tảng vững chắc” để thúc đẩy hợp tác, đóng góp tích cực vào sự ổn định của khu vực.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Iran được thúc đẩy trong bối cảnh phương Tây gia tăng sức ép đối với cả Mátxcơva và Tehran cũng như các biến động địa chính trị ở Trung Đông và Đông Âu.
Một trong những trụ cột chính của quan hệ đối tác này là Hành lang vận tải Bắc - Nam. Đây là dự án cơ sở hạ tầng quan trọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa Iran, Nga và các đối tác. Khoản đầu tư chiến lược vào mạng lưới giao thông này cho thấy ý định của Mátxcơva và Tehran trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại, chống lại một cách hiệu quả các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo giới phân tích, lĩnh vực năng lượng là cốt lõi của quan hệ đối tác Iran - Nga. Để đối phó với lệnh trừng phạt từ phương Tây, cả hai quốc gia đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp để củng cố ngành năng lượng của mình.
Cùng với hoạt động hỗ trợ thăm dò và xây dựng cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp Nga dự kiến sẽ đầu tư mạnh vào ngành năng lượng của Iran. Điều này sẽ giúp hiện đại hóa và mở rộng năng lực của Tehran.
Giới chức Iran bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của các khoản đầu tư này, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao ở châu Á.
Ngoài dầu khí, hai quốc gia tăng cường hợp tác để đa dạng hóa nền kinh tế thông qua sự hội nhập sâu rộng trong Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU). Vị trí chiến lược của Iran khiến nước này trở thành tuyến đường trung chuyển hàng hóa giữa châu Âu, Trung Á và tới cả Trung Quốc, Ấn Độ.
Hợp tác quân sự là điểm nổi bật trong quan hệ giữa Nga và Iran khi cả hai nước trở thành nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của nhau, đặc biệt là với các công nghệ quân sự tiên tiến, như máy bay không người lái.
Iran đã đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bằng việc cung cấp máy bay không người lái Shahed. Đổi lại, Tehran có thể sớm nhận được các thiết bị quân sự tiên tiến của Nga, gồm hệ thống phòng không S-300 và S-400, máy bay chiến đấu hiện đại... Đây là những thiết bị mà từ lâu nay Iran không còn sở hữu.
Với tiềm lực như vậy, Iran đã định vị mình là một cường quốc khu vực có khả năng đối đầu với các mối đe dọa ở Trung Đông và cả những mối đe dọa từ các cuộc can thiệp quân sự do phương Tây gây ra.
Việc củng cố quan hệ đối tác quân sự giữa Iran và Nga sẽ thúc đẩy các nỗ lực chống khủng bố chung, bảo đảm ổn định trong khu vực. Điều này đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm an ninh của cả hai quốc gia và khả năng gây ảnh hưởng địa chính trị của hai bên đối với khu vực Trung Đông. Với vai trò ngoại giao của Nga, khi tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Iran, các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra giữa Mỹ và Cộng hòa Hồi giáo Iran có thể mang tới một thỏa thuận tiềm năng.
Như vậy có thể nhận định, thông qua Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, Iran và Nga đang xích lại gần nhau không chỉ về hình thức mà còn về thực chất.
(Theo Nation, United24media, The Moscow Times, TASS)
Thùy Dương
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/buoc-dot-pha-trong-quan-he-lien-minh-thuc-chat-nga-iran-703331.html