Bước ra khỏi chiếc kén - Hành trình tìm chính mình của nữ sinh trường Chuyên

Bước ra khỏi chiếc kén - Hành trình tìm chính mình của nữ sinh trường Chuyên
5 giờ trướcBài gốc
Vũ Thị Quỳnh Trang là cựu học sinh lớp Chuyên Anh - Trường THPT Chuyên Biên Hòa (Hà Nam). Môi trường cấp ba đã đem đến nhiều cơ hội học tập và phát triển để tạo nên phiên bản Quỳnh Trang của hiện tại - một sinh viên năm nhất ngành Truyền thông quốc tế tại Học viện Ngoại giao.
Quỳnh Trang dưới mái trường THPT Chuyên Biên Hòa.
Chiếc kén hé mở
Nếu gặp mình ở năm đầu cấp ba, nhiều người sẽ chỉ nhớ đến một cô học trò nhút nhát, học lực trung bình và gần như chẳng bao giờ phát biểu trong lớp. Mình của ngày ấy sống khép kín, ngại giao tiếp, chỉ biết an toàn với những gì quen thuộc. Nhưng cũng chính vì vậy, mình luôn cảm thấy thiếu một điều gì đó - như thể có một phiên bản khác của mình đang bị mắc kẹt, đang chờ được đánh thức.
Bước ngoặt đến vào năm lớp 11. Lần đầu tiên, mình quyết định thử sức với các hoạt động ngoại khóa. Mình đã tham gia hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc tại trường và đạt được danh hiệu “Best Delegate - Đại biểu xuất sắc nhất”. Đối với mình, đây không đơn thuần là thành tích mà còn là lời nhắc nhở mình đang đi đúng trên con đường tìm chính mình. Bên cạnh đó, bằng nỗ lực không ngừng, mình gặt hái nhiều thành tựu trong học tập với giải Nhì môn tiếng Anh trong cuộc thi Học sinh giỏi cấp tỉnh, 7.5 IELTS và 3 kỳ học bổng của trường.
Quỳnh Trang và cô giáo chủ nhiệm cấp ba.
Dấn thân và trưởng thành từ sân khấu lớn
Một trong những dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành của mình chính là việc tham gia Ban Tổ chức Chương trình “Dive into the Chiliad - Triển lãm Hòa nhạc Tuổi thơ Chuyên Biên Hòa 2023” với vai trò Trưởng ban Sân khấu. Sự kiện với quy mô lớn gồm 800 người tham gia là phép thử thực sự cho khả năng tổ chức, kết nối và chịu trách nhiệm của mình. Mình đã rút ra nhiều bài học không thể tìm thấy ở sách vở: cách làm việc nhóm hiệu quả, kỹ năng xử lý tình huống, và quan trọng hơn hết - sự tự tin. Mình nhận ra rằng, nếu không dám thử, mình sẽ không bao giờ biết được giới hạn của bản thân ở đâu. Kể cả khi thất bại, thì đó cũng là bài học đáng giá.
Tiết mục biểu diễn do Quỳnh Trang trực tiếp dàn dựng.
Đại học và hành trình tìm lại "ngôi nhà"
Bước vào đại học - một môi trường hoàn toàn mới, không người thân quen, không điểm tựa cũ - mình từng thấy lạc lõng. Nhưng thay vì co lại, mình quyết định tiếp tục chủ động bước ra khỏi vùng an toàn như những gì đã học được từ thời phổ thông.
Và rồi, mình đã tìm thấy “ngôi nhà” của mình: Hội Sinh viên Học viện Ngoại giao. Tại đây, mình được tham gia các hoạt động ý nghĩa với vai trò thành viên Ban Tổ chức, như Chương trình Tư vấn Tuyển sinh Học viện Ngoại giao 2025, DAV Career Day - Ngày hội Việc làm Học viện Ngoại giao 2025, Cuộc thi Tìm hiểu về Tư tưởng Hồ Chí Minh Học viện Ngoại giao năm 2025 - “Ngoại giao vươn mình trong kỉ nguyên số”…. Mỗi trải nghiệm giúp mình rèn luyện thêm kỹ năng văn phòng, tổ chức, sáng tạo nội dung, và đặc biệt là các kỹ năng mềm mà môi trường học đường khó có thể đào tạo bài bản. Với mình, điều quý giá nhất mình có được không phải là danh hiệu hay chứng nhận, mà là những người bạn - những mối quan hệ tin cậy, sẵn sàng chia sẻ và đồng hành trên hành trình trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân.
Hội Sinh viên Học viện Ngoại giao tại Đêm Chung kết Cuộc thi Tìm hiểu về Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vượt khỏi vùng an toàn: Đừng đợi sẵn sàng mới bắt đầu
Hành trình của mình không có phép màu. Nó bắt đầu từ một quyết định nhỏ: thử bước ra khỏi cái kén an toàn. Để rồi từng chút một, mình được tiếp thêm niềm tin, kỹ năng, kinh nghiệm và cả những người bạn đồng hành. Bài học lớn nhất mà mình rút ra: đừng chờ đến khi cảm thấy “đủ sẵn sàng”. Chính việc dám thử, dám vấp ngã và dám sửa sai mới là nền tảng để mình trưởng thành.
Quỳnh Trang và các bạn thực tập sinh Báo Tiền Phong tại sự kiện Tư vấn Tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).
Cũng trên tinh thần ấy, mình đã mạnh dạn ứng tuyển và may mắn trở thành một trong những thực tập sinh của Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam và Hoa Học Trò, trực thuộc Báo Tiền Phong. Đây là một cơ hội vô giá để mình bước chân vào môi trường làm báo chuyên nghiệp - nơi mỗi câu chuyện mình viết ra đều có thể chạm đến bạn đọc trẻ, lan tỏa thông điệp tích cực và khơi nguồn cảm hứng. Mình tin rằng hành trình vượt qua vùng an toàn chưa bao giờ dừng lại. Mỗi giai đoạn, chiếc “kén” ấy lại thay hình đổi dạng và mình sẽ tiếp tục sẵn sàng để bước ra, để trưởng thành hơn nữa.
(Ảnh: NVCC)
Tú Chân (Ghi)
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/buoc-ra-khoi-chiec-ken-hanh-trinh-tim-chinh-minh-cua-nu-sinh-truong-chuyen-post1758212.tpo