Tai nạn khiến Nguyễn Tuấn Anh từ chàng trai năng động, đầy hoài bão trở thành người khuyết tật. Tuy nhiên, anh không suy nghĩ tiêu cực, thậm chí còn thấy may mắn vì vẫn còn cơ hội sống “cuộc đời thứ hai”. Anh viết tiếp ước mơ và trở thành người truyền cảm hứng sống tích cực cho cộng đồng.
Bước ngoặt cuộc đời
Đã 12 năm trôi qua nhưng Nguyễn Tuấn Anh, chàng trai sinh năm 1989 quê ở tỉnh Bình Định, nay là tỉnh Gia Lai, vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh khiến anh phải ngồi xe lăn suốt thời gian còn lại của cuộc đời. Đó là một tai nạn kinh hoàng. “Năm 2013, khi em đang là sinh viên năm cuối Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, em bị tai nạn trên đường đến trường. Hôm đó, lúc em ra khỏi nhà trọ, trời vẫn còn nắng. Di chuyển được một đoạn thì trời nổi cơn giông và mưa đá, một nhành cây bất ngờ gãy, rơi trúng người em”, Tuấn Anh kể.
Tai nạn gây tổn thương nghiêm trọng các đốt T11, T12 của cột sống, dập tủy, gãy 4 xương sườn và tràn dịch màng phổi.
Tuấn Anh (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng những người bạn tại vườn lan của gia đình
Được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Trung ương Huế, Tuấn Anh vượt qua “cửa tử”. Tuy nhiên, ngay từ khi còn nằm trên giường bệnh, anh đã biết mình liệt hoàn toàn hai chi dưới, mất khả năng đi lại.
“Em học chuyên ngành sinh học nên khi nằm trong phòng cấp cứu, xem hình ảnh chụp cột sống bị gãy, em đã dự đoán được tình trạng của mình và biết rằng sẽ trở thành gánh nặng của gia đình”, Tuấn Anh chia sẻ.
Sau tai nạn, cuộc sống của Tuấn Anh gắn liền với chiếc xe lăn. Trong thời gian đầu, ngay cả sinh hoạt cá nhân, anh còn phải nhờ người thân trợ giúp. Phải trải qua quá trình tập luyện, anh mới từng bước tự chủ cuộc sống của mình.
Thấy mình còn may mắn
Từ một chàng trai năng động trở thành người khuyết tật khiến Tuấn Anh có lúc buồn. Tuy nhiên, tâm trạng đó chỉ thoảng qua.
Buồn lo cho bản thân thì ít mà thương cha mẹ nhiều hơn nên anh còn chủ động động viên, an ủi cha mẹ. “Em biết cha mẹ cũng buồn, nhất là mẹ - người chăm sóc chính cho em trong giai đoạn đầu. Em động viên mẹ là chuyện đã xảy ra rồi, buồn cũng không thay đổi được gì. Em còn thấy may mắn vì người bị tai nạn là em, chứ nếu đánh đổi là người thân bị tai nạn như vậy, em không biết phải động viên an ủi như thế nào”, Tuấn Anh chia sẻ.
Cùng với những người bạn, Tuấn Anh lan tỏa lối sống tích cực tới cộng đồng.
Thời gian đầu, Tuấn Anh xin cha mẹ dành hai năm để tập trung hoàn toàn vào việc phục hồi chức năng. Sau đó, để có thu nhập, anh sử dụng kiến thức đã học áp dụng vào thực tiễn bằng cách tạo dựng một vườn lan tại gia đình.
“Em học chuyên ngành công nghệ sinh học, dù nhận bằng giỏi nhưng em biết với tình trạng khuyết tật của mình thì không dễ xin việc nên đã nghiên cứu, đầu tư một vườn lan. Em lo về cây giống, phân bón, còn ba mẹ lo việc tưới, chăm sóc. Vườn lan có vài trăm chậu, giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/chậu. Tiền thu được từ vườn lan đủ để em trang trải cho cuộc sống”, Tuấn Anh tự hào.
Không dừng lại ở đó, năm 2018, Tuấn Anh cùng với một số anh chị trong cùng cộng đồng sáng lập Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Việt Nam. Là Phó chủ nhiệm, anh được giao phụ trách quỹ thuốc, đồng thời hỗ trợ hội viên tại các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Ninh Thuận (cũ)
Tại đây, đồng cảm với những người không may mất đi khả năng vận động nên ngoài việc tiếp cận, hỗ trợ thuốc, tư vấn cách tự chăm sóc, Tuấn Anh còn chia sẻ về tai nạn xảy đến với mình và hành trình trở lại cuộc sống bình thường.
Cứ như vậy, 7 năm qua, anh không nhớ đã mang kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời tiếp thêm niềm tin, sự lạc quan cho bao nhiêu người bị chấn thương cột sống. Chị Tuyết Nhung, ở tỉnh Khánh Hòa và anh Đoàn Ngọc Chiến, ở tỉnh Hà Tĩnh là hai trong số đó.
“Em biết Tuấn Anh khi tham gia Câu lạc bộ Chấn thương cột sốt Việt Nam và được bạn ấy gửi thuốc, chia sẻ kinh nghiệm điều trị vết thương. Nhờ có bạn ấy tư vấn nên em tránh được tình trạng loét do tì đè. Tiếp xúc với bạn ấy, em như được tiếp thêm nghị lực để vượt qua chính mình nhờ tinh thần lạc quan và nghị lực toát ra từ bạn ấy”, chị Nhung chia sẻ.
“Sau tai nạn, em phải ngồi xe lăn và bị loét phần dưới do ngồi nhiều. Em được Tuấn Anh gửi thuốc và tư vấn cách điều trị vết thương nên đỡ nhiều. Em ngưỡng mộ bạn ấy về cách bạn ấy sống và sự nỗ lực vươn lên không ngừng”, anh Chiến chia sẻ.
Hiện thực những ước mơ
Ngồi xe lăn, đi lại khó khăn nhưng Tuấn Anh vẫn không ngừng ước mơ chinh phục chân trời tri thức. Vượt qua rất nhiều ứng viên, anh ứng tuyển và được Chính phủ Úc trao tặng một suất học bổng đào tạo thạc sỹ, chuyên ngành Khuyết tật, Thực hành và lãnh đạo.
“Em thấy các chính sách và cơ sở hạ tầng dành cho người khuyết tật ở Việt Nam dù đã được cải thiện nhưng còn nhiều bất cập. Em muốn đi du học để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người khuyết tật ở Úc - một quốc gia nổi tiếng về sự tiếp cận, hòa nhập và tôn trọng sự khác biệt và trở về đóng góp vào việc hoàn hiện các chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật tại nước ta”, Tuấn Anh chia sẻ.
Hiện tại, Tuấn Anh đang làm việc cho Công ty Cổ phần Nghị lực sống tại Hà Nội.
Tuấn Anh cho biết, hiện đang ưu tiên thời gian và công sức vào việc kết nối giữa các nhà tuyển dụng và nhu cầu tìm việc làm của người khuyết tật. Theo anh, tại Việt Nam, do còn nhiều rào cản nên tỉ lệ người khuyết tật có việc làm phù hợp với sức khỏe hiện rất thấp. Trong khi đó, việc làm là yếu tố quan trọng, giúp người khuyết tật có thể sống độc lập, tự tin hòa nhập cộng đồng.
“Em đã lên kế hoạch với những dự định cụ thể trước khi từ Úc trở về. Em ưu tiên hỗ trợ tìm việc làm cho người khuyết tật vì xuất phát từ bản thân, sau khi bị tai nạn, dù tốt nghiệp bằng giỏi nhưng vẫn khó xin việc làm”, Tuấn Anh chia sẻ.
Từ câu chuyện của chàng trai Nguyễn Tuấn Anh có thể nói rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả mà luôn tồn tại rủi ro, kèm theo thử thách. Và nếu chẳng may gặp biến cố, xin đừng bao giơ từ bỏ ước mơ. Vì ước mơ chính là ý nghĩa thật sự của cuộc sống, là yếu tố tạo nên sức mạnh phi thường giúp con người vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.
Nho Trung/VOV2