Bước ra khỏi vùng an toàn

Bước ra khỏi vùng an toàn
8 giờ trướcBài gốc
Học từ thất bại
Sinh ra ở vùng quê cát trắng Trà Đỏa, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), tình yêu đối với nghiên cứu khoa học nhen nhóm trong cô từ những thắc mắc không ngừng về các hiện tượng tự nhiên, về thế giới quanh mình.
Hết cấp 3, Trang chọn học Công nghệ Sinh học tại trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Cũng trong thời gian này, Thùy Trang sáng lập và chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Anh khoa Khoa học Sinh học tại trường.
Dự án khoa học đầu tiên của Trang là nghiên cứu về enzyme vi khuẩn để làm sạch lông yến - công việc thường ngày của ba mẹ, với hy vọng giúp đỡ ba mẹ đỡ vất vả. Dù không thành công, nhưng đây cũng chính là bước ngoặt trong hành trình theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học của Trang. Từ đó, em tiếp tục thực hiện 4 dự án khác nhau và càng cảm thấy mình “thuộc về” thế giới nghiên cứu.
Kiên trì với đam mê, Thùy Trang liên tục gặt hái được những thành tựu ban đầu. Đó là Học bổng toàn phần trao đổi học sinh ERASMUS+ tại Hungary (2019); Giải nhất cuộc thi Ý tưởng nghiên cứu khoa học tại trường ĐH Nông Lâm TPHCM (2020); Học bổng khuyến khích học tập trường ĐH Nông Lâm TPHCM (2022); Học bổng thực tập tại Nhật của Chính phủ Nhật (2021); Học bổng trường hè khoa học Việt Nam tại Quy Nhơn (2021); Học bổng toàn phần thực tập nghiên cứu ở Đài Loan (2022); Giải thưởng Nữ khoa học xuất sắc trong lĩnh vực Vi sinh (2022).
Trần Thùy Trang nữ nghiên cứu sinh đang theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học tại Mỹ.
Trang nói, suốt hành trình này, em luôn bước ra khỏi vùng an toàn để thử thách chính mình.
Trang chia sẻ, để giành được học bổng tiến sĩ tại Mỹ, cần xây dựng một bộ hồ sơ toàn diện gồm chứng chỉ tiếng Anh, kinh nghiệm nghiên cứu, điểm trung bình đại học, các giải thưởng học thuật và hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, điểm xuất phát của Trang không hề thuận lợi. Em là học sinh tỉnh lẻ, lên thành phố học đại học và là người đầu tiên trong gia đình vào đại học. Em từng không có nền tảng tiếng Anh vững chắc, rất rụt rè, và phải tự mình thích nghi với môi trường mới.
Điều giúp Trang thay đổi chính là sự quyết tâm dấn thân và tinh thần không ngại thất bại. Em luôn nghĩ, tệ nhất thì mình bị từ chối, nhưng ít nhất mình biết mình thiếu gì để cải thiện. Và thực tế đã chứng minh lựa chọn liều lĩnh một chút của bản thân là đúng. Trước khi giành được các suất thực tập tại Đài Loan và Nhật Bản, em rơi vào tình cảnh từng bị từ chối nhiều lần. Trước khi giành giải Nhất trình bày nghiên cứu, em từng bị không ai nghe em nói. Và trước khi nhận điểm tuyệt đối cho khóa luận, em từng loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng mỗi lần vấp ngã là một lần học, và dần dần, em hoàn thiện bản thân mình.
Nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực hơn nữa
Thùy Trang cho hay, chương trình tiến sĩ kéo dài khoảng 4 năm. Vì học thẳng lên tiến sĩ mà không qua thạc sĩ nên Trang phải hoàn thành 24 tín chỉ trong 2 năm đầu, đồng thời vượt qua hai kỳ thi quan trọng: Qualifying Exam và Comprehensive Exam để chính thức trở thành nghiên cứu sinh. Sau đó, em dành toàn bộ thời gian cho nghiên cứu. Học phí và sinh hoạt phí đều do học bổng chi trả, khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm.
Thùy Trang bật mí, điều cốt lõi khi săn học bổng là bạn phải đặt mình vào vị trí của người tuyển chọn và tự hỏi: “Tại sao họ nên đầu tư vào mình chứ không phải người khác?”. Câu trả lời phải thể hiện qua điểm số, kinh nghiệm nghiên cứu, động lực học tập, khả năng thích nghi và tiềm năng đóng góp. Bạn cần chứng minh mình không chỉ đủ giỏi để học, mà còn đủ bản lĩnh để sống và phát triển ở một môi trường đầy thử thách.
Nghĩ lại những ngày đầu đặt chân tới nước Mỹ với Trang là một cú sốc lớn về nhiều mặt. Không còn mạng lưới hỗ trợ như khi còn ở Việt Nam, em buộc phải tự lực hoàn toàn. Ẩm thực, văn hóa, thời tiết - mọi thứ đều khác biệt. Từ việc phải học nấu ăn vì không còn món quê hương quen thuộc, đến việc phát hiện mình bị dị ứng thời tiết lạnh kéo dài.
Việc tìm chỗ ở cũng không dễ dàng. Em từng chuyển nhà ba lần để tìm được bạn cùng nhà hợp tính cách - điều rất quan trọng vì chi phí sống cao và mình cần một môi trường ổn định.
Khó khăn trong học tập cũng rất lớn. Dù có IELTS 7.0, nhưng tiếng Anh học thuật và chuyên ngành vẫn là thử thách. “Em đã dành rất nhiều thời gian tự học, tự tra cứu, luyện tập. Nghiên cứu thì đầy thất bại, có những thí nghiệm lặp đi lặp lại cả tháng mới tìm ra vấn đề. Nhưng chính tình yêu khoa học là động lực lớn nhất giúp em không bỏ cuộc” - Trang lý giải cách mình vượt qua.
Trần Thùy Trang luôn không ngại bước ra khỏi vùng an toàn, thúc đẩy bản thân tiến về phía trước. Ảnh: NVCC
Nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực hơn nữa là điều mà Thùy Trang nhắc nhở bản thân mỗi ngày. Kết quả xứng đáng khi hai năm qua, Trang đã hoàn thành 2 dự án nghiên cứu, tham dự 3 hội nghị khoa học, và 2 lần nhận học bổng cho sinh viên nghiên cứu và giảng dạy xuất sắc.
Dù nghiên cứu được tính là bán thời gian, thực tế tụi em làm việc gần như toàn thời gian - từ 10 đến 14 tiếng mỗi ngày. Vì vậy, em đặt việc cân bằng tinh thần và sức khỏe thể chất lên hàng đầu, đi ngủ trước 11 giờ, dậy sớm tập gym trước khi đến trường, và giữ thói quen đọc sách khi đi bus.
“Suốt hành trình này, em luôn bước ra khỏi vùng an toàn. Có lúc nản chí, có lúc muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ về cảm giác được giải mã một câu hỏi khiến em lại muốn tiếp tục”. Trần Thị Thùy Trang
Cuối tuần, Trang dành thời gian cho những hoạt động như leo núi, tụ tập nấu ăn với bạn bè, hoặc đơn giản là nghỉ một ngày để “xả pin” - đọc sách, vẽ, không đụng gì tới công việc. Với em, ưu tiên sức khỏe tinh thần là điều kiện tiên quyết để duy trì sự bền bỉ trong hành trình học tiến sĩ.
Ngoài học tập nghiên cứu khoa học, Trang tham gia viết sách, và mở trang blog A person who was living chia sẻ rất chi tiết về hành trình của mình. Bài viết “Đại học không học đại” của Trần Thị Thùy Trang trong cuốn sách Mong gì từ Đại học (nhóm tác giả) là những chia sẻ về hành trình giáo dục của bản thân từ Việt Nam đến Hunggary, Đài Loan, Mỹ - nơi cô đang nỗ lực hoàn thành bậc học tiến sĩ.
Về những dự định trong tương lai, Trang cho hay ban đầu, cô mong muốn trở thành giáo sư đại học. Nhưng qua thời gian, cô nhận ra môi trường học thuật truyền thống không thực sự phù hợp với cá tính năng động định hướng phát triển dự án. Vì vậy, dự định sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc trong các công ty lớn hoặc đa quốc gia trong 3-5 năm để học cách vận hành tổ chức và quản lý dự án. Sau đó, nếu có cơ hội, sẽ phát triển dự án riêng của mình.
HOÀI VĂN
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/buoc-ra-khoi-vung-an-toan-post1743747.tpo