Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 10.000 - 12.000 trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh, tức là cứ 15 phút có một trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh chào đời. Trong đó, khoảng 50% trẻ bị tim bẩm sinh rất nặng nhưng chỉ có khoảng 5.000 trẻ được phẫu thuật.
Thông thường, trẻ được phẫu thuật trong độ từ 1-2 tuổi. Nếu quá nhỏ sẽ khó can thiệp, đòi hỏi ê-kíp các bác sĩ có chuyên môn, trình độ tay nghề cao. Thực tế, can thiệp từ bào thai dị tật tim bẩm sinh giúp trẻ giảm tình trạng suy tim, giảm tỷ lệ tử vong của thai nhi.
Em bé thứ 2 được can thiệp thông tim xuyên bào thai chào đời an toàn, khỏe mạnh.
Hồi sinh những trái tim non khiếm khuyết
Tính tới thời điểm hiện tại, ê-kip Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện thành công 5 ca thông tim xuyên bào thai. Để có được thành quả này, đòi hỏi tất cả phải cố gắng rất nhiều mới có thể đạt kết quả tốt nhất.
Chia sẻ về ca đầu tiên can thiệp thông tim bào thai, BS.CKII Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho rằng, ca đầu tiên khiến tất cả ê-kíp khó đưa ra quyết định. Lúc đó, tuổi thai chỉ mới 26 tuần. Đó là ca của sản phụ L. (SN 1996), chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng đến Bệnh viện Từ Dũ với kết quả thai có bất thường nặng về tim, một dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải.
Bệnh viện Từ Dũ theo dõi, tổ chức rất nhiều buổi hội chẩn liên viện. Ngày 3/1/2024, khi thai được 32 tuần 5 ngày, các bác sĩ hội chẩn lần 3, ghi nhận tim thai có dấu hiệu trở nặng, nguy cơ tử vong rất cao.
Qua hội chẩn, các chuyên gia kết luận, nếu không can thiệp bào thai để nong van động mạch phổi thì khả năng cao thai sẽ mất trong bụng mẹ. Nếu cho sinh ngay thì nguy cơ thai nhi sẽ mất ngay sau khi được sinh ra do non tháng kèm bệnh tim nặng rất cao. Cuối cùng, các chuyên gia sản và nhi của 2 bệnh viện thống nhất can thiệp trong bào thai bán khẩn trong trường hợp này là giải pháp phù hợp nhất và cấp bách để cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ.
Theo đó, 20 chuyên gia của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 được chia thành 5 ê-kíp phẫu thuật gồm ê-kíp gây mê người lớn, ê-kíp can thiệp bào thai, ê-kíp nong tim, ê-kíp hồi sức sơ sinh nếu phải mổ, ê-kíp sản để chuẩn bị mổ lấy thai nếu xảy ra sự cố. Đây là ca bệnh can thiệp chưa có trong tiền lệ nên dù đã chuẩn bị kỹ, tính toán mọi tình huống.
8h sáng ngày 4/1, ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Từ Dũ phối hợp cùng ê-kíp thông tim can thiệp của Bệnh viện Nhi đồng 1 rà soát lại một lần nữa các phương án thực hiện kỹ thuật này trước khi triển khai. Đến 9h5 phút, ê-kíp can thiệp của 2 bệnh viện bắt đầu tiến hành can thiệp thông tim thai trong bào thai.
Ca phẫu thuật thông tim xuyên bào thai đầu tiên được thực hiện với sự tham gia của hơn 20 y bác sĩ.
Hai kíp phẫu thuật của 2 bệnh viện đã “cân não” để đảm bảo độ chính xác ở mức tuyệt đối, không một sự cố nào xảy ra trong suốt quá trình can thiệp. Kết quả, ca phẫu thuật can thiệp kéo dài 40 phút đã thành công như mong đợi. Sau can thiệp, thai phụ được ê-kíp chăm sóc đặc biệt, hỗ trợ phổi cho thai nhi, theo dõi sát tim thai, dự phòng sinh non cho mẹ và cố gắng kéo dài thai kỳ tối đa có thể.
Ngày 30/1, thai nhi được 37 tuần 4 ngày, Bệnh viện Từ Dũ hội chẩn toàn liên viện, huy động tất cả chuyên gia hàng đầu của hai bệnh viện, quyết định mổ lấy thai. Các chuyên gia đã lên đủ 4 trường hợp có thể xảy ra sau sinh. May mắn cuộc mổ thành công ngoài mong đợi. Siêu âm tim trực tiếp tại phòng mổ nhận thấy dòng máu qua chỗ hẹp rất tốt, đánh giá hẹp mức độ trung bình, không cần can thiệp ngay giai đoạn sơ sinh. Sau sinh, em bé được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 1 để theo dõi.
Tiếp nối thành công ở ca thứ nhất, ca thông tim xuyên bào thai thứ hai là thai phụ N.P.P.A (SN 1997, ngụ quận 3, TP.HCM). Giữa tháng 1/2024, sản phụ được phát hiện có tim thai bất thường ở tuần 21. Thai nhi được chẩn đoán hẹp van động mạch chủ tiến triển. Thời điểm thai được 29 tuần, diễn tiến hẹp van động mạch chủ nặng. Nhận định về trường hợp này, các chuyên gia đều thống nhất nếu không can thiệp khẩn hoặc can thiệp trễ sau 30 tuần tuổi, khả năng rất cao bào thai sẽ mất trong bụng mẹ. Sau nhiều buổi hội chẩn, ê-kíp của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 đã quyết định nhanh chóng thực hiện phẫu thuật. Sau 2 giờ phẫu thuật, dòng chảy qua van động mạch chủ của thai nhi khôi phục. Tình trạng tràn dịch màng ngoài tim thai cũng được kiểm soát tốt, nhịp tim thai bình thường.
BSCKII. Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ khẳng định, can thiệp tim mạch trong bào thai là một can thiệp phức tạp nhất, sâu nhất, khó khăn nhất vì sự can thiệp trên tim mạch đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối khi em bé không nằm im và nằm sâu trong cơ thể người mẹ mà phải tiến hành gây mê cho cả em bé.
Gần 2 tháng sau, khi thai nhi được 37 tuần, tim của bào thai được cải thiện, sức khỏe sản phụ ổn định, các bác sĩ nhận định đây là thời điểm “vàng” để mổ bắt con vì nếu để lâu hơn nữa, khi em bé 38, 39 tuần, sự phát triển thể chất của trẻ có thể đạt 10 điểm. Tuy nhiên, điều này lại không an toàn cho sức khỏe trẻ, trái tim trẻ không phù hợp với kích thước sẽ không chịu áp lực của cân nặng từ đó có thể gây tổn thương tim nặng hơn. Do đó, ở tuần 37, khi thai được 2,6 kg, khả năng sống cao, là thời điểm phẫu thuật tốt nhất. Ngay sau sinh, em bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để chăm sóc và tiếp tục được nong van động mạch.
Em bé đầu tiên được thông tim xuyên bào thai chào đời khỏe mạnh ở tuần 37.
Hiện tại, sức khỏe của các bé được can thiệp thông tim trong bào thai đều tiến triển rất tốt. Những em nhỏ từng phải đối mặt với nguy cơ tử vong ngay từ khi chưa chào đời, giờ đây đã khỏe mạnh và phát triển bình thường.
“Các gia đình vẫn thường xuyên giữ liên lạc với bệnh viện để cập nhật tình hình sức khỏe của con em mình. Đây không chỉ là sự kết nối giữa bệnh viện và bệnh nhân, mà còn thể hiện niềm tin sâu sắc mà các gia đình dành cho đội ngũ y tế. Mỗi lần nhận được tin tức tốt lành từ các gia đình, các y bác sĩ đều cảm thấy những nỗ lực của mình thực sự ý nghĩa, tiếp thêm động lực để họ tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến hơn, mang lại cơ hội sống cho nhiều trẻ em khác trong tương lai”, BS.CKII Trần Ngọc Hải nói.
Đột phá trong công tác đảm bảo sức khỏe cho bào thai
Sự thành công của hai bệnh viện (Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1) trong việc triển khai thành công kỹ thuật thông tim can thiệp cho bào thai mắc bệnh tim bẩm sinh cũng trở thành 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP.HCM trong năm 2024. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã gửi thư khen hai bệnh viện khi thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp tim bào thai.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, can thiệp tim mạch cho bào thai trong bụng mẹ là kỹ thuật khó. Các bác sĩ phải luồn kim qua thành bụng và tử cung của người mẹ rồi xuyên qua thành ngực bào thai để tìm đường đi đến tim. Tim của bào thai có kích thước chỉ bằng một trái dâu và bào thai ở trong bụng mẹ không cố định, đòi hỏi các bác sĩ có “trải nghiệm tay nghề chính xác tuyệt đối”. Kỹ thuật này mới chỉ được thực hiện thành công ở một số ít quốc gia có hệ thống y tế chuyên sâu phát triển. Kết quả trên mở ra hướng đi trong triển khai can thiệp tim bẩm sinh bào thai, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Ở trong bào thai, thai nhi có một cơ chế rất đặc biệt, đó là cơ chế tự xử lý, tự lành. Cơ chế này hình thành từ những tế bào gốc, sẽ tự chỉnh sửa, tự lành, không để lại sẹo. Vậy nên, can thiệp được từ trong bào thai tỉ lệ thành công cao hơn khi trẻ đã chào đời.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng cũng cho rằng, kỹ thuật thông van tim bào thai vừa được các bác sĩ TP. HCM thực hiện thành công, hiện chỉ những nước có nền y khoa tiên tiến và hiện đại mới có thể thực hiện được. Đây là minh chứng cho nỗ lực vươn tới tiếp cận những kỹ thuật y tế chuyên sâu của ngành Y tế TP.HCM thời gian qua. Trẻ bị dị tật tim bẩm sinh từ lâu là thách thức của ngành Y tế. Thành công trên đã mở ra cơ hội cho trẻ bị dị tật tim bẩm sinh có được trái tim lành lặn, khỏe mạnh trước khi chào đời. Từ đó giảm gánh nặng y tế, kinh tế, tăng chất lượng sống cho trẻ so với mổ tim khi trẻ được sinh ra.
Thành công của kỹ thuật can thiệp thông tim xuyên bào thai không chỉ đánh dấu bước tiến vượt bậc của ngành tim mạch nhi khoa Việt Nam mà còn mở ra cánh cửa hy vọng cho hàng nghìn gia đình có con mắc dị tật tim bẩm sinh. Đây không chỉ là thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, lòng tận tụy và trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y bác sĩ mà còn là minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc của y học Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.
Với thành tựu này, ngành Y tế Việt Nam đã khẳng định vị thế tiên phong, không chỉ cứu sống những sinh linh nhỏ bé mà còn mang lại niềm tin và hạnh phúc cho biết bao gia đình, đồng thời mở ra triển vọng lớn cho những đột phá y học tiếp theo trong tương lai.
Phạm Thương