Bước tiến mạnh mẽ trên bản đồ du lịch thế giới

Bước tiến mạnh mẽ trên bản đồ du lịch thế giới
13 giờ trướcBài gốc
Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế của Viêt Nam cao nhất trong khu vực châu Á 3 tháng đầu năm nay
Những con số biết nói và dấu ấn chuyển mình
Trong dòng chảy phục hồi chung của du lịch toàn cầu, Việt Nam nổi lên là quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất châu Á trong quý I.2025.
Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 518.000 tỉ đồng, con số không đơn thuần là lợi nhuận kinh tế, mà là lợi ích lan tỏa cho hàng triệu người dân sống bằng nghề du lịch và các ngành kinh tế liên quan.
Đây không chỉ là sự hồi sinh sau đại dịch, mà là một cú bứt phá mang tính bản lề, khi Việt Nam thực sự bước vào giai đoạn tái cấu trúc sản phẩm, định vị lại thương hiệu và chuẩn bị sẵn sàng cho những bước đi dài hơi.
Quản trị ngành Du lịch: Từ chính sách đến hành động
Điểm đáng chú ý trong 6 tháng qua là ngành Du lịch Việt Nam vừa “chạy” trên mặt trận đón khách, vừa thể hiện vai trò chủ động trong hoạch định chính sách.
Một loạt các cơ chế mới được ban hành kịp thời: Từ Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10.4.2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số; Chính sách miễn thị thực cho công dân Ba Lan, Séc, Thụy Sĩ; cho đến việc hoàn thiện các định mức kinh tế kỹ thuật cho phát triển du lịch cộng đồng… tất cả đều cho thấy cách tiếp cận bài bản, hệ thống.
Việc thẩm định cấp mới, đổi, thu hồi 510 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và công nhận hạng 4-5 sao cho 73 cơ sở lưu trú trong 6 tháng đầu năm 2025 là minh chứng cho công tác quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Những con số này không đơn thuần là sự “điểm danh” thủ tục hành chính, mà là thước đo cho sự chuyên nghiệp hóa của hệ sinh thái du lịch.
Trong bức tranh này, vai trò quản lý nhà nước ngày càng chuyển từ “quản lý” sang “kiến tạo” và “đồng hành”.
Du lịch là điểm sáng trong nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2025
Điểm sáng địa phương: Sự vươn lên của các trung tâm mới
Nếu trước đây, du lịch Việt Nam chủ yếu xoay quanh một vài trung tâm lớn như; Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang… thì nay, bản đồ du lịch đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các địa phương khác.
Hà Nam - một điểm đến tưởng chừng khiêm tốn đã đạt 5,39 triệu lượt khách, tăng trưởng 140% so với cùng kỳ, vượt xa kỳ vọng. Đây chính là hình mẫu cho việc khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, gắn với cảnh quan sinh thái và hạ tầng mới như sân golf, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Ninh Bình đón 7,2 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1 triệu khách quốc tế, cho thấy sức hút bền vững của “di sản sống” Tràng An - Tam Cốc khi được phát triển theo hướng du lịch bền vững.
Kiên Giang tăng trưởng 75,4% lượng khách quốc tế, trở thành điểm đến có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, theo đánh giá của Travel Off Path. Phú Quốc chính thức bước vào sân chơi quốc tế, trở thành biểu tượng mới của du lịch nghỉ dưỡng đảo ngọc.
Đà Lạt cũng tạo cú hích khi giành cùng lúc ba giải thưởng tại Asia Festival Awards 2025, đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm festival hoa và sự kiện sinh thái hàng đầu khu vực.
Quảng bá hình ảnh Việt Nam: Từ thế giới ảo đến thực địa
Du lịch Việt Nam đang được định vị lại trên các bảng xếp hạng quốc tế. Lonely Planet đưa tuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam lên vị trí số 1 trong 24 hành trình tàu hỏa đẹp nhất thế giới năm 2025.
TripAdvisor đưa Hà Nội vào top 2 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới và top 7 điểm đến hàng đầu nói chung.
Đây không còn là những “bảng thành tích” để trưng bày. Đây là lợi thế cạnh tranh về truyền thông điểm đến, thứ “vũ khí mềm” nhưng cực kỳ sắc bén trong cuộc đua giành thị phần khách quốc tế.
Có thể thấy, chiến lược quảng bá của ngành Du lịch đang dần đi vào chiều sâu, không chỉ là những hội chợ, roadshow, mà là sự lan tỏa qua trải nghiệm thực tế, thông qua các sự kiện quốc tế và các nền tảng du lịch số.
Rất nhiều chương trình xúc tiến du lịch, lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam ở nước ngoài mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thu hút khách quốc tế đến
Những nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm 2025
Nhìn vào kế hoạch hành động 6 tháng cuối năm 2025, dễ thấy một khối lượng công việc đồ sộ đang chờ đợi ngành Du lịch. Nhưng đó là những nhiệm vụ cần thiết để đưa du lịch Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Tổ chức Diễn đàn thường niên du lịch xanh quốc gia; Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Đài Loan lần thứ 12; Phiên họp Nhóm công tác du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS TWG) lần thứ 56 và các hội nghị liên quan tại Việt Nam; Gặp gỡ ba Bộ trưởng du lịch CLV trong khuôn khổ Hội chợ ITE HCMC 2025 vào ngày 4.9; tăng cường hợp tác khu vực và song phương, làm sâu sắc thêm các “hành lang” kết nối.
Bên cạnh đó, tổ chức Chương trình giới thiệu Việt Nam tại Liên bang Nga; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, kết nối doanh nghiệp tại thị trường Bắc Mỹ, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc; Diễn đàn Du lịch tại Hội chợ Du lịch ITE HCMC 2025; phối hợp tham gia Hội chợ WTM London 2025; Lễ hội Văn hóa - Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc và tại Kanagawa, Nhật Bản.
Xây dựng kế hoạch đăng cai các Hội nghị quốc tế về du lịch trong năm 2026 tại Việt Nam trình Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định phê duyệt (Phiên họp các Ủy ban du lịch của ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch CLV, ACMECS, CLMV, Phiên họp Nhóm công tác du lịch Việt Nam - Campuchia).
Tiếp tục phối hợp với Thành phố Huế tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2025.
Ngoài ra, ngành Du lịch cũng sẽ xây dựng Chương trình Quảng bá Ẩm thực Việt Nam ra thế giới giai đoạn 2026 - 2030. Đây là bước đi chiến lược, bởi ẩm thực chính là “cửa ngõ” đưa du khách đến gần hơn với điểm đến Việt Nam.
Du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội để bước vào sân chơi của các quốc gia dẫn đầu khu vực, ngoài tăng trưởng về lượng khách, còn chuyển dịch mô hình, nâng cấp chất lượng, định hình vị thế trên trường quốc tế.
NGUYỄN ANH; ảnh MINH QUÂN, ANH DŨNG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/du-lich/buoc-tien-manh-me-tren-ban-do-du-lich-the-gioi-152803.html