Bước tiến mới trong sản xuất giống cây lâm nghiệp ở Đắk Nông

Bước tiến mới trong sản xuất giống cây lâm nghiệp ở Đắk Nông
4 giờ trướcBài gốc
Thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 68 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Hàng năm, các cơ sở sản xuất hàng chục triệu cây giống cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo Sở NN-PTNT, triển khai Nghị định số 27 năm 2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; Thông tư số 22 năm 2021 của Bộ NN-PTNT, Đắk Nông đã tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, năm 2022, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 10 chỉ đạo quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, giống cây trồng lâm nghiệp. Chỉ thị đã tạo ra một bước tiến mới cho công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp tỉnh.
Đắk Nông hiện có 68 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp
Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, nội dung trọng tâm được sở tập trung đẩy mạnh là kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng giống cây lâm nghiệp tại các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp tại các địa phương.
Sở NN-PTNT thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố tuyên truyền và xây dựng kế hoạch kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp.
Đơn vị kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Chính vì thế, ngành chức năng, các địa phương ngày càng bảo đảm nguồn giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng phục vụ trồng rừng, trồng cây phân tán, nông lâm kết hợp.
Chất lượng thành rừng của Đắk Nông cao hơn từ nguồn giống bảo đảm
Bên cạnh đó, hàng năm Sở NN-PTNT kiểm soát chặt chẽ công tác trồng rừng, hướng dẫn kiểm tra các đơn vị chủ rừng trong việc lựa chọn, sử dụng giống cây trồng rừng bảo đảm theo quy định.
Đánh giá chung của Sở NN-PTNT, đến nay về cơ bản, giống cây lâm nghiệp đưa vào trồng rừng đều đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ giống. Giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp và đã đạt được kết quả tích cực.
Số lượng, chất lượng giống lâm nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu cho phát triển rừng bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vi phạm nhãn mác đã giảm, quá trình mua bán có hóa đơn, nguồn gốc rõ ràng.
Chính vì thế các diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh hiện không có biểu hiện suy giảm về chất lượng. Trung bình diện tích trồng rừng đạt khoảng trên 80%, một số địa phương cao hơn như đối với Đắk Glong.
Người dân Đắk Nông khai thác diện tích rừng trồng để tạo nguồn thu nhập
Song song, ngành chức năng của tỉnh Đắk Nông tích cực phối hợp với các tổ chức, đơn vị thực hiện việc bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý của cây giống lâm nghiệp.
Điển hình đầu năm 2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp đối với 101 cây lõi thọ tại huyện Krông Nô. Loại nguồn giống là cây trội (cây mẹ) lấy vật liệu sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng.
Cây giống lõi thọ được ươm tại xã Nâm Nung, huyện Krông Nô
Đây là một bước tiến khá quan trọng thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với cây lâm nghiệp bản địa với nhiều đặc điểm ưu việt trong trồng rừng, phát triển kinh tế rừng.
Điều này cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, cộng đồng ở các địa phương đẩy mạnh trồng rừng. Ngành Nông nghiệp, các địa phương nỗ lực xây dựng thành công vùng trồng nguyên liệu về gỗ lớn, tập trung trên địa bàn các huyện Đắk Glong, Krông Nô và Tuy Đức.
Ông Nguyễn Ngọc Quân, thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô cho biết, cây lõi thọ được công nhận cây giống lâm nghiệp là một thuận lợn lớn cho gia đình trong việc trồng rừng với diện tích lớn. Hiện gia đình đã có trên 10ha rừng trồng loại cây này.
Trần Thoan
Nguồn Đắk Nông : https://baodaknong.vn/buoc-tien-moi-trong-san-xuat-giong-cay-lam-nghiep-o-dak-nong-231680.html