Nghệ An đầu tư trồng rừng gỗ lớn

Nghệ An đầu tư trồng rừng gỗ lớn
5 giờ trướcBài gốc
Hướng đi bền vững
Trên tuyến đường từ xã Huồi Tụ đi các xã Na Loi, Keng Đu (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), một cánh rừng xanh nổi bật giữa những quả đồi trọc lóc, nham nhở. Đó là khu rừng pơ mu do ông Vừ Vả Chống, người dân tộc Mông tự tay ươm trồng và bảo vệ hơn 20 năm nay. Dưới tán cây pơ mu xanh mát, tỏa hương thơm dịu nhẹ, ông Vừ Vả Chống kể, vào thập niên 1990, Nhà nước có chủ trương vận động người dân tham gia các dự án về sử dụng đất trống, đồi núi trọc. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ về quê, ông Vừ Vả Chống nhận hơn 10ha đồi trọc gần nhà để trồng cây pơ mu.
Ông Vừ Vả Chống lặn lội vào những cánh rừng già sát biên giới góp nhặt từng cây con về trồng trên khu đồi. Thế nhưng loại cây này rất “khó tính”, chỉ hợp những nơi mát mẻ, mưa nhiều. Sau một thời gian trồng và chăm sóc, chỉ số ít cây pơ mu ông mang về trồng là sống được. Ông Chống tìm gặp những người đã trồng thành công loại cây này và các lâm trường để hỏi cách ươm cây, nhân giống và chăm sóc. Ông lại vào rừng, tìm nhặt quả pơ mu về tách hạt và ươm thành cây con.
Để duy trì cuộc sống gia đình, ông Chống trồng xen các loại cây hoa màu và ngắn ngày với cây pơ mu, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thu nhập dưới tán rừng pơ mu mang lại cho ông mỗi năm gần 100 triệu đồng. Còn khu rừng pơ mu, sau hơn 20 năm ông đã có hơn 7.000 cây với đường kính 30-40cm. Nhiều thương lái đến hỏi mua mỗi cây 3-5 triệu đồng nhưng ông không bán. Ông Chống muốn giữ lại khu rừng quý để phát triển du lịch sinh thái và truyền cho đời sau.
Cánh rừng của già làng Vừ Pà Rê (xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn) được con cháu trong gia đình chăm sóc, bảo vệ. Ảnh: THANH HẢI
Cách khu rừng của ông Vừ Vả Chống nhiều dãy núi là khu rừng pơ mu của già làng Vừ Pà Rê rộng hơn 28ha có tuổi đời gần 30 năm (xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn). Khu rừng được già làng Vừ Pà Rê trồng từ năm 1996. Sau khi già làng Vừ Pà Rê qua đời, con của cụ nối nghiệp, thay cụ chăm sóc và bảo vệ khu rừng quý.
Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An) có 17 thành viên đã chuyển đổi 250ha rừng keo 4 năm tuổi từ mô hình rừng gỗ nhỏ sang mô hình rừng gỗ lớn theo phương pháp cắt tỉa. Vừa qua, hơn 100ha rừng keo hơn 10 năm tuổi đến kỳ thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Sỹ Bình, Giám đốc HTX Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy: “Chuyển đổi mô hình rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế gấp 3 lần; tiết kiệm được chi phí mua cây giống, công sức trồng, chăm sóc cây con. Nếu như cây keo ở tuổi 5-6 năm chỉ có thể bán 60-80 triệu đồng/ha thì khi chuyển thành rừng trồng gỗ lớn, cây 10-14 năm tuổi, có chứng chỉ, giá trị khoảng 200-250 triệu đồng/ha”.
Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu có hơn 7.000ha rừng sản xuất, trong đó có 1.700ha rừng trồng gỗ lớn, hằng năm khai thác khoảng 100ha. Công ty xác định, trồng rừng gỗ lớn kết hợp với chế biến các sản phẩm từ gỗ là hướng đi bền vững. Khó khăn nhất của công ty là kinh phí đầu tư trồng rừng gỗ lớn khá lớn, chu kỳ khai thác dài nên áp lực trả lãi ngân hàng cũng lớn theo. Trước thách thức đó, Công ty đã thực hiện chiến lược trồng rừng gỗ lớn theo hình thức có cả diện tích rừng chu kỳ 10-12 năm và những diện tích 6-7 năm để “lấy ngắn nuôi dài”.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An khẳng định: “Ngoài hiệu quả kinh tế, trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ thu hoạch của cây dài hơn nên hạn chế thoái hóa đất, chống xói mòn, rửa trôi đất, từ đó giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần chống biến đổi khí hậu, nhất là ở các huyện miền núi cao, nơi thường xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét”.
Mở rộng diện tích
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước với gần 1 triệu héc-ta. Thời gian qua, tỉnh Nghệ An có các chính sách thúc đẩy phát triển trồng rừng gỗ lớn. HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, trong đó hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng bằng cây bản địa trên diện tích đất lâm nghiệp được giao hoặc thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, UBND tỉnh Nghệ An có hỗ trợ mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế cho hộ nghèo tham gia trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ trên đất lâm nghiệp được giao...
Tỉnh Nghệ An cũng xây dựng một số mô hình trình diễn về trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; hỗ trợ người dân trồng gỗ lớn kết hợp với sản xuất, kinh doanh rừng bền vững vừa đáp ứng mục đích kinh tế lâu dài, vừa bảo vệ môi trường... Với nhiều chính sách và giải pháp, đến nay, Nghệ An có hơn 32.000ha rừng gỗ lớn, chiếm gần 20% diện tích rừng trồng của cả tỉnh.
Chế biến gỗ lớn tại Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu. Ảnh: TRUNG HIẾU
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, song nhìn chung, diện tích rừng gỗ lớn của Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu hút đầu tư ngành công nghiệp chế biến gỗ chưa có sự phát triển đột phá. Người dân, doanh nghiệp không mấy mặn mà với đầu tư phát triển kinh tế từ trồng rừng gỗ lớn.
Ông Nguyễn Sỹ Bình cho rằng: “Trồng rừng gỗ lớn có một đặc điểm là hiệu quả kinh tế cao nhưng chu kỳ thu hoạch dài, nhiều rủi ro. Các chủ trương, chính sách hỗ trợ người trồng rừng gỗ lớn đã có nhưng chưa đi vào cuộc sống một cách kịp thời. Để tạo động lực phát triển và duy trì diện tích rừng gỗ lớn, người dân rất mong được hỗ trợ tín dụng, như có thể trả tiền lãi một lần sau khi khai thác”.
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội quý III của UBND tỉnh Nghệ An, trả lời câu hỏi của báo chí về việc người dân chưa mặn mà với trồng rừng gỗ lớn, bà Võ Thị Nhung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An phân tích: “Khó khăn chung khi trồng rừng gỗ lớn là phải trải qua chu kỳ dài 8-10 năm đối với cây mọc nhanh, còn cây mọc chậm lên đến hàng chục năm.
Trong khi đó, diện tích rừng chủ yếu ở các vùng miền núi, địa hình hiểm trở; người dân tại khu vực có rừng và gần rừng điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu vốn; nhận thức về hiệu quả chuyển đổi từ trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn còn hạn chế. Bên cạnh đó, tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, tổ chức trồng rừng còn chậm; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến lâm sản chưa nhiều”. Bà Nhung cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu với UBND tỉnh tập trung tháo gỡ những vướng mắc nêu trên để trồng rừng gỗ lớn có bước phát triển đột phá, mang lại giá trị kinh tế cao.
Năm 2021, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp chế biến lâm sản góp phần tăng giá trị gỗ rừng trồng, tăng giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Khi khu công nghiệp này hoàn thành và đi vào hoạt động, cùng với nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn sẽ tạo "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, bảo vệ môi trường của tỉnh và toàn khu vực.
HOÀNG HOA LÊ
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nghe-an-dau-tu-trong-rung-go-lon-798761