Bước tiến vì người bệnh mãn tính

Bước tiến vì người bệnh mãn tính
15 giờ trướcBài gốc
Thỏa lòng mong đợi
Danh mục 252 bệnh là bước điều chỉnh kịp thời, phù hợp với xu thế gia tăng bệnh mãn tính hiện nay, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa - nơi việc tiếp cận dịch vụ y tế chuyên sâu còn gặp nhiều khó khăn.
Cán bộ Trạm Y tế xã Thắng Mố, cấp phát thuốc cho bệnh nhân mãn tính.
Ông Nguyễn Văn Đăng, 85 tuổi, phường Minh Xuân chia sẻ: Ông bị cao huyết áp nhiều năm. Dù bệnh viện ngay gần nhà nhưng mỗi tháng 1 lần, ông phải đi từ 6h30 sáng để xếp hàng tới lượt khám. Khi biết tới đây sẽ được cấp thuốc 3 tháng/lần đối với bệnh nhân bệnh mãn tính đã điều trị ổn định, ông rất vui mừng. Ông nói, nếu cấp thuốc dài ngày hơn sẽ không phải đi lại nhiều, lại đỡ bị gián đoạn, bỏ thuốc vì đôi khi “trở trời” khiến ông không thể đến bệnh viện tái khám đúng thời gian.
Nghe tin bệnh đái tháo đường của mẹ mình nằm trong danh sách bệnh mãn tính được cấp phát thuốc 3 tháng/lần, chị Nguyễn Thị Lan, tổ 5, xã Bắc Mê không khỏi phấn khởi. Chị Lan chia sẻ: “Từ nhiều năm nay mẹ tôi mắc bệnh đái tháo đường, chân bà đau đi lại khó khăn nên hằng tháng tôi lại sắp xếp công việc để đưa bà đi khám. Vì vậy, khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, cho phép bác sĩ được kê đơn thuốc tối đa 3 tháng đối với một số bệnh mãn tính không chỉ giúp người bệnh không phải đi lại, chờ đợi mà còn giúp giảm quá tải cho bệnh viện. Còn những gia đình có người thân mắc bệnh mãn tính như gia đình tôi cũng đỡ bị ảnh hưởng đến công việc”.
Nỗ lực vì người bệnh và giảm tải hệ thống y tế
Dược sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Giang, cho hay: Hiện bệnh viện đang điều trị, quản lý 5.000 người mắc các bệnh mãn tính, trong đó có trên 50% bệnh nhân đã được theo dõi trên 2 năm ổn định sức khỏe. Đối với những bệnh nhân cao huyết áo, đái tháo đường, suy giáp sau điều trị... nếu chưa ổn định sức khỏe thì cần theo dõi điều trị cho đến khi ổn định. Tuy nhiên, việc điều trị, kê đơn cần cá thể hóa từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ căn cứ vào tiền sử, mức độ đáp ứng của thuốc… để bệnh nhân được điều trị một cách tốt nhất”.
Anh Lý Quốc Khánh, phường Hà Giang 2 cho biết: “Mẹ tôi có tiền sử bị đái tháo đường và huyết áp cao, tôi thấy việc tăng thời gian cấp thuốc cho các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính là rất hợp lý. Tuy nhiên, do các chỉ số của mẹ tôi thường xuyên thay đổi nên hằng tháng mẹ tôi vẫn phải đến viện để khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ rồi mới lấy thuốc điều trị cho yên tâm”.
Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Văn Hải, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Quản lý chất lượng, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc cho rằng, việc kê đơn thuốc dài ngày là một điểm thay đổi rất tích cực, điều này sẽ giúp người bệnh tiết kiệm chi phí, giảm số lần đi lại, đỡ tốn thời gian và công sức, đặc biệt là những bệnh nhân ở xa.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hải cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cá thể hóa trong kê đơn. “Quyền kê đơn 3 tháng/lần không có nghĩa là bệnh nhân nào cũng nên được kê như vậy. Bác sĩ buộc phải đánh giá thật kỹ tình trạng cụ thể của từng người bệnh. Quan điểm của chúng tôi là kê đơn cần cá thể hóa - mỗi người bệnh một phác đồ, không máy móc. Làm được như vậy thì vừa tiết kiệm cho Quỹ Bảo hiểm y tế, vừa giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn”.
Bài, ảnh: Minh Hoa
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/y-te/202507/buoc-tienvi-nguoi-benh-man-tinh-37c351a/