Mạng lưới phức tạp của các dây thần kinh
Đám rối thần kinh cánh tay (brachial plexus) là một mạng lưới phức tạp của các dây thần kinh tách ra từ tủy sống cổ (C5 đến T1) và chịu trách nhiệm vận động, cảm giác cho vai, cánh tay và bàn tay.
Liệt đám rối thần kinh cánh tay xảy ra khi có tổn thương làm mất hoặc giảm dẫn truyền thần kinh đến chi, gây yếu hoặc liệt vận động và/hoặc mất cảm giác.
Nguyên nhân thường gặp: Chấn thương do tai nạn giao thông (đặc biệt là xe máy; Té ngã từ trên cao; Chấn thương thể thao (võ thuật, bóng đá, vật).
Tai biến sản khoa: Thường gặp ở trẻ sơ sinh khi sinh khó, vai bị kéo mạnh.
Phẫu thuật vùng cổ – vai – nách: Do kéo giãn hoặc tổn thương thần kinh.
U chèn ép: U trung thất, u màng tủy cổ hoặc các khối u vùng đỉnh phổi (hội chứng Pancoast).
Viêm tự miễn hoặc nhiễm trùng: Hiếm gặp nhưng có thể gây viêm đám rối thần kinh (Parsonage-Turner syndrome).
Triệu chứng điển hình của bệnh tùy mức độ và vị trí tổn thương, bệnh nhân có thể gặp: Liệt vận động (Khó cử động vai, cánh tay, cổ tay, hoặc các ngón tay; Tê yếu toàn bộ hoặc một phần chi trên bên); Rối loạn cảm giác: (Tê bì, mất cảm giác từng vùng; Cảm giác như điện giật, nóng rát; Teo cơ: xuất hiện sau vài tuần nếu không có cải thiện); Đau thần kinh: đau sâu, nhức nhối hoặc bỏng rát.
Phân loại mức độ tổn thương: Neuropraxia (dãn dây thần kinh) – nhẹ, có khả năng phục hồi trong vài tuần; Axonotmesis (tổn thương sợi trục) – vừa, cần thời gian hồi phục dài hơn; Neurotmesis (đứt hoàn toàn thần kinh) – nặng, cần can thiệp ngoại khoa.
Chẩn đoán cận lâm sàng cần thiết: Điện cơ (EMG) và đo dẫn truyền thần kinh (NCV) đánh giá mức độ và vị trí tổn thương; MRI vùng cổ - vai, phát hiện chèn ép, tổn thương mô mềm, đứt thần kinh; CT tủy sống nếu nghi ngờ tổn thương gốc thần kinh (avulsion); X-quang cổ, vai loại trừ gãy xương kèm theo.
Việc điều trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Điều trị bảo tồn: Nghỉ ngơi, cố định tay tạm thời để tránh kéo giãn; Vật lý trị liệu sớm: duy trì vận động khớp, ngừa teo cơ và dính khớp; Điện xung trị liệu, kích thích cơ để duy trì dinh dưỡng thần kinh; Thuốc hỗ trợ dẫn truyền thần kinh: vitamin nhóm B, pregabalin/gabapentin nếu có đau thần kinh.
Điều trị can thiệp: Phẫu thuật nối thần kinh thường chỉ định nếu không hồi phục sau 3–6 tháng hoặc đứt hoàn toàn; Cấy ghép thần kinh từ dây thần kinh khác (như thần kinh liên sườn, thần kinh phụ); Phẫu thuật chỉnh hình cơ: cải thiện chức năng tay ở giai đoạn muộn.
Tiên lượng phục hồi tùy thuộc vào bệnh lý: Tổn thương nhẹ: có thể hồi phục hoàn toàn sau vài tháng; Tổn thương nặng: phục hồi hạn chế, cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị. Phục hồi tối ưu cần can thiệp sớm, lý liệu pháp kiên trì và theo dõi sát tiến triển.
Lời khuyên
Đừng chờ đợi “tự khỏi” nếu sau 3–4 tuần không có cải thiện vận động.
Hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa thần kinh – phục hồi chức năng để được đánh giá sớm.
Đối với người có nguy cơ (làm việc nặng, thể thao, từng phẫu thuật vùng cổ – vai), cần chú ý tư thế và kiểm soát chấn thương lặp lại.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòa (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học tái tạo và Tế bào gốc)
- PGS.TS Nguyễn Đình Hòa