Bán dẫn không chỉ là một sản phẩm công nghệ mà còn mang ý nghĩa chiến lược, đóng vai trò là "xương sống" cho sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Dự báo của Gartner cho thấy ngành công nghiệp bán dẫn dự kiến có doanh thu 620 tỉ USD vào năm 2024 và sẽ tăng mạnh lên 1.000 tỉ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam vẫn đòi hỏi một kế hoạch toàn diện, không chỉ dựa trên vốn đầu tư mà còn cần một nền tảng chính sách, nhân lực và công nghệ cũng như sự đồng thuận, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân.
Nhân dịp Tết Nguyên đán 2025, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ về câu chuyện phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với báo Pháp Luật TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ về định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong năm tới. Ảnh: MPI
. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024 cho thấy Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế tăng 2 bậc so với năm trước, trong đó có 3 chỉ số đứng đầu thế giới. Ông đánh giá thế nào về kết quả trên?
+ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Theo tôi, đây là một kết quả đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực không ngừng của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân. Đặc biệt, với việc 3 chỉ số của Việt Nam đứng đầu thế giới, đó là chỉ số về nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo, là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và sự ưu tiên ngày càng lớn của Việt Nam đối với lĩnh vực này.
Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện nay đang đạt được những thành tựu quan trọng khi môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng đang tận dụng tốt các yếu tố về nhân lực, tiềm năng công nghệ và sự hội nhập quốc tế sâu rộng để tạo động lực tăng trưởng bền vững.
Đồng thời, chúng ta cũng cần nhìn nhận những thách thức còn tồn tại, bao gồm việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và đời sống.
Mục tiêu của chúng ta là tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, phát huy tối đa tiềm năng đổi mới sáng tạo, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại và là trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực. Do đó, hiện nay, Bộ KH&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy các chính sách đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đổi mới sáng tạo là một sứ mệnh
. Hiện nay, rất nhiều quốc gia đã sử dụng các trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy, áp dụng những chiến lược kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Vậy theo Bộ trưởng, đổi mới sáng tạo sẽ đưa kinh tế Việt Nam tăng tốc, bứt phá thế nào trong kỷ nguyên mới?
+ Trên thế giới, các trung tâm đổi mới sáng tạo đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và năng lực sáng tạo. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này và chúng ta đang đặt đổi mới sáng tạo vào trung tâm chiến lược phát triển quốc gia.
Đổi mới sáng tạo giờ còn mang tính cạnh tranh quốc gia thay vì chỉ ở cấp độ doanh nghiệp. Cuộc "chạy đua" thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 giữa các nước trong khu vực. Chẳng hạn như Trung Quốc nâng cấp khu Zhongguancun (Trung Quan Thôn) ở Bắc Kinh, thành lập một loạt trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo để thực hiện chiến lược Made in China 2025; hay như Thái Lan mới đưa vào hoạt động True Digital Park vào năm 2018. Còn Indonesia đưa vào hoạt động một trung tâm tại Yogyakarta từ năm 2016; hay Malaysia với công viên công nghệ Kuala Lumpur…
Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo. Thứ nhất, lực lượng lao động trẻ, năng động và giàu trí tuệ đang trở thành nền tảng cho các sáng kiến mới. Thứ hai, Chính phủ đã và đang tập trung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tiêu biểu là việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Đây không chỉ là nơi kết nối các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và startups, thu hút các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu, cả người Việt Nam và nước ngoài đến đây làm việc mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm... đến Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo sẽ giúp Việt Nam chuyển từ nền kinh tế thâm dụng lao động sang nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Điều này không chỉ giúp chúng ta nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, mà còn mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng và thúc đẩy doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới.
Quan trọng hơn, đổi mới sáng tạo không chỉ là một chiến lược kinh tế mà còn là sứ mệnh quốc gia, giúp nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Để phát triển công nghiệp bán dẫn, cần triển khai nhanh và tập trung 4 cốt lõi. Ảnh minh họa
Cần tập trung vào 4 cốt lõi
. Trong năm 2025, chúng ta có những kế hoạch gì để thực hiện “tham vọng” trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, thưa Bộ trưởng?
+ Công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác. Nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới đều mong muốn tham gia và có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thực hiện một số hành động cụ thể để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam là xác định phát triển đột phá về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Ngày 21-9-2024 vừa qua, Việt Nam đã ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Để nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội này, Việt Nam cần triển khai nhanh trong thời gian không quá 24 tháng và tập trung vào 4 nhiệm vụ cốt lõi.
Một là hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Hai là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Ba là thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Và thứ tư là thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp và đã có nhiều hợp tác cụ thể với các doanh nghiệp như NVIDIA, AMD, Cadence, Marvell, ARM, Qorvo, LAM Research... Đây là cơ hội của chúng ta để thúc đẩy hợp tác, phát triển lĩnh vực bán dẫn, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Việt Nam có chủ trương xây dựng hệ sinh thái ngành bán dẫn quốc gia với sự tham gia của nhiều bên khác nhau gồm Nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, FPT, Phenikaa…
Đồng thời, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng để sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
. Nhân lực được coi là một yếu tố then chốt cho việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, vậy Bộ KHĐT sẽ triển khai Đề án đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này vào năm 2030 như thế nào?
+ Để triển khai nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo, Bộ KH&ĐT đã có nhiều công văn gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học, đơn vị trực thuộc được ưu tiên hỗ trợ đầu tư, xây dựng, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp quốc gia và cấp cơ sở.
Theo đó, Chương trình sẽ ưu đầu tư, xây dựng, nâng cấp và hiện đại hóa 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và TP Đà Nẵng. Cùng với các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại khoảng 18 cơ sở giáo dục đại học công lập ở 3 miền Bắc, Trung và Nam.
Song, Bộ KH&ĐT đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia hợp tác với các đối tác, tập đoàn công nghệ hàng đầu Hoa Kỳ như NVIDIA, Meta, Qualcomm, Cadence, Marvell, ARM, Qorvo, LAM Research... để thúc đẩy hợp tác giữa 3 bên nhằm đào tạo nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Bộ KH&ĐT cũng tích cực lồng ghép nội dung hợp tác công nghệ, nhất là các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp với Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc; tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập các khuôn khổ hợp tác bán dẫn với các đối tác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,...
Hiện nay, Bộ KH&ĐT đã hỗ trợ nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như NVIDIA, Qualcomm, LAM Research, Qorvo, AlChip... chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.
Đặc biệt, việc Tập đoàn NVIDIA ký kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam vừa qua đã đem lại tiếng vang lớn và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Điều này khẳng định Việt Nam là điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
. Xin cảm ơn ông!
MINH TRÚC