'Đáp án' để kinh tế Việt Nam bứt phá hai con số trong kỷ nguyên mới

'Đáp án' để kinh tế Việt Nam bứt phá hai con số trong kỷ nguyên mới
6 giờ trướcBài gốc
Nền kinh tế Việt Nam năm 2024 tiếp tục bứt phá với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 7,09%, vượt xa mức 5,1% của năm 2023 cũng như dự báo chung của thị trường ở 6,7% và mục tiêu chính thức 6,5%.
Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới.
Cơ hội để Việt Nam "vươn mình"
Ông Andrea Coppola, Kinh tế trưởng World Bank (WB) tại Việt Nam nhận định đất nước hình chữ S sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh vào năm 2025 với tốc độ khoảng 6,5%, điều này sẽ đưa Việt Nam lần nữa trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á và trên toàn cầu.
Dưới góc nhìn của vị chuyên gia, kinh tế toàn cầu đang dần lấy lại sự ổn định sau nhiều năm liên tiếp chịu tác động từ những cú sốc. Còn tại Việt Nam, bức tranh kinh tế rất sôi động. Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ từ biến động địa chính trị, thiên tai và biến đổi khí hậu.
Bất chấp những trở ngại đó, kinh tế Việt Nam vẫn chứng minh sức chống chịu bền bỉ, tiếp tục duy trì quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ. thậm chí còn có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, nhờ xuất khẩu phục hồi cùng với sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Việt Nam đã khẳng định sức hút đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Yếu tố then chốt tạo nên lợi thế này là môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, cam kết của Chính phủ trong việc củng cố thể chế và vị thế chiến lược của Việt Nam như một điểm kết nối quan trọng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ.
"Tôi kỳ vọng đà tăng trưởng tích cực này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2025", ông Andrea Coppola nói.
Kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục sôi động và tăng trưởng cao trong năm 2025 cũng như các năm tiếp theo. Ảnh: Quỳnh Danh.
Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam có thể không duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ như năm 2024 do nguy cơ giảm tốc của hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc, vị chuyên gia WB vẫn cho rằng thương mại sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy.
Ngoài ra còn có sự hỗ trợ tích cực từ đà phục hồi bền vững của nhu cầu trong nước, khi tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng ngày càng được cải thiện.
Thách thức từ biến động toàn cầu
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore cho rằng nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ đối mặt những thách thức lớn mà "thời kỳ Trump 2.0" mang tới.
Với nền kinh tế có độ mở cao thứ hai trong ASEAN chỉ sau Singapore, Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thương mại quốc tế. Năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,09%, phần lớn nhờ vào xuất khẩu và thương mại quốc tế.
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam hiện chiếm khoảng 84% GDP quốc gia. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, và với mức thuế suất mới rất cao được áp dụng trong thời gian tới chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới dòng giao thương này.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên ông Trump làm tổng thống Mỹ, UOB thống kê đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 10% bởi chính sách thuế quan. Biến động của đồng tiền này thường cùng xu hướng với biến động của các đồng tiền châu Á, trong đó có Việt Nam.
Vì thế, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, biến động giá trị đồng USD có thể gây ra những tác động đáng kể tới thị trường tài chính Việt Nam vì sự phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô, máy móc và thiết bị từ nước ngoài.
Còn ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành khối kinh doanh tiền tệ UOB Việt Nam đánh giá trong hơn 11 tháng của năm 2024, USD tiếp tục khẳng định giá trị vượt trội nhờ đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, đồng thời lãi suất USD tiếp tục neo ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.
Gần như toàn bộ đồng tiền quan trọng trong thương mại và đầu tư toàn cầu đều chịu sức ép giảm giá 1-10% so với USD, trong đó VND nằm ở mức trung bình. Dự báo trong năm nay, chu kỳ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chậm hơn kỳ vọng. Điều này có thể tạo áp lực lên tỷ giá USD so với các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Thị trường tài chính sẽ có những biến động khó đoán định hơn trong năm 2025. Ảnh: Reuters.
Chỉ ra thêm những thách thức nền kinh tế hơn 100 triệu dân của Việt Nam phải đối mặt năm nay, ông Suan Teck Kin nhận định ASEAN hiện là điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với Mỹ là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào khu vực. Tuy nhiên, chính sách thuế quan cứng rắn hơn từ chính quyền mới của ông Trump có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu, gây ảnh hưởng đến ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Ông Andrea Coppola cũng cho rằng bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu từ đà chậm lại trong tăng trưởng của các nền kinh tế lớn; sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng đầu tư của Việt Nam trong năm nay.
Cùng với đó, quá trình chuyển đổi công nghệ tạo ra cơ hội để đẩy nhanh tăng trưởng năng suất nhưng cũng tạo ra thách thức. Tự động hóa ngày càng tăng có thể tác động đến việc làm và khả năng cạnh tranh, đặc biệt đối với các quốc gia có mô hình xuất khẩu dựa trên chi phí lao động thấp.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn phải đối mặt với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, làm gia tăng mức độ dễ bị tổn thương.
Tận dụng cơ hội lớn
Việt Nam có thể phải đối mặt với không ít thách thức, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để duy trì và phát triển nền kinh tế. Ông Andrea Coppola cho biết chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu giảm, nhưng nhu cầu ở Đông Nam Á đang tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là cơ hội lớn mà Việt Nam cần tận dụng.
Để nắm bắt cơ hội, Việt Nam cần tăng cường hội nhập, đẩy mạnh kết nối thương mại và đầu tư, đồng thời chú trọng đến quá trình chuyển đổi công nghệ và nâng cao kỹ năng lao động để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động toàn cầu. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng bền vững.
Việt Nam hiện là điểm kết nối quan trọng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, Việt Nam muốn đạt được điều này cần đặc biệt cải cách lớn trong các lĩnh vực con người, cơ sở hạ tầng và thể chế.
Trong đó, đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng sẽ nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Cải cách thể chế sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả trong các chính sách.
Ông Coppola đề xuất một gói chính sách toàn diện, với việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng. Vị chuyên gia cho rằng cũng cần giải quyết các vấn đề trong hệ thống tài chính, như việc nâng cao năng lực các ngân hàng và cải thiện giám sát tài chính, để giảm thiểu rủi ro.
Một yếu tố quan trọng cần chú trọng là phát triển thị trường vốn nhằm ổn định môi trường tài chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cần đa dạng hóa các khoản đầu tư, thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn để hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cũng nhận thấy yêu cầu của Tổng bí thư Tô Lâm về việc từ bỏ tư duy "nếu không quản được thì cấm" là một cải tiến rất quan trọng. Chuyển từ tư duy "cấm đoán" sang tư duy "tạo điều kiện" sẽ giúp giảm số lượng các quy định không cần thiết và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, là động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai.
Tương tự, ông Suan Teck Kin từ UOB Singapore nhận thấy chính sách mới của ông Trump có thể tạo ra một số thách thức đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng đây cũng là thời điểm để Việt Nam chủ động tìm kiếm các cơ hội mới.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng nếu tình hình xuất khẩu sang thị trường này gặp khó khăn, Việt Nam vẫn có thể tăng cường xuất khẩu sang các khu vực khác.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm như da giày, thủy sản và nông sản, thay vì chỉ tập trung vào nhóm máy tính và linh kiện điện tử. Việc này giúp giảm thiểu rủi ro và tạo ra sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Cơ hội thứ hai đến từ việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Số liệu cho thấy đầu tư công hỗ trợ cho tăng trưởng GDP ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 30%, trong khi con số này ở Trung Quốc là hơn 40%. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng đầu tư công.
Tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực và các nền kinh tế mới nổi tạo dư địa để Chính phủ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore)
Bài học từ Trung Quốc cho thấy việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng như sân bay, cầu, cảng biển, cũng như đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục và y tế, không chỉ giúp tăng trưởng mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam tạo đột phá trong phát triển trong những năm tới.
Ngoài ra, một cơ hội lớn khác là hỗ trợ tài khóa từ Chính phủ. Tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực và các nền kinh tế mới nổi, chỉ khoảng 31% GDP (dự báo giảm xuống vào năm 2029). Điều này tạo dư địa để Chính phủ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, từ đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
Nếu tận dụng được những cơ hội này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể vươn mình mạnh mẽ, không chỉ đối phó với các thách thức hiện tại mà còn tận dụng được xu hướng toàn cầu để phát triển bền vững trong tương lai.
Hồng Nhung
Nguồn Znews : https://znews.vn/dap-an-de-kinh-te-viet-nam-but-pha-hai-con-so-trong-ky-nguyen-moi-post1528455.html