Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết

Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
12 giờ trướcBài gốc
Anh Phan Thế Khương tại thôn Nguyệt Lâm 3, xã Vũ Bình (Kiến Xương, Thái Bình) thu hoạch cá chép. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Những ngày này, tại xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tấp nập thương lái tới thu mua cá chép đỏ. Trong quan niệm của người Việt, Tết ông Công, ông Táo là nghi lễ rất quan trọng và đặc biệt không thể thiếu cá chép đỏ mang ý nghĩa “cá chép hóa rồng”, đưa 3 vị Táo quân về trời, tượng trưng cho sức khỏe, an lành, sung túc và may mắn. Năm nay, do thời tiết bất thuận khiến nguồn hàng khan hiếm, giá cá cũng cao hơn so với mọi năm.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm, anh Phan Thế Khương (thôn Nguyệt Lâm 3) là một trong những hộ kinh doanh và nuôi cá chép đỏ nhiều nhất thôn. Với hơn 1 sào diện tích mặt nước, quanh năm anh Khương nuôi thả các giống cá truyền thống như trắm, chép, trôi … Đến tầm tháng 6 âm lịch hàng năm, anh bắt đầu thả cá chép đỏ giống xuống ao nuôi kết hợp. Sau khoảng 5 - 6 tháng nuôi thả, chăm sóc đến khi thu hoạch cá chép đỏ có trọng lượng khoảng 25 con/kg, cá có kích cỡ vừa phải, màu sắc tươi đỏ bắt mắt.
Anh Khương cho biết, so với các giống cá khác, cá chép đỏ có nhiều ưu thế như sức đề kháng tốt, ít mắc dịch bệnh, chi phí thức ăn thấp và thời gian nuôi ngắn, giúp người dân nhanh thu hoạch. Bởi vậy tận dụng diện tích mặt nước sẵn có của gia đình, anh nuôi kết hợp cá chép đỏ cùng với các loại cá phổ biến khác.
Để phục vụ thị trường Tết ông Công, ông Táo năm nay, cùng với số lượng cá nuôi của gia đình, anh Khương đã chủ động nhập sớm gần 7 tấn cá chép đỏ để kịp bán. Từ giữa tháng Chạp, thương lái từ Hải Dương, Nam Định, Hà Nội đã tới thu mua gần hết, hiện anh chỉ còn số lượng ít bán trong ngày mai - 23 tháng Chạp. Giá năm nay cũng cao hơn so với mọi năm, nên nông dân rất phấn khởi. Nếu như các năm trước giá bán chỉ dao động dưới 100.000 đồng/kg thì năm nay dao động từ 150.000 - 160.000 đồng/kg; trong đó, tập trung vào 2 loại cỡ cá chính 18 - 20 con/kg và 30 - 35 con/kg. Trừ chi phí, vụ cá chép đỏ năm nay anh Khương có thể thu lãi 40 đến 50 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Phương (thôn Nguyệt Lâm 1, xã Vũ Bình) cho biết, năm nay do ảnh hưởng của bão Yagi nên khoảng 10 tấn cá nuôi của gia đình vùng ngoài bãi sông Hồng bị ảnh hưởng nặng, nước lũ dâng cao, cá trong ao bơi đi gần hết phải thả bổ sung giống. Dịp Tết năm nay, gia đình anh chỉ còn lại khoảng 1 tấn cá chép đỏ cho thu hoạch, phục vụ đúng dịp Tết ông Công, ông Táo. Nguồn hàng khan hiếm, cung ít hơn cầu nên giá cả cũng cao hơn cả đầu vào và đầu ra. Sau khi thu mua của các hộ dân trong tỉnh, anh Phương sẽ vận chuyển lên Hà Nội kịp bán đúng Tết ông Công, ông Táo với giá trung bình 170.000 - 180.000 đồng/kg.
Cá chép năm nay to đều, màu sắc đẹp, bán được giá. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Còn tại xã Vũ Đoài (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) địa phương có truyền thống nuôi cá chép đỏ với khoảng 100 hộ dân, phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm nay do ảnh hưởng của bão lũ, sản lượng cá chép đỏ giảm khoảng 50% so với các năm trước, song theo nhiều nông dân tại đây giá cả cao hơn năm ngoái, giúp bù lại một phần thiệt hại do thiên tai gây ra. Hiện nhiều hộ dân đã bán hết cá ngay trước ngày Tết ông Công, ông Táo.
Ông Nguyễn Phong Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài cho biết, mặc dù cá chép đỏ chủ yếu tiêu thụ 1 lần/năm nhưng hiệu quả kinh tế cao từ 2 lần trở lên so với nuôi thả thủy sản thương phẩm. Đây cũng là một hướng đi mới của người dân góp phần nâng cao thu nhập, đa dạng nguồn lợi thủy sản đồng thời góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cơ sở sản xuất nem Lai Vung. Ảnh: Nhựt AnTTXVN
Cùng chung niềm vui là các cơ sở sản xuất đặc sản nem Lai Vung (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Sản phẩm đang được thị trường tiêu thụ mạnh, tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Vì vậy, các cơ sở sản xuất nem ở huyện Lai Vung tăng công suất hoạt động nhằm đảm bảo số lượng hàng cung ứng cho thị trường.
Đặc sản nem Lai Vung truyền thống làm từ thịt lợn, da lợn, lá vông, lá chùm ruột… và được gói trong lá chuối. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các cơ sở sản xuất nem ở Lai Vung tích cực tìm tòi, đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài những chiếc nem truyền thống, các cơ sở còn sản xuất một số mặt hàng khác như nem chua quế, nem đòn, bì dai, bì sỏi, bì mắm, chả lụa trứng muối, chả ớt xiêm xanh, ba tê trứng muối…
Những ngày này, tại nhiều cơ sở sản xuất nem trên bịa bàn huyện Lai Vung đang hoạt động hết công suất. Các công nhân tất bật thực hiện những công việc làm nem như chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu, phụ liệu; phối trộn nem, ủ nem; bao gói; bảo quản nem thành phẩm… Nem là món ăn ngon, có thể bảo quản được trong thời gian khá dài, tiện dụng, thường được nhiều gia đình ở miền Tây Nam bộ chọn mua để dùng và đãi khách trong những ngày Tết đến Xuân về.
Chị Đặng Thị Ngọc Thùy, chủ cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh, huyện Lai Vung cho biết, cận Tết Nguyên đán, tình hình tiêu thụ nem, bì, chả các loại tại cơ sở của chị tăng lên. Ngoài cung cấp chủ yếu cho các đại lý ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, còn bán cho nhiều khách du lịch. Cơ sở của chị đã tăng công suất hoạt động, đầu tư thêm máy móc và thuê thêm công nhân làm việc để kịp cung cấp cho khách hàng. Ngày thường, cơ sở sản xuất khoảng 5.000 - 6.000 chiếc nem, những ngày cận Tết thì tăng gấp 2 - 3 lần. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được cơ sở đặt lên hàng đầu.
Theo nhiều cơ sở sản xuất nem ở huyện Lai Vung, hiện nay tuy thị trường đang hút hàng, sản lượng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường nhưng giá bán nem, bì, chả các loại không biến động nhiều. Nem vẫn bán từ 20.000 - 60.000 đồng/chục (10 chiếc nem), giá bán tùy thuộc vào trọng lượng mỗi chiếc nem và chất lượng nguyên liệu. Những năm trước, từ khoảng 25 tháng Chạp đến Tết Nguyên đán, giá bán các sản phẩm nem, bì, chả sẽ tăng nhẹ vì nguyên liệu, chủ yếu là thịt lợn có giá bán cao hơn.
Sản phẩm nem Lai Vung được gói trong lá chuối. Ảnh: Nhựt An/TTXVN
Nghề làm nem Lai Vung đã hình thành và phát triển hơn 60 năm qua. Tuy trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghề truyền thống này vẫn tồn tại và phát triển. Nếu ban đầu chỉ có một vài hộ làm nem thì đến nay toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất nem, với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Mỗi ngày, các cơ sở làm ra hàng trăm nghìn chiếc nem, bì, chả các loại, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp với giá trị tổng sản lượng ước đạt hơn 60 tỷ đồng/năm; góp phần tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho khoảng 300 lao động địa phương.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nghề truyền thống, nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất nem Lai Vung không ngừng đầu tư về máy móc, cơ sở vật chất để cải thiện chất lượng sản phẩm, chú trọng thiết kế bao bì, nhãn mác. Các công việc gồm xay da và thịt lợn, trộn thịt lợn, định lượng viên nem, bao nem... đều thực hiện bằng máy móc, giúp nâng cao năng suất lao động. Một số cơ sở làm nem Lai Vung đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, có mặt trong tóp những mặt hàng quà tặng đặc sản địa phương.
Theo UBND huyện Lai Vung, nghề làm nem Lai Vung đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là nghề truyền thống. Năm 2012, Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận nem Lai Vung nằm trong tóp 10 đặc sản nem, chả nổi tiếng Việt Nam. Đến năm 2013, nem Lai Vung nằm trong tóp 50 đặc sản quà tặng Việt Nam do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công bố.
Người dân làng trồng kiệu An Thới tất bật thu hoạch kiệu những ngày giáp Tết. Ảnh: Minh Phú/TTXVN
Trái ngược với những địa phương trên, người trồng kiệu Tết ở tỉnh Tây Ninh lại kém vui vì giá kiệu đang “lao dốc” dù thời điểm này trên khắp các cánh đồng kiệu tại phường An Thới (thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) đang hối hả bước vào vụ thu hoạch.
Để kịp cho thương lái thu mua, nông dân tập trung nhổ kiệu từ buổi tối và sáng sớm, các chủ vườn trồng kiệu phải thuê thêm nhân công để đảm bảo thu hoạch, trên khắp các cánh đồng kiệu là không khí hối hả, tất bật, tuy nhiên, người nông dân vẫn kém vui vì những ngày cuối năm giá kiệu đã giảm mạnh so với các mùa vụ trước.
Nhiều chủ vườn cho biết, năm nay dù thời tiết không được thuận lợi, nhưng chất lượng củ kiệu sau thu hoạch vẫn đạt năng suất, với giá thương lái thu mua ở đầu vụ là từ 27.000 - 30.000 đồng/kg; đến nay giá mua củ kiệu tại vườn chỉ còn 18.000 - 20.000 đồng/kg.
Anh Trần Văn Cường (35 tuổi, khu phố An Thới, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) chia sẻ, năm nay gia đình anh đầu tư khoảng 70 triệu đồng để xuống giống cho diện tích gần 0,3 ha, với gần 300 kg kiệu giống. Sau hơn 4 tháng chăm sóc, vườn kiệu nhà anh Cường thu hoạch được khoảng 5 tấn kiệu thương phẩm, với giá bán dao động từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, gia đình anh Cường thu về 100 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư chăm sóc và nhân công thì chỉ còn lãi khoảng 20 - 25 triệu đồng.
Bắt đầu trồng kiệu Tết trong những năm gần đây, anh Trần Văn Phước (40 tuổi, ngụ khu phố An Thới, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) cho biết, giá kiệu giống năm nay là 140.000 đồng/kg khá cao so với năm trước, năm nay gia đình anh xuống giống khoảng 1 tấn kiệu giống, tổng vốn đầu tư gần 200 triệu đồng, thu hoạch được khoảng 15 tấn kiệu thành phẩm.
Cũng theo anh Trần Văn Phước, nếu giá thu mua kiệu ổn định từ 22.000 - 25.000 đồng/kg thì nông dân mới có lãi, với giá kiệu từ 18.000 - 20.000 đồng/kg như hiện nay thì mùa kiệu năm nay, người trồng chỉ có lỗ hoặc hòa vốn.
Đường vào cánh đồng trồng kiệu nhỏ hẹp, xe tải không đến tận nơi nên đa số người trồng kiệu phải vận chuyển kiệu bằng những phương tiện thô sơ. Ảnh: Minh Phú/TTXVN
Ông Đoàn Văn Đôi (73 tuổi, khu phố An Thới, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) chia sẻ, cây kiệu tương đối khó trồng, kén đất và không chịu ngập úng. Tuy trồng kiệu chịu chi phí cao, thời gian thu hoạch dài hơn rau màu, nhưng nếu giá cả ổn định thì lợi nhuận cao gấp đôi rau màu. Tuy nhiên, vụ kiệu Tết năm nay, giá kiệu tươi “lao dốc” khiến nhiều người kém vui.
Theo nghề trồng kiệu Tết nhiều năm nay, ông Phạm Văn Tỷ, (50 tuổi, ngụ khu phố An Thới, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) chia sẻ, vụ kiệu Tết năm nay gia đình ông xuống giống cho diện tích 0,6 ha, thu hoạch được 20 tấn kiệu thương phẩm, nếu giá thu mua của thương lái ổn định từ 20.000 - 22.000 đồng/kg thì năm nay gia đình ông Tỷ có thể thu về khoảng 400 triệu đồng.
Cũng theo ông Phạm Văn Tỷ, năm nay thương lái thu mua củ kiệu tươi với đủ mức giá tùy theo củ kiệu tốt, xấu. Do đó, hiện vẫn chưa biết giá củ kiệu lên hay xuống tiếp, mà phải chờ đến vài ngày nữa mới biết. Việc thương lái chỉ mua kiệu từng đợt khiến ruộng kiệu còn lại chưa thu hoạch phải “nằm đồng” do đó kiệu bị ảnh hưởng về chất lượng theo thời gian, càng để lâu thì kiệu càng mất đẹp, khi bán cho thương lái sẽ mất giá.
Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho biết, tổng diện tích trồng kiệu tại địa phương là khoảng 12 ha, với hơn 40 hộ trồng; trong đó An Thới là một trong những vùng trồng kiệu Tết nổi tiếng của tỉnh, với khoảng 30 hộ trồng, diện tích khoảng 10 ha, năng suất bình quân khoảng 15 tấn/ha. Cây kiệu được trồng tại khu phố An Thới cho năng suất cao, củ kiệu to, thơm ngon và cao cổ hơn nơi những vùng khác nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Sau khi thu hoạch cây kiệu được rửa dưới vòi nước mạnh để loại bỏ bùn đất sẵn sàng phục vụ cho thị trường. Ảnh: Minh Phú/TTXVN
Ông Trần Văn Thanh cũng cho biết, giá kiệu thương phẩm năm nay thấp hơn so với năm trước, hiện nay việc mua bán kiệu giữa nông dân và thương lái chỉ qua quen biết, không có đặt cọc hay hợp đồng mua bán, do đó đầu ra và giá bán kiệu không ổn định. Cùng với đó là thương lái thu mua kiệu theo nhu cầu thị trường, chứ không mua hết ruộng một lần, do vậy nên nông dân cũng chỉ thu hoạch theo đợt nên giá bán không ổn định.
Cũng theo ông Trần Văn Thanh, khu phố An Thới là một trong những địa phương có diện tích trồng kiệu phục vụ cho thị trường Tết lớn nhất của tỉnh, tuy nhiên, những năm qua, người dân gặp khó khăn về vay vốn để mở rộng diện tích cũng như thiếu sự liên kết đảm bảo đầu ra. Do đó, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp các cấp, ngành hỗ trợ vốn vay, kiệu giống và đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ để người dân yên tâm mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập.
Thu Hoài - Nhựt An - Minh Phú (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/buon-vui-voi-san-pham-phuc-vu-tet-20250121183231908.htm