Sáng 13/12/2014, lễ khởi công xây dựng 2 bệnh viện lớn của Trung ương gồm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức-Cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở 2 với tổng quy mô 2.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được tổ chức tại tỉnh Hà Nam. Hai dự án chính thức thi công vào tháng 5/2015, dự kiến hoàn thành vào 31/12/2020.
Kỳ vọng
Hai dự án được xây dựng với mục đích giảm tải nhu cầu khám chữa bệnh cho cơ sở 1 tại Hà Nội vốn quá tải, được xem là đánh dấu bước phát triển mới của ngành y tế.
Thời điểm khởi công xây dựng, cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai được kỳ vọng trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh có đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để chữa trị các bệnh nặng với các chuyên khoa sâu như: Tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp, đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được đầu tư thành một bệnh viện ngoại khoa hoàn chỉnh, hiện đại, đồng bộ để chữa trị các bệnh nặng với các chuyên khoa sâu như chấn thương, xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống; phẫu thuật cấp cứu và chuẩn bị cho các chuyên khoa khác như tiêu hóa, gan mật, vi phẫu, tim mạch nhi; hồi sức, điều trị tích cực, cấp cứu ngoài viện; đáp ứng 3.500 lượt khám mỗi ngày.
Với tổng mức đầu tư của mỗi cơ sở lên tới 4.500 tỷ đồng, Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức 2 nằm trong nhóm các dự án bệnh viện có mức đầu tư thuộc hàng cao nhất tại nước ta.
Đơn cử, cuối năm 2014, Tòa nhà Trung tâm - Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Quân y 103 được khởi công, quy mô hơn 1.000 giường, tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Sau 6 năm, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Hoặc với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng sau 6 năm triển khai, cuối năm 2018, tòa nhà trung tâm quy mô 2.000 giường bệnh với mức đầu tư 342 tỷ đồng được hoàn thành, trở thành tòa nhà khám chữa bệnh hiện đại nhất Việt Nam thời điểm đó.
Cơ sở 2 Bệnh viện Nhi Trung ương (tại Quốc Oai, Hà Nội) được khởi công xây dựng từ tháng 2/2023, quy mô 300 giường bệnh nội trú, tổng mức đầu tư hơn 880 tỷ đồng, sắp được đưa vào hoạt động đầu năm 2025. Còn Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, quy mô 300 giường bệnh nội trú cũng đang tích cực xây dựng, hoàn thành.
Thực tế
Ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này được khánh thành. Khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 từng đưa phòng khám vào hoạt động vào năm 2019 nhưng do tác động của dịch Covid-19 nên tạm dừng vào năm 2020. Đến năm 2021, cơ sở này được sử dụng để cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng sau đó cũng đóng cửa. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2, gần 6 năm chỉ dừng lại ở việc cắt băng khánh thành, chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.
Đến nay, sau gần 10 năm khởi công, hai bệnh viện vẫn đóng cửa. Chiều 30/10, Ban Nội chính Trung ương tổ chức thông báo kết quả cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực do Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì vào sáng cùng ngày. Theo đó, hai dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Hữu nghị Việt Đức nằm trong danh sách 57 dự án trọng điểm đang kéo dài, gây lãng phí.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết quá trình xây dựng, thi công dự án, thực hiện hợp đồng của hai bệnh viện này có nhiều vướng mắc liên quan. Đầu năm 2021, dự án tạm dừng thi công, từ đó đến nay chưa giải quyết được vướng mắc và chưa có cơ chế xử lý, điều chỉnh vấn đề khó khăn liên quan dự án, ông Luận cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 9/11.
Để tháo gỡ, tháng 2/2023, Thủ tướng ra quyết định lập tổ công tác của Chính phủ nhằm rà soát khó khăn, vướng mắc dự án, đề xuất phương án xử lý để dự án được tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, phục vụ nhân dân.
Thứ trưởng Lê Văn Luận cho biết thời gian qua, tổ công tác đã nhiều lần rà soát hồ sơ dự án, đánh giá toàn diện về pháp lý và kỹ thuật liên quan đến dự án, nghiên cứu, xác định khó khăn, vướng mắc cơ bản cần phải tháo gỡ, đề xuất phương án xử lý giải quyết. Bộ Y tế đang hoàn thiện phương án báo cáo tiếp và sẽ đề xuất Chính phủ, cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn với 2 dự án này.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay việc rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư xây dựng là "công việc thật sự khó". Tháng 6/2024, khi trả lời báo chí, Bộ trưởng Y tế cho biết Bộ đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết 31/12, chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu để tiếp tục thi công hoàn thành công trình.
Cập nhật tiến độ mới nhất, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, Bệnh viện Bạch Mai 2 hiện đã hoàn thành hơn 90%. Trong khi đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 2 mới hoàn thành hơn 60%. Ông Luận thông tin nhà thầu bệnh viện này đã khởi động lại thi công dự án.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10, Thủ tướng đã yêu cầu trong vòng 6 tháng nữa, Bộ Y tế phải hoàn thiện, bàn giao và đưa hai bệnh viện vào hoạt động.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức dự kiến đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày nhưng sau gần 10 năm thi công, bệnh viện 4.500 tỷ này vẫn bị bỏ hoang. Ảnh chụp tháng 11/2024: Trọng Tùng
Đại diện Bộ Y tế hồi tháng 7 khi chia sẻ về nguyên nhân khiến tiến độ thực hiện dự án bị chậm cho biết đây là các dự án có quy mô lớn nhưng thời gian thiết kế và công tác chuẩn bị dự án ngắn, có nhiều thay đổi theo nhu cầu sử dụng nên thiết kế phải thay đổi, điều chỉnh nhiều khiến việc thi công bị chậm.
Công tác thẩm định, phê duyệt bị kéo dài, chưa kể với ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 3 năm (2020-2022) và cuộc khủng hoảng do xung đột tại Nga - Ukraine dẫn đến cắt đứt chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình tháo gỡ khó khăn và triển khai, tiếp tục làm chậm tiến độ dự án, chưa kể các nguyên nhân chủ quan khác...
Võ Thu