Ảnh minh họa
Theo đó, quỹ BHYT chi trả như khi đi khám, chữa bệnh đúng quy định trong trường hợp người bệnh tự đến cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo; khám, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp khám, chữa bệnh ban đầu và một số cơ sở thuộc cấp khám, chữa bệnh cơ bản trên toàn quốc và khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh chuyên sâu với lộ trình phù hợp.
Nếu so sánh với dự thảo luật được trình ra Quốc hội lần đầu, dự thảo lần này đã có sự điều chỉnh theo hướng đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT.
Ở chiều ngược lại, việc thực thi nội dung này có thể sẽ tác động không nhỏ đến khả năng cân đối quỹ BHYT cũng như việc tổ chức, hoạt động của hệ thống khám, chữa bệnh, đặc biệt là y tế cơ sở. Nhưng thực tế trước đó đã có một “phép thử” khá thuyết phục. Từ năm 2014, người bệnh muốn được thanh toán BHYT phải chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên một cách tuần tự. Từ năm 2016, thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh (cả nội trú và ngoại trú) ở cấp huyện và từ năm 2021 đã thông tuyến điều trị nội trú tuyến tỉnh.
Theo đó, người tham gia BHYT khi tự đi khám, chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tuyến tỉnh trên toàn quốc đều được Quỹ BHYT thanh toán như đi khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Các quy định này đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh BHYT.
Nếu như việc mở rộng từng bước quy định thông tuyến khám, chữa bệnh đi cùng với các giải pháp thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí (như thực hiện hiệu quả việc liên thông kết quả xét nghiệm cận lâm sàng giữa các cơ sở khám, chữa bệnh; hạn chế việc giữ bệnh nhân các ngày thứ bảy, chủ nhật đến thứ hai mới làm thủ tục ra viện)... thì chắc chắn quyền lợi của người dân được bảo đảm tốt hơn, dù cho cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải vất vả hơn trong việc tăng cường hiệu quả, chất lượng khám, chữa bệnh, quản lý sức khỏe nhân dân tại cấp ban đầu.
ANH PHƯƠNG