Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân.
Trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 77,48%
PV: Gần 30 năm chia tách tỉnh, từ nơi rất khó khăn về trường lớp, xin ông cho biết những kết quả tiêu biểu đạt được công tác xóa phòng học tạm bợ?
Ông Nguyễn Minh Luân: Thời gian đầu sau khi tái lập tỉnh, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Cà Mau gặp nhiều khó khăn về trường, lớp, nhất là ảnh hưởng của cơn bão số 5 năm 1997 đã làm hư hỏng 80% phòng học trên địa bàn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh cùng sự hỗ trợ của Trung ương và các mạnh thường quân trên khắp mọi miền đất nước, tỉnh đã có bước tiến vượt bậc về quy mô trường lớp, xóa phòng học tạm và nâng số phòng học kiên cố từ 2.320 phòng lên 4.492 phòng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 17 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024.
Từ chưa có trường đạt chuẩn quốc gia đến nay đã có 382/493 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 77,48%, từ đó tạo môi trường dạy và học tốt nhất cho giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.
PV: Thưa ông, tỉnh thực hiện chính sách nào để có kết quả trên?
Ông Nguyễn Minh Luân: Với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục; trong đó có chương trình kiên cố hóa trường học, lớp học và nhà công vụ giáo viên trên địa bàn.
Đầu tư ngân sách cho giáo dục khoảng 20% trong tổng thu ngân sách tỉnh để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học, hỗ trợ cho giáo viên những vùng còn khó khăn… Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục; cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm cạnh tranh công bằng, minh bạch, ưu tiên về quỹ đất và thời gian sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Xóa, sát nhập 81 điểm trường
PV: Thưa ông, địa phương hơn 4 năm thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã có kết quả ra sao?
Ông Nguyễn Minh Luân: Qua hơn 4 năm thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học giai đoạn 2020 - 2025, hệ thống trường, lớp các cấp học từng bước được rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hoàn thiện, hợp lý và hiệu quả hơn.
Tỉnh đã xóa, sáp nhập 81 điểm trường trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa và phát triển bền vững, giữ ổn định về mạng lưới trường lớp, đảm bảo nhu cầu học tập của người dân, phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc xóa các điểm trường lẻ, chuyển về các điểm trường chính để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh được Nhân dân đồng tình ủng hộ, nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất phục vụ xây dựng, mở rộng các điểm trường, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện công tác sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường học trên địa bàn.
Một điểm trường ở Đất Mũi.
Toàn tỉnh hiện có 493 trường gồm: 134 trường mầm non, trong đó có 14 trường ngoài công lập; 213 trường tiểu học, trong đó có 01 trường ngoài công lập; 113 trường trung học cơ sở; 33 trường trung học phổ thông, trong đó có 01 trường ngoài công lập với 382 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 77,48%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án còn gặp một số khó khăn như: Việc sáp nhập dẫn đến quá tải về số lượng học sinh đối với một số điểm trường chính có quỹ đất hẹp, không đủ điều kiện để mở rộng đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng, đồng thời gây nên tình trạng dôi dư cục bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục; một số điểm trường cách quá xa trường chính (khoảng 7 km đến 10 km), tuy có ít học sinh nhưng phải duy trì để đảm bảo điều kiện đi lại cho học sinh, nhất là đối với trẻ mẫu giáo, học sinh lớp 1, lớp 2.
PV: Để công tác đầu tư giáo dục nhất là xây dựng trường lớp kiên cố theo chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo như: xóa, ghép các điểm trường lẻ, các công trình phụ trợ trong trường học, tỉnh có kiến nghị gì?
Ông Nguyễn Minh Luân: Để đảm bảo việc xây dựng trường lớp kiên cố theo chuẩn quy định trong thời gian tới, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2025 - 2030, đồng thời xem xét, hỗ trợ nguồn vốn cho các địa phương còn khó khăn để thực hiện Chương trình, trong đó có tỉnh Cà Mau.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đào Văn