Ông Lê Văn Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 151.000ha, trong đó, diện tích có rừng trên 100.000ha; rừng đặc dụng gần 24.000ha; rừng phòng hộ trên 20.000ha; rừng sản xuất trên 53.000ha. Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 26,2% (trong đó, độ che phủ rừng đạt 17,53%). Tổng thu nhập kinh tế lâm nghiệp năm 2024 trên 2.012 tỉ đồng, trong đó thu nhập từ lâm sản đạt gần 500 tỉ đồng.
Cán bộ quản lý rừng kiểm tra quá trình sinh trưởng của cây
Những năm gần đây, thị trường tín chỉ carbon đang trở thành một kênh tài chính quan trọng, khuyến khích các hoạt động giảm phát thải và tăng cường hấp thụ carbon. Bởi hiện nay, những tác động của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, thì việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững không chỉ là trách nhiệm, còn là cơ hội để doanh nghiệp tạo ra giá trị mới từ việc bán tín chỉ carbon. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (Công ty U Minh Hạ) là một trong những đơn vị có diện tích rừng lớn, với hơn 24.000ha, có đủ lợi thế để tham gia vào thị trường tiềm năng này.
Ông Đỗ Văn Đồng, Phó giám đốc Công ty U Minh Hạ cho biết đơn vị đang quản lý trên 24.000ha rừng, trong đó, công ty đang trực tiếp sản xuất trên 4.140ha; hợp tác đầu tư với 252 hộ, diện tích 4.001ha; giao khoán cho 2.374 hộ với diện tích 15.991ha.
Theo ông Đồng, việc chuyển đổi mô hình từ trồng rừng quảng canh truyền thống sang trồng rừng thâm canh kê liếp (từ sản xuất lâm nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế lâm nghiệp) đã phát huy hiệu quả; năng suất và chất lượng được nâng cao hơn rừng trồng quảng canh truyền thống; giá trị lâm sản cao, giảm nguy cơ cháy rừng. Từ đó, người dân có ý thức rất hơn trong công tác trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng.
Được biết, Công ty U Minh Hạ hiện đang thực hiện phương án rừng bền vững giai đoạn 2024-2028 với các mục tiêu cụ thể như: sử dụng hiệu quả rừng và đất rừng với chi phí hợp lý, đảm bảo tính liên tục, lâu dài; hạn chế đến mức thấp nhất mâu thuẫn giữa kinh tế, môi trường và xã hội. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng với giá thành hợp lý, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.
Ông Dương Tùng Sơn, ngụ xã Khánh Lâm, tỉnh Cà Mau chia sẻ: "Thời gian qua, công ty thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn về cách chăm sóc rừng, ứng phó khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Nhờ vậy, chúng tôi có thêm kiến thức cần thiết để chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn; đảm bảo thu nhập khi gỗ đến kỳ thu hoạch. Đặc biệt, việc trồng rừng cây gỗ lớn, ngoài thu hoạch gỗ, việc bán tín chỉ carbon sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định trong suốt quá trình cây phát triển".
Trồng rừng gỗ lớn có nhiều tiềm năng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon
Anh Trần Hoàng Phương, Liên tiểu khu U Minh 1, Công ty U Minh Hạ cho biết: "Tiểu khu có tiềm năng rất lớn trong việc cung cấp 2 loại dịch vụ môi trường rừng gồm trồng rừng gỗ lớn hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hiện nay, Liên tiểu khu đang hướng đến việc trồng và chăm sóc cây gỗ lớn cũng như hoàn thiện các tiêu chí để có thể bán tín chỉ carbon".
Có thể nói, việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho Công ty U Minh Hạ mà còn đóng góp trực tiếp vào nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Đây là minh chứng rõ ràng cho vai trò của ngành lâm nghiệp trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trần Khải