Sau khi Lê đưa người yêu về ra mắt, hai gia đình bàn chuyện tiến tới hôn nhân. Tục lệ của dòng họ là khi nhà nào có việc, gia đình sẽ mời các bậc cao niên trong họ đến để xin ý kiến, bàn bạc, phân việc. Trước buổi họp mặt tại gia đình mình, Lê kéo bố ra một bên, thì thầm:
- Bố ơi, có cách nào đừng mời bà Miền đến được không ạ?
Bố cô sửng sốt:
- Bà Miền là chi trên, lại là người cao tuổi gần nhất họ, không mời bà thế nào được hả con?
Lê vò đầu bứt tai mãi rồi mới dám nói:
- Nhưng bà Miền hay ý kiến trái khoáy lắm. Bố có nhớ đám cưới của chị An con nhà bác Thức, rồi đám cưới của anh Tú con nhà bác Liên không? Đám nào cũng khốn khổ vì bà Miền tham gia nhiều đến nỗi rối tung cả lên…
Bố Lê ngẩn người ra một lúc rồi cũng băn khoăn ra mặt.
- Thôi cứ để bố tính… Mà bà cũng chỉ vì muốn tốt cho các cháu thôi mà. Bà là thương con nhất trong dòng cháu chắt của họ mình đấy.
Nghe thế Lê càng sợ. “Cũng chỉ vì muốn tốt…” là câu cửa miệng của bà Miền. “Cũng chỉ vì muốn tốt…”, “sợ cái An nó bị nhà chồng khinh” mà bà nhất quyết bắt nhà trai quay về chuẩn bị thêm 3 cái lễ ăn hỏi nữa với lý do “Cả làng này nhà nào cũng 7, 9 thậm chí 15 cái tráp lễ vật, ít thì cũng phải 5, sao nhà ông bà mang tới có 3 lễ. Phải chăng ông bà coi cháu An tôi không ra gì”?
“Cũng chỉ vì muốn tốt…” mà tại lễ thành hôn của anh Tú, bà lên tận nơi, kiểm tra rất kĩ xem của hồi môn nhà gái trao cho cháu dâu của bà có phải là vàng thật không. “Tôi chỉ sợ nhỡ đâu là mĩ kí hay vàng Tây, giá trị không đúng như mong muốn, sau này các cháu nó có bán đi để xây nhà, mua xe thì lại nghi kị, mâu thuẫn với nhau”…
Khỏi phải nói, cả nhà trai lẫn nhà gái đều xanh mặt mày. Cô dâu chú rể chẳng biết nói thế nào đành cứ ngậm chặt cho khỏi bật khóc.
Trong khi đó, dù không phải là cháu ruột nhưng từ bé đến lớn bà chiều Lê nhất. Từ lúc cô chào đời cho đến lúc thi đại học, mua được chiếc xe máy hay ốm đau, vui buồn gì bà đều có mặt. Cũng chính vì thế mà Lê rùng mình, lo sợ nhỡ bà “can thiệp sâu” vào đám cưới để xảy ra những chuyện tương tự thì cô không biết giấu mặt đi đâu với gia đình chồng.
Chính vì thế mà gần đến ngày cưới nhưng Lê không mấy vui vẻ. Hiểu được nỗi lòng của chị, các anh, em trong họ “động viên” Lê:
- Hay chị mạnh dạn nói thẳng với bà Miền xem. Dù gì bà cũng “hợp vía” chị, chắc không đến nỗi mắng mỏ, giận dỗi đâu.
- Chị cũng đã nghĩ đến điều này nhưng dù gì bà cũng là bà…
- Còn dù với gì nữa. Thế chị muốn như chị An đứng sượng mặt giữa đám hỏi hay giống anh Tú đến giờ vẫn không dám ngẩng mặt lên với nhà vợ?
Nghĩ đi nghĩ lại, sau khi bàn bạc kĩ lưỡng với bố mẹ, Lê “đánh liều” sang gặp bà Miền. Cô kể hết những nỗi lo lắng của mình và cuối cùng mong bà muốn trao đổi gì với bên đằng trai thì có thể bàn trước với cô, cô sẽ tìm cách nói sao cho hài hòa, tế nhị, dễ nghe nhất…
Bà Miền nghe xong thì nổi đóa lên:
- Á à, hóa ra cháu coi bà là kẻ phá đám, là người già rách việc à? Bà cũng chỉ vì muốn tốt cho các cháu thôi mà ai cũng nghĩ bà như thế à? Thôi, cô về đi, việc nhà cô tôi chả dám dây. Tự đi mà lo với nhau…
Lê lủi thủi ra về. Lúc bố mẹ cô sang mời bà đến họp bàn, bà đóng cửa không tiếp. Lễ ăn hỏi của Lê bà Miền không có mặt. Người trong họ lặng lẽ nhìn nhau thở dài.
Đám cưới Lê, không thấy bà Miền, Lê không những cảm thấy trút được gánh nặng mà còn buồn buồn. Thế là bà giận Lê thật rồi. Nhớ bà đắp từng nắm dấp cá lên trán khi cô sốt, nhớ bà đi ăn cỗ tận đâu cũng mang phần về cho cô, nhớ bà bán cả đàn gà lấy tiền mừng lúc cô đỗ đại học…
Nhà trai xin dâu xong, đám diễn ra trọn vẹn vui tươi, không có sai sót gì đáng chê trách mà Lê vẫn canh cánh trong lòng. Chuẩn bị bước lên ô tô về nhà chồng rồi, chợt thấy bà Miền chân bước thoăn thoắt đến.
Bà trao cho Lê một chiếc nhẫn vàng, vừa đeo vào tay cô vừa thở hổn hển:
- Sáng nay bà phải dậy sớm lên phố mua đấy. Bà sợ vàng mua gần đây không chuẩn. Nhỡ đâu… Bà chỉ muốn tốt…
Lê không giấu được nước mắt, vừa khóc vừa nói:
- Cháu xin lỗi bà, cháu cứ tưởng bà không đến. Cháu chỉ muốn đám cưới mình và cả những anh em trong họ có sai sót gì sẽ khiến mọi người không vui thôi. Bà đừng giận cháu bà nhé…
Bà Miền tỏ vẻ lúng túng:
- Bà cũng không phải. Bà cũng phải thay đổi cháu ạ, xét nét quá, thiếu tế nhị quá trong một đám cưới cũng mất vui. Nhưng cũng chỉ vì bà muốn tốt cho các cháu thôi mà…
Đến lúc này thì tất cả mọi người dự đám cưới đều bật cười. Có tiếng ai đó gọi bà Miền vào ăn cỗ không hay là đi đưa dâu.
P.V