Khánh thành công trình "Trường đẹp cho em" dành cho học sinh dân tộc tại tỉnh Sơn La.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số đang được quan tâm triển khai. Hiện nay cả nước có 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số được triển khai dạy chính thức trong trường phổ thông tại 22 tỉnh, tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
6 thứ tiếng dân tộc thiểu số được triển khai dạy chính thức trong trường phổ thông gồm: Khmer, Chăm, Ê đê, Jrai, Bahnar, Mông. Đến nay, cả nước có 535 trường phổ thông dạy tiếng dân tộc thiểu số với gần 118.000 học sinh học các thứ tiếng.
Bên cạnh đó, còn có một số tiếng dân tộc thiểu số đang được triển khai dạy thực nghiệm tại 16 tỉnh với quy mô thử nghiệm hàng chục nghìn học sinh. Ngoài ra còn có 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Hoa, Chăm, Thái, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Bru Vân Kiều, Stiêng) được tổ chức dạy cho cán bộ, công chức, viên chức tại 28 tỉnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, hiện nay việc thực hiện các chính sách phát triển giáo dục dân tộc của Nhà nước đối với học sinh được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên được triển khai ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Nhờ đó, học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt hơn, giảm tình trạng học sinh bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, phổ cập giáo dục.
Tuy nhiên, việc triển khai dạy tiếng dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn như chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học còn thấp; việc xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng khó còn hạn chế; tỷ lệ học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo cao, việc duy trì sự chuyên cần và sĩ số tại các trường có dạy tiếng dân tộc thiểu số khó khăn…
(Theo HNMO)