Cả nước còn thiếu hơn 120.000 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập

Cả nước còn thiếu hơn 120.000 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập
9 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi công văn đến UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về tuyển dụng, sử dụng chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.
Theo nội dung công văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung đủ 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương theo Quyết định số 72-QĐ/TW.
Tuy nhiên, tính đến hết kỳ I năm học 2024-2025, cả nước còn khoảng 60.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng trong khi còn thiếu hơn 120.000 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (bao gồm biên chế được giao chưa sử dụng và biên chế được bổ sung năm học 2024-2025). Không để công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng giáo viên.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên như thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng; có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên về công tác tại địa phương; đặt hàng đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo theo nhu cầu của địa phương; tăng cường bồi dưỡng giáo viên sử dụng thông thạo tiếng dân tộc thiểu số nhưng chưa qua các lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng về dạy học tiếng dân tộc thiểu số...
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng năm học, từng cấp học, môn học từ năm học 2026-2027 đến năm học 2030 - 2031, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (theo mẫu gửi kèm theo Công văn này);
Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục; thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Trong công văn hồi tháng 4/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Đồng thời yêu cầu UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản hướng dẫn nội dung quản lý nhà nước về giáo dục do cấp huyện đang quản lý chuyển cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp xã khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm các hoạt động hành chính liên quan đến giáo dục hoạt động bình thường, thông suốt, liên tục không gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Đỗ Như
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/ca-nuoc-con-thieu-hon-120-000-giao-vien-cac-cap-hoc-mam-non-pho-thong-cong-lap.htm