Tại TP HCM - nơi có mật độ phương tiện hai bánh và tài xế công nghệ thuộc hàng cao nhất cả nước, mô hình này bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2024 và đã lan rộng nhanh chóng trong vài tháng gần đây. Các điểm dịch vụ loại này không chỉ cung cấp nơi sạc điện mà còn kết hợp nhiều tiện ích giá rẻ như võng nghỉ trưa, nước uống, mì ăn liền, wifi, khu vệ sinh cá nhân, thậm chí cả khu vực sửa chữa, bảo trì xe điện.
Mô hình “2 trong 1” bắt nhịp hành vi tiêu dùng mới
Theo tìm hiểu của VnBusiness, giá sạc thường dao động từ 8.000 đến 16.000 đồng/lượt, đồ uống từ 15.000 đồng, trong khi dịch vụ nghỉ ngơi hoặc sử dụng nhà vệ sinh thường được miễn phí. Với thời gian sạc khoảng 2 - 3 tiếng, tài xế tranh thủ nghỉ ngơi, thay đồ và chuẩn bị cho ca làm tiếp theo, đó chính là điều mà những quán cà phê thông thường khó có thể cung cấp đầy đủ.
Đáng chú ý, một số chuỗi dịch vụ còn phát triển các gói dịch vụ tháng trị giá khoảng 650.000 đồng, bao gồm gửi xe qua đêm, sạc điện, vệ sinh xe và ưu đãi sử dụng phòng tắm, tạo ra một giải pháp gần như trọn gói cho nhóm khách hàng thường xuyên.
Quán cà phê tích hợp trạm sạc.
Ngoài ra, các đơn vị này đang mở rộng thêm dịch vụ giao - nhận xe tận nơi trong bán kính 7km, tăng khả năng phục vụ linh hoạt và cá nhân hóa. Không gian quán cà phê nhờ đó không còn là nơi chỉ để uống nước hay làm việc, mà đang được tái định nghĩa như một điểm dừng chân chiến lược trong hành trình làm việc hàng ngày của người lao động di chuyển bằng xe điện.
Sự phát triển của mô hình cà phê kiêm trạm sạc không phải là hiện tượng ngẫu nhiên, mà là kết quả trực tiếp của xu hướng đô thị hóa xanh đang diễn ra mạnh mẽ. Khi đó, nhu cầu sạc điện an toàn, linh hoạt và dễ tiếp cận sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong cơ sở hạ tầng giao thông mới.
Trong khi trạm sạc công cộng cần nguồn đầu tư lớn, quy hoạch kỹ lưỡng và thời gian thi công dài, thì các mô hình bán tư nhân như quán cà phê - trạm sạc lại có lợi thế là triển khai nhanh, linh hoạt theo địa bàn dân cư và chi phí đầu tư thấp. Đặc biệt, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể hoặc người đang hoạt động trong ngành F&B tận dụng mặt bằng sẵn có để mở rộng dịch vụ mà không cần thay đổi lớn về kết cấu hay mục tiêu kinh doanh ban đầu.
Nhiều thách thức cần được giải quyết
Một trong những ưu điểm nổi bật của mô hình này là khả năng tạo ra dòng tiền kép: vừa từ dịch vụ sạc (có thể thu theo lượt hoặc theo gói), vừa từ các sản phẩm tiêu dùng tại chỗ như đồ uống, thức ăn nhanh hoặc dịch vụ tiện ích đi kèm. Thậm chí, nếu xây dựng đủ tốt về trải nghiệm, các điểm dừng chân như vậy hoàn toàn có thể trở thành chuỗi dịch vụ nhượng quyền trong tương lai.
Thực ra, mô hình này trên thế giới không phải là mới mẻ, ở nhiều quốc gia mô hình này đã được hình thành từ hàng chục năm trước. Đơn cử như tại Trung Quốc, mô hình trạm sạc mini tích hợp dịch vụ tại các cửa hàng tiện lợi, tiệm sửa xe và quán ăn chính là nền tảng giúp các thành phố như Thâm Quyến, Thành Đô hay Quảng Châu chuyển đổi thành công sang giao thông điện nhẹ. Ở những nơi đó, mạng lưới hàng chục nghìn điểm sạc nhỏ phủ khắp khu dân cư, tuyến đường chính, trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày thay vì chỉ là dịch vụ phụ trợ.
Việt Nam hiện cũng đứng trước ngưỡng tương tự. Các công ty gọi xe như Xanh SM đã triển khai đội ngũ tài xế điện 100%, trong khi các nền tảng như Grab, Gojek…cho phép tài xế tự lựa chọn phương tiện. Dù chưa có con số chính thức, ước tính hàng chục nghìn xe máy điện đã được đưa vào vận hành tại TP HCM và Hà Nội chỉ trong vòng chưa đầy một năm.
Dù đang phát triển nhanh và cho thấy tiềm năng rõ rệt, mô hình cà phê - trạm sạc vẫn đứng trước nhiều thách thức cần được giải quyết nếu muốn trở thành một phần ổn định trong hệ sinh thái giao thông xanh.
Vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn vận hành. Việc sạc nhiều xe cùng lúc đòi hỏi hệ thống điện phải được đầu tư bài bản, từ nguồn cấp ổn định đến thiết bị sạc đạt chuẩn và hệ thống chống cháy, quá tải điện.
Rủi ro từ việc sử dụng thiết bị kém chất lượng hoặc thiếu kiểm soát kỹ thuật hoàn toàn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong không gian đông người như quán cà phê.
Cà phê kiêm trạm sạc xe điện không chỉ là phản ứng linh hoạt trước nhu cầu thị trường, mà còn là minh chứng cho cách dịch vụ đô thị có thể thích ứng và tiến hóa trong quá trình chuyển đổi năng lượng, mô hình này không chỉ giải quyết nhu cầu sạc xe, mà còn góp phần định hình lại cách người dân sống, di chuyển và tiêu dùng trong một đô thị thông minh, bền vững hơn.
Tiến Anh