Cà phê Việt Nam bứt phá từ chất lượng và thị trường xuất khẩu

Cà phê Việt Nam bứt phá từ chất lượng và thị trường xuất khẩu
5 giờ trướcBài gốc
Cà phê chín cho chất lượng vượt trội. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, cà phê Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào sản lượng thô mà cần tái định vị bằng chất lượng, thương hiệu, truy xuất minh bạch và phát triển bền vững. Câu chuyện chuyển mình của cà phê Việt không còn là lựa chọn, mà là điều tất yếu nếu muốn giữ vững vị thế và vươn xa hơn trên bản đồ thế giới.
Tại các địa bàn trọng điểm Tây Nguyên, giá cà phê dao động quanh mức từ 125.000–126.000 đồng/kg, với triển vọng sẽ tiếp tục tăng lên mức trên 130.000 đồng/kg trong thời gian tới. Cụ thể, giá cà phê hôm nay (14/5) tại Đắk Lắk có mức 125.500 đồng/kg, tại Lâm Đồng là 125.000 đồng/kg, tại Gia Lai có mức giá 125.500 đồng/kg và tại Đắk Nông là 125.500 đồng/kg.
Ông Lê Đức Huy - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak), Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đánh giá, hiện lượng cà phê trong dân không còn nhiều, chỉ khoảng 15%. Người dân chủ yếu bán ra một cách dè dặt, không ồ ạt, trong khi trước đó, nhu cầu từ các nhà nhập khẩu tăng cao. Họ đã chủ động mua vào với khối lượng ổn định nhằm dự trữ, đồng thời chờ đợi mùa thu hoạch cà phê tại Brazil và Indonesia diễn ra trong quý II.
Ông Huy nhận định, về cơ bản, nguồn cung cà phê năm nay không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, do tình hình địa chính trị toàn cầu vẫn còn phức tạp, các khách hàng nhập khẩu hiện không còn xu hướng mua tích trữ như trước mà chuyển sang chiến lược mua vừa đủ theo nhu cầu thực tế, nhằm giảm thiểu rủi ro.
Từ đầu năm đến nay, thị trường xuất khẩu cà phê ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc cả về lượng lẫn giá trị. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê đạt 3,78 tỷ USD, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 5.698 USD/tấn, tăng hơn 67%, phản ánh sự cải thiện rõ rệt về chất lượng và vị thế cà phê Việt trên thị trường thế giới. Riêng cà phê Robusta – dòng sản phẩm chủ lực của Việt Nam đang được thị trường châu Á và châu Âu ưa chuộng, nhờ hương vị ổn định và sản lượng dồi dào so với các nước đối thủ.
Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Trong khi nhu cầu thế giới vẫn duy trì ở mức cao, thị trường đang đối diện với những thay đổi về chính sách, đặc biệt là tại châu Âu – nơi chiếm tới 41% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU buộc các doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, áp dụng từ cuối năm 2025. Điều này đòi hỏi ngành cà phê Việt Nam phải gấp rút chuyển đổi phương thức canh tác, áp dụng công nghệ số và quy trình chứng nhận bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã chủ động thích ứng và chuyển mình. Hợp tác xã cà phê nguyên chất Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) là một ví dụ điển hình khi lựa chọn phát triển cà phê đặc sản theo hướng hữu cơ và chế biến sâu, áp dụng phương pháp sấy thăng hoa để giữ trọn hương vị. Hợp tác xã cũng từng bước cải tạo quy trình sản xuất, không làm mất đi giá trị cốt lõi của giống cây bản địa.
Theo ông Trần Xuân Ngọc, Giám đốc hợp tác xã cà phê nguyên chất Bù Đốp, hướng đi này tuy gian nan nhưng giúp giữ được lòng tin và sự trung thành từ người tiêu dùng trong dài hạn, thay vì phát triển ồ ạt rồi sớm mai một.
Đáng chú ý, xu hướng liên kết trong chuỗi giá trị cũng đang được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng và giá trị thương hiệu cà phê Việt Nam. Mới đây, Highlands Coffee và Simexco Daklak – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lớn tại Đắk Lắk đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. Thỏa thuận này đánh dấu bước đi mới trong việc định vị cà phê Robusta Việt Nam không chỉ là nguyên liệu xuất khẩu, mà là sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về chất lượng và tính bền vững.
Những hạt cà phê không đảm bảo chất lượng sẽ tiếp tục bị loại trong quá trình phơi. Ảnh: T. Thắng/BNEWS/TTXVN
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành cà phê vẫn đối mặt với nhiều khó khăn nội tại như biến đổi khí hậu, diện tích vườn cây già cỗi, và công nghệ chế biến còn hạn chế. Ông Bùi Đức Thiện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đắk Lắk cho rằng, để phát triển bền vững, ngành cần đổi mới toàn diện từ khâu trồng trọt đến thu hoạch, chế biến và liên kết thị trường. Chỉ khi người nông dân được hỗ trợ tiếp cận kỹ thuật canh tác bền vững và doanh nghiệp đầu tư mạnh vào chế biến sâu, cà phê Việt mới có thể nâng tầm giá trị và đứng vững trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Trong khi đó, thị trường thế giới cũng đang có dấu hiệu chững lại do giá bán lẻ cà phê tăng mạnh. Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) ghi nhận trong ba tháng đầu năm 2025, giá cà phê, trà và ca cao tại EU tăng 5,26% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng giá cà phê tăng 11,46%. Điều này có thể khiến nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng trong thời gian tới, gây áp lực điều chỉnh giá cà phê thế giới, nhất là khi Brazil chuẩn bị bước vào mùa vụ mới.
Dù vậy, với sự chủ động từ phía doanh nghiệp, chính sách mở rộng thị trường và xu hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD trong năm 2025. Đây không chỉ là con số ấn tượng mà còn thể hiện tiềm năng thực sự nếu ngành nông sản chủ lực này biết tận dụng thời cơ, cải tổ toàn diện để đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững và tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường thế giới.
Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/ca-phe-viet-nam-but-pha-tu-chat-luong-va-thi-truong-xuat-khau/373541.html