Các bên vẫn chia rẽ về nhiều vấn đề trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20

Các bên vẫn chia rẽ về nhiều vấn đề trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20
4 giờ trướcBài gốc
Cuộc đàm phán diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro vào hai ngày 18 và 19/11. Một cuộc biểu tình lớn ủng hộ người Palestine và phản đối cuộc chiến của Israel tại Gaza đã diễn ra rầm rộ tại Brazil.
Biểu tình thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ở Gaza, trước Hội nghị thượng đỉnh G20, ở Rio de Janeiro, Brazil vào ngày 16 tháng 11 năm 2024. Ảnh: REUTERS/Tita Barros
Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trùng với với tuần thứ hai của Hội nghị khí hậu COP29 của Liên hợp quốc tại Baku, nơi các nhà đàm phán đang tìm kiếm sự thống nhất về mục tiêu tài trợ mới nhằm giúp các quốc gia đối phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, bất đồng lớn vẫn tồn tại: các nước phát triển yêu cầu một số quốc gia đang phát triển giàu có hơn phải đóng góp tài chính. Trong khi đó, các nước đang phát triển cho rằng trách nhiệm này thuộc về các quốc gia giàu có nhất thế giới.
Những trở ngại này trở nên phức tạp hơn bởi sự trở lại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người đã cam kết sẽ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu một lần nữa.
Việc đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành vấn đề nhạy cảm đối với G20 kể từ năm 2022. Tình hình càng thêm căng thẳng khi chiến tranh ở Gaza nổ ra, làm sâu sắc thêm các chia rẽ địa chính trị trong nhóm.
Các quan chức dẫn đầu các cuộc đàm phán ở Rio đã cố gắng tránh thảo luận về các cuộc chiến trong suốt năm qua. Tuy nhiên hiện tại, các nhà đàm phán dự kiến sẽ đưa vào bản tuyên bố chung một đoạn văn tổng quát dựa trên nguyên tắc của Liên hợp quốc về hòa bình, kèm theo các đoạn riêng đề cập đến Ukraine và Palestine.
Một trong những đề xuất quan trọng tại hội nghị, liên quan đến việc đánh thuế giới siêu giàu, đã vấp phải sự phản đối bất ngờ từ Argentina. Đề xuất này vốn là sáng kiến của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, chủ nhà G20.
Argentina, dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống cánh hữu Javier Milei, đã thay đổi lập trường sau chuyến thăm tới Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng của Tổng thống đắc cử Trump tại Florida. Ông Milei trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump sau chiến thắng bầu cử Mỹ.
Sự bế tắc trong các cuộc đàm phán này cho thấy những thách thức ngày càng lớn đối với việc đạt được sự đồng thuận quốc tế trong các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và xung đột.
Các nhà quan sát kỳ vọng rằng kết quả Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này có thể tác động đến các thỏa thuận tại COP29 cũng như định hình tương lai hợp tác quốc tế trong thời gian tới.
Cao Phong (theo Reuters, CNN)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/cac-ben-van-chia-re-ve-nhieu-van-de-truoc-them-hoi-nghi-thuong-dinh-g20-post321696.html