Patrick Pouyanné, CEO của TotalEnergies – tập đoàn năng lượng hàng đầu của Pháp – là một trong những nhân vật tiêu biểu của ngành dầu khí có mặt tại Baku. Ảnh AFP
Biểu tượng “rắn khổng lồ” tại COP29
Patrick Pouyanné, CEO của TotalEnergies – tập đoàn năng lượng hàng đầu của Pháp – là một trong những nhân vật tiêu biểu của ngành dầu khí có mặt tại Baku, cùng nhiều lãnh đạo khác, các Bộ trưởng năng lượng và nhiều chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới.
Như năm ngoái, một liên minh các NGO đã cố gắng đếm số lượng người vận động hành lang ngành năng lượng hóa thạch được công nhận tại COP29. Theo liên minh có tên “Kick Big Polluters Out” (KBPO) gồm 450 NGO, số nhà vận động hành lang ước tính là 1.773 người.
Sáng thứ Sáu, khi hàng nghìn người tham gia COP29 đến hội nghị, họ bắt gặp hình ảnh một con rắn khổng lồ, biểu tượng cho lợi ích của ngành năng lượng hóa thạch. Ông Bhebhe, thuộc tổ chức phi chính phủ Power Shift Africa, một trong số những người biểu tình, nói với AFP: “Chúng tôi yêu cầu chấm dứt chủ nghĩa thực dân về năng lượng ở miền Nam”.
Không chỉ các nhà hoạt động mà cả các nhà lãnh đạo cũng cho rằng các COP bị ảnh hưởng bởi ngành năng lượng hóa thạch. “Thật đáng tiếc khi ngành năng lượng hóa thạch và các quốc gia khai thác dầu đã kiểm soát quy trình của COP đến mức không lành mạnh”, cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, người có mặt tại Baku, nhận xét.
Số lượng lớn người vận động hành lang
Theo Liên Hợp Quốc, có khoảng 53.000 người được công nhận tham dự COP29 năm nay (không bao gồm nhân viên kỹ thuật và ban tổ chức). Các NGO cho rằng số lượng người vận động hành lang ngành năng lượng hóa thạch còn đông hơn cả đại diện của hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Azerbaijan (2.229), Brazil (1.914) và Thổ Nhĩ Kỳ (1.862).
Tuy nhiên, con số này có thể không chính xác tuyệt đối, vì báo cáo của các NGO đã tính cả những người liên quan đến các công ty không chủ yếu hoạt động trong ngành năng lượng hóa thạch, như EDF hoặc Orsted – tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu của Đan Mạch.
Dù vậy, sự hiện diện của các đơn vị liên quan đến lợi ích dầu mỏ, khí đốt và than đá tại COP luôn là nguồn cơn gây tranh cãi. Năm ngoái, việc Sultan Al Jaber – lãnh đạo công ty dầu khí UAE – được bổ nhiệm làm Chủ tịch COP28 tại Dubai đã gây ra nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, hội nghị đó đã đưa ra lời kêu gọi đầu tiên về việc thoát ly năng lượng hóa thạch.
Tuyên bố của TotalEnergies
“Chắc chắn rằng không ai từ TotalEnergies tham gia vào các cuộc đàm phán giữa các quốc gia dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như có quyền tham dự vào các buổi đàm phán này”, công ty Pháp làm rõ về sự hiện diện của họ ở Baku.
Sáng thứ Sáu, Patrick Pouyanné tham gia một bàn tròn tại COP29 do nước chủ nhà tổ chức, cùng một lãnh đạo của Socar – công ty dầu khí quốc gia Azerbaijan. Chủ đề thảo luận xoay quanh việc giảm khí thải CO2 và khí methane trong ngành.
COP29 được tổ chức tại Azerbaijan – một quốc gia giàu tài nguyên dầu khí, mà Tổng thống Ilham Aliyev gọi là “món quà của Thượng đế”. Chủ tịch hội nghị năm nay, ông Moukhtar Babayev, cũng từng là lãnh đạo của Socar.
Kêu gọi cải cách
Các nhân vật nổi tiếng như cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và nhà khoa học Johan Rockström đã kêu gọi thay đổi triệt để trong cách tổ chức COP. Họ đề xuất rằng các hội nghị này chỉ nên được tổ chức tại các quốc gia cam kết mạnh mẽ về việc thoát khỏi năng lượng hóa thạch.
Quy định mới của Liên Hợp Quốc đã cho phép giám sát tốt hơn sự hiện diện của các nhóm vận động hành lang, khi từ COP28, những người tham gia phải khai báo thông tin về đơn vị công tác cũng như mối quan hệ tài chính hoặc quan hệ khác với tổ chức xin cấp phép cho họ.
Trong số các phái đoàn đại biểu quốc gia, Nhật Bản có hãng than khổng lồ Sumitomo và Canada có các nhà khai thác dầu Suncor và Tourmaline. Các tập đoàn dầu khí lớn của phương Tây như Chevron, ExxonMobil, BP, Shell và Eni, theo NGO, đã cử tổng cộng “39 người vận động hành lang” đến dự hội nghị.
Nh.Thạch
AFP