Các biện pháp để TP.HCM tăng trưởng kinh tế 2 con số

Các biện pháp để TP.HCM tăng trưởng kinh tế 2 con số
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 8-2, tại phiên họp lần thứ sáu của Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023, các chuyên gia đã thảo luận và tìm kiếm giải pháp để TP.HCM đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số.
Giải pháp tăng trưởng 8+2%
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng để đạt mức tăng trưởng 10% cho năm 2025, TP.HCM thực hiện hai giai đoạn. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng 8% trước, sau đó mới tìm giải pháp tìm thêm 2% còn lại.
Các chuyên gia hiến kế để TP.HCM nắm chắc tăng trưởng kinh tế 2 con số. Ảnh: THUẬN VĂN
Ông nêu: Trong các năm 2017, 2018, 2019, TP.HCM dễ dàng đạt tăng trưởng 8% dựa trên các động lực truyền thống, lúc này tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 33%. Tuy nhiên, từ khi diễn ra đại dịch COVID-19, tổng vốn đầu tư xã hội của TP tụt giảm rất sâu.
Hiện nay để đạt mức tổng vốn đầu tư xã hội 33% như năm 2019, TP cần huy động khoảng 660.000 tỉ đồng cho năm 2025.
“Mấu chốt để TP.HCM nắm chắc mức tăng trưởng 8% là huy động vốn đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài khoảng 500.000 tỉ đồng”- ông Ngân nhấn mạnh.
Với 2% GRDP còn lại, nằm ở việc vận hành, khai thác Trung tâm Tài chính quốc tế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gắn với khu đô thị lấn biển, khu thương mại tự do. Đồng thời, tận dụng các động lực tăng trưởng mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp văn hóa.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM (góc phải màn hình) tham gia phiên họp trực tuyến. Ảnh: THUẬN VĂN
“Nắm chắc 8% tăng trưởng từ các động lực truyền thống, tận dụng các yếu tố mới để tăng trưởng 2% thì TPHCM chắc chắn đạt mức tăng trưởng hai con số trong thời gian tới"- PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Về giải pháp “tăng trưởng 8+2%”, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98, cho rằng đây là mô hình khoa học. Theo ông, nhóm giải pháp truyền thống sẽ giải quyết chỉ tiêu tăng trưởng 8% và giải pháp đột phá sẽ giải quyết 2% còn lại. Tuy nhiên, từ giai đoạn sau, mục tiêu là 10%, chứ không còn là 8+2% nữa.
Làm TOD từ ngã tư Hàng Xanh ra Quốc lộ 13
KTS.TS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nếu thực hiện tốt mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) sẽ là hạng mục đi đầu, giúp TP.HCM đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Theo KTS Sơn, TP.HCM gặp nhiều thách thức khi có tham vọng làm hàng trăm km đường sắt đô thị trong khoảng một thập niên, trong khi trước đó TP đã mất gần 20 năm để làm được metro số 1.
KTS.TS Ngô Viết Nam Sơn Cho rằng nếu thực hiện tốt mô hình TOD sẽ là hạng mục đi đầu, giúp TP.HCM đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số. Ảnh: THUẬN VĂN
Ông cho rằng để phát triển TOD hiệu quả phải phát triển cả hệ sinh thái đi kèm, bao gồm hệ thống xe buýt bao trùm TP và kết nối metro với các hạ tầng trọng điểm khác như sân bay, cảng biển, đường sắt Bắc – Nam.
KTS Sơn nhìn nhận TP.HCM làm hàng trăm km metro là công trình kỳ công. Nếu không phát triển tốt mô hình TOD thì TP có thể phải tốn hàng triệu USD hàng năm để bù lỗ, duy trì hoạt động của hệ thống metro này.
Đồng thời cần phát triển song song các vùng ảnh hưởng TOD, bao gồm các dự án trọng điểm để đảm bảo lượng khách ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế. “Nếu làm tốt thì TP không chỉ hoàn vốn mà mang lại thu nhập, lợi nhuận cho TP”– ông khẳng định và cũng gợi ý việc phát triển hạ tầng của hai đầu tuyến metro sẽ thu hút người dân.
Cũng theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, để thực hiện Nghị quyết 98, cần điều chỉnh các luật định phù hợp với cơ chế này, từ công tác đền bù, giải tỏa, đấu giá, đến xác định ranh giới, vùng ảnh hưởng TOD, làm quy hoạch, kêu gọi đầu tư,…
“Nếu không có nền tảng pháp lý sẵn sàng thì mỗi lần phải xin - chờ trả lời rất lâu” – ông đánh giá và đề xuất Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ TP.HCM một phần kinh phí để làm cùng lúc nhiều tuyến metro.
Chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp phát triển TOD. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
KTS Sơn khẳng định việc phát triển hệ sinh thái TOD rất tốn kém nhưng khả năng sinh lời rất cao và chắc chắn hoàn vốn. Vấn đề là TP.HCM phải có kịch bản về thời điểm hoàn vốn, bắt đầu tạo ra đóng góp cho kinh tế - xã hội của TP nói riêng và toàn Việt Nam nói chung, để thuyết phục Trung ương.
Đáng chú ý, KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng đề xuất xây dựng một tập đoàn các nhà đầu tư chiến lược để làm metro cũng như hệ sinh thái TOD và các hạ tầng đô thị khác. Đơn vị này sẽ cùng chịu trách nhiệm về tài chính, nghiên cứu, quản lý, đảm bảo hệ thống này vận hành hiệu quả.
Song song với chuẩn bị đầu tư hàng chục tuyến metro, TP.HCM cần suy nghĩ về việc chuẩn bị nhân sự để vận hành, bảo trì cho mấy tuyến metro này. “TP cần sự hợp tác, bắt đầu đào tạo ngay từ bây giờ” – KTS nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP đã xây dựng các kế hoạch để đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số. Ảnh: THUẬN VĂN
Trao đổi lại với các chuyên gia, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP đã có kịch bản, kế hoạch và ba kế hoạch nhánh để đạt mức tăng trưởng hai con số. Gồm kế hoạch huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp, dự án dở dang; cải thiện môi trường đầu tư, huy động nguồn vốn.
Về mô hình TOD, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết bên cạnh 6 vị trí được các cơ quan nghiên cứu xác định trước đó trong đề án, vừa qua TP.HCM giao cho một doanh nghiệp đề xuất làm TOD ở đoạn từ ngã tư Hàng Xanh ra Quốc lộ 13.
Về đường sắt đô thị, TP.HCM đang xây dựng các cơ chế, đề xuất Trung ương cho phép thực hiện theo hướng “chìa khóa trao tay” để triển khai nhanh. Trong đó ưu tiên làm sớm ba tuyến trước năm 2030 gồm: Đường sắt đô thị từ trung tâm TP.HCM đến sân bay Long Thành, từ trung tâm đến Cần Giờ và tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Nhiều đề xuất để tăng trưởng 2 con số
Ths Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng để tăng trưởng hai con số bền vững thì phải liên tục tìm kiếm các động lực kinh tế mới. Kinh nghiệm từ các nước thì cứ 5-10 năm phải tạo ra một nền kinh tế mới trong một TP và đó là các động lực từ khu thương mại tự do, đặc khu kinh tế...
Ths Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Ảnh: THUẬN VĂN
Theo ông, động lực mới của TP.HCM chính là đề án đường sắt đô thị, khu thương mại tự do tại Cần Giờ, trung tâm tài chính quốc tế và các TP mới trong TP. Tuy nhiên, để khơi thông được các động lực này phải có những cơ chế chính sách mạnh hơn từ Trung ương.
Trước mắt, Ths Nguyễn Xuân Thành gợi ý TP.HCM sớm tháo gỡ các dự án bất động sản để thu hút đầu tư; khuyến khích hàng trăm hộ kinh doanh đăng ký trở thành doanh nghiệp, tạo động lực mở rộng quy mô kinh doanh.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Bên cạnh việc tập trung vào động lực tăng trưởng mới, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng chỉ ra để có tăng trưởng bền vững thì TP.HCM phải tập trong ba ngành đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Trong đó cần phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, dịch vụ Fintech và đề xuất thí điểm sandbox (chính sách thử nghiệm có kiểm soát).
LÊ THOA
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/cac-bien-phap-de-tphcm-tang-truong-kinh-te-2-con-so-post833359.html